Kịch bản phim truyền hình Cô gái xấu xí ("Ugly Betty") của Colombia được bản địa hóa ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Mỹ. |
Về mặt lý luận nhận thức, toàn cầu hóa văn hóa chỉ đến gần đây mới được nhiều người thừa nhận. Ở đây, cho dù vẫn còn những hoài nghi về hiện tượng toàn cầu hóa văn hóa, nhưng không ai có thể bác bỏ được các hiện tượng kiểu như những cơn sốt toàn cầu về văn hóa. Chẳng hạn như kịch bản phim truyền hình Cô gái xấu xí (Ugly Betty) của Colombia được bản địa hóa và thành công rực rỡ ở nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam và Mỹ), bộ phim "bom tấn" Avatar hay tiểu thuyết giả tưởng Harry Porter,... Sự phổ biến đáng kinh ngạc của văn hóa ẩm thực kiểu Coca-Cola, McDonald, hamburger của Mỹ, và gần đây là Phở của Việt Nam...
Đơn cử như bộ phim giả tưởng 3D Avatar (đạo diễn James Cameroon) đã đạt doanh thu kỷ lục mọi thời đại với gần 2 tỉ USD chỉ sau năm tuần khởi chiếu tại các quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, lần đầu tiên một bộ phim như vậy đã phá mọi kỷ lục trong lịch sử chiếu phim với doanh thu 1 triệu USD chỉ sau bốn tuần ra mắt (tuy giá vé chỉ từ 50-150 nghìn đồng). Vì thế, đạo diễn Cameroon lừng danh đã gửi bức thư đặc biệt cảm ơn khán giả Việt Nam. Thành công của Cameroon là đánh đúng tâm lý muốn được thưởng thức nghệ thuật điện ảnh siêu kỹ xảo của Hollywood với nội dung ca ngợi lòng dũng cảm và tình yêu trong cuộc chiến, chống lại cái ác, bảo vệ môi trường sống và đa dạng văn hóa của các dân tộc của thanh thiếu niên toàn cầu, không phân biệt dân tộc, quốc gia, ngôn ngữ, học vấn, giàu nghèo...
Ngay hội họa là lĩnh vực rất khó phổ biến được các tác phẩm độc bản đến toàn thế giới, thì giờ đây, hầu như ai cũng có thể chiêm ngưỡng các kiệt tác của các danh họa thế giới. Điểm nổi bật nhất của toàn cầu hóa ngày nay là tốc độ truyền thông của các hiện tượng và giá trị văn hóa của chúng. Khoảng cách địa lý và không gian không còn là rào cản đối với việc toàn cầu hóa nữa. Một phát ngôn ngắn gọn nhưng giàu ý tứ của Tổng thống Mỹ B. Obama kiểu như "(We need) Change. Yes, We can" đã ngay lập tức dấy lên trong hàng tỉ con tim một niềm hy vọng tốt lành cho thế giới vốn đang tràn ngập đau thương và nhức nhối. Đồng thời với sự vang xa, phổ quát hóa hay lên ngôi của hiện tượng này, thì đâu đó trong các nền văn hóa của các quốc gia kém phát triển, nhiều yếu tố vốn làm nên bản sắc văn hóa của mình bỗng chốc bị phôi phai, biến mất. Thay vào đó là những yếu tố ngoại lai đến từ một phương trời xa lạ thông qua muôn nẻo đường của thời đại toàn cầu hóa. Bản sắc văn hóa các dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức. Đấy chẳng phải là bằng chứng hùng hồn về hiện tượng toàn cầu hóa văn hóa với hai mặt tích cực và tiêu cực của nó?
Toàn cầu hóa văn hóa, giống như các dạng toàn cầu hóa kinh tế và chính trị, đều dựa trên những tiền đề chung như hệ thống công nghệ viễn thông (nghe nhìn) siêu tốc, sự xoá bỏ nhiều rào cản quốc gia quan trọng về chính trị và kinh tế, quá trình cá nhân hóa truyền thông và lao động. Nhưng nó còn dựa trên những tiền đề riêng của văn hóa, như việc hình thành một ngôn ngữ giao tiếp chung (tiếng Anh và một vài ngôn ngữ quốc tế phổ biến khác), mức độ đồng đều tương đối của tri thức nhận được qua giáo dục, sự thống nhất tương đối về ý chí và nhận thức của các quốc gia về vận mệnh chung của nhân loại...
Đời sống văn hóa của người dân trên khắp hành tinh với sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin và truyền thông đa năng siêu hiện đại đã và đang trở nên sôi động, đa dạng, đa hướng, đa tầng và có thể nói, không một thế lực nào còn khả năng kiểm soát được nữa. Con người ngày nay là con người tự ý thức, tự nó và cho nó. Sự thần tượng hóa trở thành một “show games” chứ không còn là sự thành kính thiêng liêng như các thời đại trước kia. Do đó, người ta nói đến kỷ nguyên hậu kỳ của hậu hiện đại về văn hóa mà đặc trưng cơ bản nhất là sự cá nhân hóa cao độ trong lối sống, trong nhận thức, trong hành vi hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Dường như mỗi cá nhân đều có cơ hội tự mình vừa là độc giả, vừa là nhà văn, nhà báo và nhà phê bình, vừa là khán giả, vừa là diễn viên của sân chơi văn hóa với sự trợ giúp của các phương tiện máy tính cá nhân, điện thoại di động đa năng đủ loại và các hệ thống mạng toàn cầu.
Một đặc điểm quan trọng khác về văn hóa của kỷ nguyên toàn cầu hóa giai đoạn hiện nay là sự tràn sang nhau của các lĩnh vực văn hóa, chính trị và kinh tế. Nhiều khi người ta khó phân biệt một sự kiện nào đó là sự kiện văn hóa, chính trị hay kinh tế. Chẳng hạn các đại hội thể thao thế giới Olympia, các cuộc thi Hoa hậu trên thế giới... Có thể thấy, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa ngày nay, văn hóa không còn thuần tuý là văn hóa nữa, vì chính trị và kinh tế nhiều khi cũng đều phải mượn "trang phục và son phấn" của văn hóa. Việc phân phối trên quy mô toàn cầu các sản phẩm được tiêu chuẩn hóa quốc tế (theo Phương Tây) sẽ tạo ra quá trình đồng nhất hóa các giá trị và các thói quen, lối sống của các dân tộc. Điều đó cho thấy tác động to lớn và lâu bền của văn hóa trong đời sống nhân loại ở kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Vấn đề cơ bản trong nghiên cứu về toàn cầu hóa văn hóa đòi hỏi các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ bao gồm bốn phương diện sau đây: Thứ nhất là những yếu tố văn hóa nào (thuộc các nền văn hóa nào) được toàn cầu hóa, và tại sao lại là những yếu tố đó chứ không phải những yếu tố khác? Thứ hai là các yếu tố văn hóa được toàn cầu hóa theo cách thức nào? Thứ ba là kết quả hay tác động của toàn cầu hóa văn hóa đối với đời sống các quốc gia trên các phương diện văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội như thế nào? Và cuối cùng là việc các quốc gia cần ứng xử thế nào với làn sóng toàn cầu hóa văn hóa để phát triển văn hóa của mình và đóng góp cho văn hóa chung của nhân loại?
Nền tảng văn hóa của quốc gia sâu sắc và bền vững bao nhiêu, tính chủ động tiếp nhận cao bao nhiêu thì sự tiếp nhận yếu tố ngoại lai càng trở nên mạnh mẽ và hiệu quả bấy nhiêu, vì dù thế nào các yếu tố ngoại lai kia vẫn không thể lay chuyển được toàn bộ gốc rễ sâu xa của văn hóa dân tộc, mà chúng chỉ làm cho văn hóa dân tộc thêm mới mẻ, giàu sức sống và khả năng chinh phục mà thôi. Sự đồng nhất văn hóa do toàn cầu hóa đem lại nhiều khi chỉ là cái vỏ bên ngoài, hoặc chỉ là sự bổ sung và điều chỉnh cần thiết nào đó, trong khi về mặt tinh thần thì tính dân tộc và bản sắc văn hóa các dân tộc vẫn không hề bị xoá nhòa.
Lương Văn Kế
TSKH, Trường ĐHKHXH&NV