TIN LIÊN QUAN | |
Tại sao Pháp không chọn phe cực hữu? | |
Tổng thống Pháp hội kiến với Thủ tướng Đức |
Trong những ngày qua, ông Macron đã vượt qua nhiều bài “trắc nghiệm” quan trọng, thể hiện một cách hoàn hảo phong cách của một vị tổng thống, xua tan những nghi vấn, e ngại cho rằng ông còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm trên chính trường quốc tế.
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên đại lộ Champs-Élysées, Thủ đô Paris trong lễ nhậm chức vào ngày 14/5. (Nguồn: Getty Images) |
Mới nhập cuộc nhưng ứng xử tự tin
Chưa đầy ba tuần sau khi khi đắc cử, Tổng thống Macron đã có dịp xuất hiện cùng với nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ nhiều nước trên thế giới. Sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 25/5 tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Macron đã gặp gỡ những người đứng đầu các quốc gia thuộc nhóm G-7 tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm này diễn ra trong hai ngày 26-27/5 tại Taormine, Sicily.
Chỉ qua những cái bắt tay, những bức ảnh chụp chung, các cuộc trao đổi song phương... có thể nói "người mới nhập cuộc" Macron đã ứng xử rất thoải mái, tự tin. Vào thời điểm cuối cùng, sau Hội nghị thượng đỉnh G-7, "tân binh" Macron đã phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/5 tại đảo Sicily, cho biết ông đã có những "trao đổi tích cực" trên bàn làm việc với các nhà lãnh đạo các quốc gia G-7, điều đã giúp ông hiểu rõ hơn về "những ràng buộc" của mỗi người.
Tổng thống Macron hoàn toàn làm chủ vấn đề khi ông thẳng thắn từ chối đưa ra ý kiến bình luận tại cuộc họp báo về những rắc rối tài chính mà Bộ trưởng Bộ Gắn kết các vùng lãnh thổ Richard Ferrand, một nhân vật thân tín của ông đang gặp phải và đang trở thành chủ đề nóng ở trong nước.
Theo ông Christophe Castaner, Người phát ngôn của Chính phủ đồng thời cũng là một người gần gũi với Tổng thống, "các bước đi đầu tiên của Tổng thống mang tính biểu tượng cao. Nếu vấp ngã, thì cả nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo sẽ là quãng đường vô cùng khó khăn đối với ông".
Được chào đón nồng nhiệt
Đặc biệt, các cuộc họp tại Brussels và trên đảo Sicily đã giúp Tổng thống Macron gặp gỡ người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump - người đã không che giấu thiện cảm dành cho nhà lãnh đạo của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia là bà Marine Le Pen, đối thủ của ông Macron trong chiến dịch tranh cử. Cuộc gặp gỡ tay đôi Macron-Trump được mong đợi từ lâu bởi vì quan điểm của Paris và Washington không đồng nhất về nhiều vấn đề quốc tế, đơn cử như sự tôn trọng các Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, việc thiết lập các quy tắc thương mại thế giới và chính sách đối với Nga.
Sau bốn ngày làm việc cùng với Tổng thống Mỹ, tại cuộc họp báo, Tổng thống Macron mô tả ông Trump là người "biết lắng nghe, có mong muốn làm việc". Ông nói: "Tôi đã gặp một nhà lãnh đạo có niềm tin mạnh mẽ, trong đó tôi chia sẻ một số quan điểm, chẳng hạn như cuộc chiến chống khủng bố. Mặc dù chúng tôi cũng có nhiều điểm bất đồng, song chúng tôi đã thảo luận với sự điềm tĩnh".
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel duyệt đội danh dự tại Berlin, ngày 15/5. (Nguồn: Getty Images) |
Cũng tại hai hội nghị thượng đỉnh này, Tổng thống Macron đã có dịp gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel - người đã đón tiếp ông ngày 15/5 ngay sau lễ nhậm chức, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Đây là dịp để Tổng thống Pháp đề cập đến những hồ sơ kinh tế lớn hay các vấn đề quốc tế nổi bật, từ cuộc chiến chống khủng bố cho đến cuộc khủng hoảng của người di cư hoặc công cuộc chấn hưng Liên minh châu Âu (EU).
Tại các cuộc gặp, Tổng thống Macron đều được những người đồng cấp chào đón nồng nhiệt, đặc biệt là các đối tác châu Âu, những người muốn nhìn thấy qua việc ông Macron đắc cử sự ngăn chặn làn sóng dân túy gia tăng trong những tháng qua kể từ chiến thắng của ông Donald Trump tại Mỹ và việc người Anh bỏ phiếu rời EU tại cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016.
Ông Jacques Audibert, cựu cố vấn ngoại giao của Tổng thống François Hollande nhấn mạnh: "Biểu tượng được thể hiện qua chiến thắng của ông Macron đã làm thay đổi ý nghĩa của cuộc chơi, tạo ra sự kỳ vọng đồng thời đem đến cơ hội đưa ra các sáng kiến trên trường quốc tế". Sự thân mật của Tổng thống Pháp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người hơn ông 6 tuổi, đã được đặc biệt chú ý tại Taormina, nơi hai nhà lãnh đạo đã có ý "đạo diễn" cuộc đi dạo dưới ánh mặt trời Sicily - hình ảnh đã được bình luận rộng rãi trên mạng xã hội.
Các chuyến công du "ngoại giao marathon" của Tổng thống Pháp sẽ tiếp tục trong những tuần tới. Tại Sicily, Tổng thống Macron đã tuyên bố vào tháng 7 tới, ông sẽ tham gia hội nghị G-5 tại châu Phi (gồm các nước Mauritani, Mali, Niger, Cộng hòa Chad và Burkina Faso), được tổ chức bởi các nước thuộc khu vực Sahel. Trong các ngày 7-8/7, ông sẽ dự Hội nghị G-20 tại Hamburg và dự kiến sẽ có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thiết lập mối quan hệ trực tiếp Nga
Tuy nhiên, trước mắt, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc gặp ngày 29/5 tại cung điện Versailles tráng lệ giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lý do cho cuộc gặp tay đôi này là cuộc triển lãm về chuyến thăm lịch sử tới Pháp vào năm 1717 của Sa hoàng Pierre Đại đế.
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mừng chiến thắng. (Nguồn: Reuters) |
Lời mời Tổng thống Putin tham dự cuộc triển lãm đã được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống ngày 8/5, một ngày sau khi ông Macron đắc cử. Giữa Paris và Moscow hiện có rất nhiều khác biệt, đặc biệt về các vấn đề Ukraine và Syria. Tại cuộc họp báo ngày 28/5 tại Sicily, Tổng thống Macron cho biết: "Tôi sẽ có một cuộc đối thoại nghiêm túc với Nga, nhưng đó vẫn sẽ là một cuộc đối thoại".
Buổi đón tiếp này sẽ là cách để ông Macron thiết lập mối quan hệ trực tiếp với Tổng thống Nga Putin, do trong suốt chiến dịch tranh cử, hai bên đã dành cho nhau những từ ngữ, phát biểu khá căng thẳng. Đặc biệt, Tổng thống Macron cũng đã chỉ rõ rằng "ông không thuộc những người bị cuốn hút bởi Vladimir Putin", đồng thời ông cũng "không chia sẻ các giá trị" với Tổng thống Putin. Đảng Tiến bước của ông từng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng của Nga.
Về phần mình, trong lời chúc mừng ông Macron sau khi đắc cử, Tổng thống Nga Putin - người đã có cuộc gặp với ứng cử viên tổng thống, bà Marine Le Pen vào tháng 3 vừa qua tại Điện Kremlin, đã đề nghị ông Macron cùng nỗ lực "vượt qua sự mất lòng tin lẫn nhau".
Cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia diễn ra vào trưa ngày 29/5 tại cung điện Versailles. Hai bên có buổi ăn trưa cùng phái đoàn của mình và sau đó có cuộc họp báo chung trước khi tham quan triển lãm. Cuộc gặp đề cập chủ yếu đến quan hệ Pháp - Nga, tầm nhìn cho tương lai của EU, cuộc chiến chống khủng bố và các cuộc khủng hoảng khu vực như Ukraine, Syria, Triều Tiên và Libya.
Ẩn số đầy hy vọng Với sức trẻ và sự linh hoạt của mình, ông Emmanuel Macron và chính sách đối ngoại của Pháp trong tương lai là một ẩn ... |
"Làn gió mới" sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp Việc ứng cử viên Emmanuel Macron giành chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã trở thành một trong những sự kiện ... |
Thủ tướng Đức: Ông Macron mang đến cho EU sự năng động Việc lựa chọn ông Emmanuel Macron trở thành Tổng thống Pháp mở ra triển vọng tích lũy thêm sự năng động trong việc thực hiện ... |