Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Bão rocket nhắm thẳng căn cứ không quân Mỹ ở Iraq, một người thiệt mạng
Ngày 3/3, ít nhất 10 quả rocket đã bắn vào căn cứ không quân Ain Al Asad tại phía Tây Iraq, nơi các binh sỹ Mỹ, Iraq và binh sĩ liên quân hỗ trợ chống lại các phần tử thánh chiến.
Các nguồn tin an ninh phương Tây và Iraq cho biết, một nhà thầu dân sự có liên quan tới liên quân do Mỹ đứng đầu tại Iraq đã thiệt mạng do đau tim trong vụ tấn công.
Các nguồn tin không thể xác nhận quốc tịch của nhà thầu này, trong khi đó, liên quân do Mỹ đứng đầu không phản hồi đề nghị đưa ra bình luận về vấn đề này. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
NÓNG! Ít nhất 10 quả rocket dội thẳng xuống căn cứ không quân Mỹ ở Iraq |
Philippines trang bị tên lửa Brahmos nhằm tăng khả năng phòng thủ bờ biển
Theo trang Facebook của Bộ Quốc phòng Philippines, ngày 2/3, Thứ trưởng bộ này Raymund Elefante và Đại sứ Ấn Độ Shambu Kumaran đã kí kết một thỏa thuận tại trụ sở của lực lượng vũ trang Philippines - Trại Aguinaldo.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, người chứng kiến lễ ký kết xác nhận, Philippines sẽ mua tên lửa hành trình BrahMos (sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ và Nga), song không cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch mua sắm vũ khí này.
BrahMos là tên lửa siêu thanh tầm trung (nhanh hơn tốc độ âm thanh) có thể được phóng từ tàu ngầm, chiến hạm, máy bay hoặc từ đất liền và được xem là nhanh nhất thế giới.
Hệ thống tên lửa này, có thể được sử dụng để phòng thủ bờ biển và tấn công mặt đất, sẽ tăng cường sức mạnh hỏa lực của quân đội Philippines khi đối mặt với các mối đe dọa đối với lãnh hải, chủ yếu đến từ sự "hung hăng" của Trung Quốc trên Biển Đông. (Straits Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Lựa chọn của Pháp ở Biển Đông | |
Biển Đông nhìn từ các phía (Kỳ cuối) |
Triều Tiên: CNN có phát hiện mới, Lầu Năm Góc quan ngại về khả năng tái chế nhiên liệu hạt nhân
Ngày 3/3, hãng tin CNN đưa tin, các hình ảnh vệ tinh gần đầy cho thấy, Triều Tiên có thể đã có những hành động nhằm che giấu một cơ sở mà Mỹ cho rằng, được sử dụng để lưu giữ các vũ khí hạt nhân.
Trong diễn biến khác, hôm 1/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi đã đề cập hoạt động tại các cơ sở hạt nhân Yongbyong và Kangson của Triều Tiên, ám chỉ khả năng Bình Nhưỡng tái chế nhiên liệu hạt nhân để sản xuất bom.
Cùng ngày trong một sự kiện trực tuyến về công nghệ và an ninh, Thiếu tướng Michael Studeman, người đứng đầu bộ phận tình báo của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết, hoạt động trên có thể nhằm thu hút sự chú ý của Chính quyền Tổng thống Joe Biden và như một con bài mặc cả để gây sức ép đòi nới lỏng trừng phạt.
Ông Studeman cho rằng, hoạt động này có thể làm dấy lên những căng thẳng với Bình Nhưỡng, đồng thời nêu rõ: "Chúng tôi đã giám sát hoạt động này. Và quan ngại sâu sắc về hướng Triều Tiên muốn đi". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
CNN: Phát hiện mới từ hình ảnh vệ tinh chụp ở Triều Tiên, lộ đường hầm tới nơi cất giữ vũ khí hạt nhân? |
Thổ Nhĩ Kỳ-EU: Pháp nói Ankara 'không có bất kỳ sự lăng mạ nào nữa'
Phát biểu tại phiên điều trần ở quốc hội tối 2/3, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng xúc phạm Pháp và Liên minh châu Âu (EU): "Không có bất kỳ sự lăng mạ nào nữa".
Theo ông Le Drian, việc đưa các tàu khảo sát của Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vùng biển của Cyprus ở Đông Địa Trung Hải và Ankara thể hiện mong muốn nối lại đàm phán với Hy Lạp về tranh chấp trên biển lâu nay là những dấu hiệu tích cực.
Tuy vậy, Ngoại trưởng Pháp cho rằng, các mối quan hệ sẽ vẫn mong manh cho đến khi Ankara có hành động cụ thể: "Hành động là cần thiết... Hiện tại, đó chỉ là những lời nói. Điều này là mong manh, vì danh sách các bất đồng còn rất dài", ám chỉ những bất đồng về Libya, Iraq và khu vực Nagorno-Karabakh.
Mặc dù vậy, ông Le Drian khẳng định, EU muốn có một mối quan hệ lành mạnh với Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thổ Nhĩ Kỳ-EU: Liệu có tránh được một cuộc chia tay? |
Nhóm đảng lớn nhất EP lục đục, đảng cầm quyền Hungary dọa 'chia tay'
Ngày 3/3, đại diện đảng cầm quyền ở Hungary Fidesz tại Nghị viện châu Âu (EP) xác nhận, đảng này sẽ rời khỏi nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) nếu tổ chức này sửa đổi các điều luật nhằm hạn chế quyền lợi của các nghị sỹ là thành viên đảng mình.
Đảng Fidesz do Thủ tướng Hungary Viktor Orban lãnh đạo đã nảy sinh mâu thuẫn với EPP - nhóm đảng bảo thủ lớn và có ảnh hưởng nhất trong Nghị viện châu Âu - do bị EPP đình chỉ hoạt động hai năm trước vì các vấn đề được nhận định là thiếu dân chủ.
EPP là tập hợp các phong trào trung hữu ở châu Âu, với 217 nghị sỹ trong tổng số 750 nghị sỹ Nghị viện châu Âu. Trong số này có 12 nghị sỹ thuộc đảng Fidesz của Hungary. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bình luận của TG&VN: Thân Nga, xa EU - lối đi nào cho Hungary? |
Mỹ-EU trừng phạt Nga: Kremlin phản bác mạnh mẽ, Trung Quốc bảo vệ 'bạn thân'
Ngày 2/3, Mỹ và EU đồng loạt thông báo trừng phạt các quan chức, cũng như thực thể liên quan vụ việc của nhân vật đối lập chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny.
Ngày 3/3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt theo cách tốt nhất với lợi ích của Nga.
Khi được hỏi về cách thức đáp trả, ông Peskov nói: "Tất nhiên không thể áp dụng các nguyên tắc có đi có lại", đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt sẽ phá hủy kết quả quan hệ song phương Nga-Mỹ cũng như với EU.
Cùng ngày, bình luận về động thái của Mỹ và EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: "Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh lập trường về vụ Navalny rằng, đây là là việc nội bộ của riêng Nga, các thế lực nước ngoài không có quyền can thiệp". (Reuters, Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Trừng phạt Nga vì vụ Navalny. Nặng một đằng, nhẹ một nẻo |
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ Navalny: Mỹ và EU thẳng tay trừng phạt loạt quan chức Nga, Anh hoan nghênh, Moscow phản đòn |
Tình hình Myanmar: Giáo hoàng lên tiếng, nhà lãnh đạo Win Myint đối mặt 2 cáo buộc mới
Ngày 3/3, phát biểu trước các giáo dân ở Vatican, Giáo hoàng Francis cho rằng, hy vọng của người dân Myanmar không thể bị "bạo lực bóp nghẹt" và một lần nữa kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Cùng ngày, luật sư của Tổng thống Myanmar Win Myint cho biết, ông Win Myint phải đối mặt với 2 cáo buộc mới, bao gồm tội vi phạm hiến pháp có thể khiến ông bị kết án tới 3 năm tù giam và vi phạm quy tắc ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Ông Win Myint bị bắt ngày 1/2 vừa qua cùng với nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi. Vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài giờ trước khi quân đội Myanmar tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước.
Theo luật sư Khin Maung Zaw, hiện vẫn chưa biết ngày xét xử ông Win Myint. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
AFP: Anh đề xuất HĐBA LHQ họp kín về tình hình Myanmar |
Venezuela: Thủ lĩnh đối lập Venezuela điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ
Ngày 2/3, một số nguồn tin từ Venezuela cho biết, thủ lĩnh đối lập nước này Juan Guaido đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất của nhân vật này kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20/1.
Theo thông tin được tiết lộ, ông Guaido và Ngoại trưởng Blinken đã thảo luận về việc cung cấp viện trợ nhân đạo, cũng như cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Venezuela.
Cuối tuần trước, một quan chức Nhà Trắng cho biết Chính quyền của ông Biden "không vội vã" dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela, song có thể xem xét nới lỏng, nếu Tổng thống Maduro có những biện pháp chứng tỏ sẵn sàng đối thoại một cách nghiêm túc với phe đối lập. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tuyên bố sẽ không 'đơn độc' trong việc gây sức ép đối với Venezuela, Mỹ nêu điều kiện nới lỏng trừng phạt |
Tổng thống Belarus tính triển khai chiến đấu cơ Nga
Ngày 2/3, trang mạng của Tổng thống Belarus dẫn phát biểu của Tổng thống Alexander Lukashenko tại cuộc họp về hợp tác quân sự Belarus-Nga đề nghị Moscow chuyển cho Minsk các máy bay phản lực, nhưng lưu ý "trên những chiếc máy bay đó, phi công Nga và Belarus nên bay cùng nhau".
Theo Tổng thống Lukashenko, người đồng cấp Nga Vladimir Putin không từ chối điều này.
Ông Lukashenko lưu ý rằng, năm 2014, trong thời gian diễn ra Giải vô địch thế giới môn khúc côn cầu trên băng, máy bay Nga cũng đã có mặt tại Belarus và trực chiến cùng với Không quân nước này. Theo nhà lãnh đạo Belarus, hai nước có thể sử dụng kinh nghiệm này trong tương lai.
Tổng thống Lukashenko cũng nhấn mạnh, cần trang bị vũ khí cho máy bay và đó là những loại vũ khí hiện đại nhất, tuy nhiên lưu ý không phải là đầu đạn hạt nhân mà là vũ khí thông thường. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
EU gia hạn trừng phạt Belarus, cân nhắc 'tăng đòn' |
Palestine chính thức gửi công hàm cho Israel về vấn đề bầu cử
Ngày 2/3, Chính quyền Palestine (PA) đã chính thức gửi một công hàm cho Israel về các cuộc bầu cử sắp tới tại các vùng lãnh thổ Palestine.
THX dẫn lời một quan chức Palestine giấu tên cho hay, công hàm này có nội dung yêu cầu Israel cho phép tổ chức bầu cử tại Đông Jerusalem. PA hiện đang chờ phía Israel phản hồi về vấn đề này.
Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thông báo, cuộc tổng tuyển cử năm 2021 sẽ bao gồm bầu cử nghị viện, bầu cử tổng thống và bầu cử Hội đồng Nhà nước Palestine, lần lượt vào các ngày 22/5, 31/7 và 31/8. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Tuần nào không ăn phở là tôi thấy thiếu gì đó |
Tổng thống Cyprus sẽ tham dự hội nghị đàm phán hòa bình của LHQ
Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades sẽ tham dự hội nghị đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc (LHQ) khởi xướng nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột chia rẽ kéo dài tại quốc đảo phía Đông Địa Trung Hải, dự kiến diễn ra từ ngày 27-29/4 tại Geneva (Thụy Sỹ).
Tổng thống Anastasiades đã trao đổi với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về sự cam kết, sẵn sàng, quyết tâm và ý chí chính trị của ông nhằm đóng góp cho mục tiêu của hội nghị là tiếp tục trở lại đàm phán những vấn đề còn dang dở từ cách đây 3 năm khi hội nghị hòa bình lúc đó thất bại.
Tổng thống Cyprus cũng nhấn mạnh giải pháp hòa bình phải dựa trên các nghị quyết và quyết định của LHQ, các nguyên tắc và giá trị của EU, các thỏa thuận cấp cao đã đạt được từ trước giữa hai cộng đồng liên quan, cũng như khung nghị quyết gồm 6 điểm do ông Guterres đưa ra.
Được biết, Tổng Thư ký LHQ cũng mời lãnh đạo cộng đồng Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng Cyprus gốc Hy Lạp, đại diện các nước Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh - là các bên tham gia ký kết hiệp ước 1960 công nhận Cyprus độc lập và thành lập nhà nước Cyprus - tham dự hội nghị. Trong khi đó, đại diện EU cũng sẽ tham dự hội nghị tới với tư cách quan sát viên. (THX)