Những cú đòn của ông Macron tung ra nhằm vào NATO, EU và nước Đức đều đã lộ diện. Biếm họa của trang Dailysabah. |
"Phải chăng nước Nga là kẻ thù của chúng ta? Tôi nghĩ là không phải!" - Với câu tự hỏi và tự trả lời này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chơi cú đòn nặng mới vào cả uy danh lẫn thể diện, vào cả hiện tại lẫn tương lai của NATO. Không chỉ có như thế. Ông Macron còn "Tôi chúc mừng tôi" về việc đã công khai đánh giá rằng NATO hiện trong tình trạng bị chết não.
Nhiều động thái mới của ông Macron
Trong khi NATO bác bỏ đề nghị của Nga về "đông cứng tên lửa hạt nhân" ở châu Âu vì cho rằng đấy là một cái bẫy của Nga về chính trị cũng như an ninh thì ông Macron lại tuyên bố sẽ xem xét đề nghị này. Trong NATO, ông Macron không để cho phía Đức đóng góp nhiều hơn vào ngân sách hoạt động của NATO nhiều hơn Mỹ. Trong EU, ông Macron công khai yêu cầu cụ thể hoá hơn nữa và thể chế hoá hơn nữa Điều 42, đoạn 7 của Hiệp ước thành lập EU về trách nhiệm trợ giúp lẫn nhau đảm bảo an ninh giữa các thành viên EU. Ông Macron không dấu diếm mà chủ động phơi bày sự bất đồng quan điểm sâu sắc với Đức trong những vấn đề quan trọng nhất đối với NATO đang đặt ra cho liên minh quân sự này.
Ngân sách hoạt động hàng năm của NATO hiện khoảng 2,1 tỷ Euro. Xưa nay, Mỹ đóng góp 22,1% (khoảng 470 triệu Euro), Đức đóng góp 14,8% (khoảng 313 triệu Euro), Pháp đóng góp 10,5%, Anh đóng góp 10,4% và Italy 8%. Phần còn lại san xẻ cho những thành viên còn lại trong số tổng cộng 29 thành viên của NATO. Mới đây, các thành viên NATO đã nhất trí cơ cấu phân chia lại mức đóng góp này để làm vừa lòng Mỹ. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của Mỹ giảm đi còn 16,35%", nước Đức đóng góp đúng bằng Mỹ. Phần thiếu còn lại (do Mỹ đóng góp ít đi) được chia xẻ cho các thành viên khác của NATO. Nước Đức sẵn sàng đóng góp nhiều hơn mức độ mới nói trên nhưng ông Macron không chấp nhận và Pháp cũng không sẵn sàng đóng góp nhiều hơn trước cho ngân quỹ hoạt động của NATO. Thông điệp của ông Macron từ tất cả những động thái nói trên là NATO phải thay đổi cơ bản cả về tổ chức lẫn định hướng chiến lược nếu không thì sẽ trở nên hữu danh vô thực, là NATO không phải không thể bị thay thế và là EU phải đảm trách vai trò chính trị an ninh châu lục to lớn hơn và thiết thực hơn, bất kể ở trong hay độc lập với NATO.
Lộ diện ba mục tiêu chính
Đến lúc này thì cả 3 mục tiêu mà ông Macron theo đuổi với những cú đòn đã tung ra nhằm vào NATO, EU và nước Đức nói trên đều lộ diện rõ.
Thứ nhất, ông Macron chủ ý khiêu khích bằng cách thái quá hoá thực trạng của NATO và rẽ lối đi đường riêng trong quan hệ với Nga để thức tỉnh tất cả các thành viên của NATO và EU phải thảo luận và nhất trí với nhau về định hướng chiến lược cho NATO trong tương lai. Chủ định này trong thực chất rất đúng đắn và cần thiết đối với NATO và EU. Nhưng cách làm của ông Macron lại gây phân rẽ và gia tăng nghi ngại trong nội bộ EU và NATO.
Thứ hai, ông Macron vừa muốn dùng việc tăng cường liên minh trong EU để đảm bảo an ninh cho các thành viên để gia tăng áp lực đối với NATO buộc liên minh quân sự này phải cải tổ cơ bản trên nhiều phương diện vừa chuẩn bị EU sẵn sàng cho kịch bản NATO chết não thật sự hoặc các thành viên NATO ở châu Âu không còn có thể tin tưởng được như trước nữa vào NATO.
Thứ ba, ông Macron chủ ý gây dựng vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới mới cho nước Pháp mà cụ thể trước hết ở đây là tạo cục diện bằng vai phải lứa với Mỹ và Nga để xác lập vai trò lãnh đạo các nước ở châu Âu.
Những động thái mới nói trên khiến cho NATO ngoài Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ra giờ có thêm vấn đề nan giải mới là nước Pháp, có thêm thành viên sẵn sàng bất chấp cả tương lai của NATO vì mưu tính chiến lược riêng là nước Pháp. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không công khai khích lệ ông Macron đi lối đường riêng một mình, nhưng trong thâm tâm cũng không ngăn cản mà còn tận dụng những bước đi độc hành nói trên của ông Macron cũng để gia tăng áp lực đối với NATO phục vụ cho mưu tính lợi ích riêng.
Tại hội nghị cấp cao thường niên năm nay sắp tới ở Anh, NATO chắc sẽ tìm mọi cách để biểu lộ ra bên ngoài rằng nội bộ NATO hiện không phải tứ tung ngũ hoành như thế chứ còn trong thực chất thì triển vọng thành công của sự kiện này rất mịt mờ nếu như không muốn nói là phải nhờ cậy vào điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra thì mới có thể thành công.