Quân đội phong toả đường đến Quốc hội Myanmar ở Napyidaw hôm 1/2. (Nguồn: AFP) |
Ngày 1/2, chính quyền quân sự của Myanmar thông báo "thanh lọc" chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, loại bỏ 24 bộ trưởng và thứ trưởng, đồng thời bổ nhiệm 11 quan chức thay thế sau vụ đảo chính giành quyền lực.
Thông báo được đưa ra trên kênh truyền hình Myawadday do quân đội kiểm soát, trong đó công bố danh sách lãnh đạo các bộ được bổ nhiệm gồm bộ tài chính, y tế, thông tin, ngoại giao, quốc phòng, biên giới và nội vụ.
Quân đội nước này cũng đã cải tổ Ủy ban Đàm phán hòa bình, được thành lập vào tháng 12/2020 với 5 thành viên, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm nhằm tiếp tục đàm phán với các nhóm sắc tộc vũ trang tham gia ký Thỏa thuận Ngừng bắn quốc gia (NCA) với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa tiến trình hòa bình.
Ngoài ra, ủy ban được cải tổ cũng sẽ thảo luận với các bên không tham gia ký kết NCA và tổ chức các cuộc đàm phán cần thiết để đạt được mục tiêu khôi phục hòa bình lâu dài ở Myanmar.
Cùng ngày, trang tin Irrawaddy dẫn lời một thành viên đảng NLD cho biết, sau khi bắt giữ các lãnh đạo của NLD, quân đội nước này đã lục soát trụ sở đảng và thu giữ máy tính cùng các tài liệu.
Theo thành viên đảng NLD, quân đội không nêu cụ thể thời điểm đảng này được phép mở cửa trụ sở trở lại.
Trước tình hình trên, ngày 2/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự định sẽ thảo luận về cuộc chính biến này.
Trong khi đó, ngày 1/2, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho biết, “Otawa quan ngại sâu sắc trước các hành động mới đây của quân đội Myanmar”, đồng thời tuyên bố ủng hộ thúc đẩy giải quyết hòa bình các xung đột.
Anh cũng đã ngay lập tức triệu Đại sứ Myanmar tại London sau khi Thủ tướng Boris Johnson lên án cuộc chính biến cũng như vụ quân đội bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.
Cùng ngày, Ủy ban Nobel Na Uy bày tỏ "kinh hoàng" trước vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi: "Ủy ban Nobel Na Uy cảm thấy kinh hoàng trước vụ đảo chính tại Myanmar và vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình (vào năm 1991), Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo chính trị khác".
Ủy ban kêu gọi "lập tức thả" các nhà lãnh đạo Myanmar.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đưa ra phản ứng đầu tiên khi kêu gọi quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực và sẽ có những hành động phù hợp với tình hình.
Cập nhật thông tin Covid-19 trên thế giới và Việt Nam