📞

Triều Tiên: Ba thông điệp, một nước cờ

Minh Quân 10:01 | 01/08/2019
TGVN. Tiến hành bắn thử tên lửa hai lần trong vòng chưa đầy một tuần là cách Triều Tiên đánh tiếng về bế tắc trong đàm phán, tận dụng khoảng trống từ căng thẳng Nhật - Hàn và thể hiện tiềm lực quân sự ngày một hùng hậu của mình. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam. 
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng thử tên lửa ngày 25/7 (Nguồn: EPA/KCNA)

5 giờ sáng ngày 31/7, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Wonsan – Kalma, đạt độ cao 30 km và bay được 250 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Một quan chức Mỹ cũng xác nhận thông tin này, song nhấn mạnh các vũ khí này không gây ra mối đe doạ cho Mỹ hay đồng minh.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, JCS cũng cảnh báo rằng các cuộc phóng tên lửa liên tục “không đóng góp vào nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên” và kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt hành động này. Nhà Xanh cho biết Tổng thống đã tổ chức họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về vụ phóng tên lửa. Tương tự, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triệu tập cuộc họp khẩn để đánh giá vụ việc.

Đây là vụ phóng tên lửa thứ ba trong vòng ba tháng trở lại đây và thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Đáng chú ý, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa đạn đạo này được xác định là khác với các mẫu trước đây của Triều Tiên.

Với động thái này, Bình Nhưỡng một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý tại Đông Bắc Á, ngay cả khi căng thẳng chính trị - thương mại giữa Tokyo và Seoul ngày một nóng lên.

Tín hiệu của sự bế tắc

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đặt biệt danh cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là “Người đàn ông Tên lửa” (Rocket Man), để ám chỉ số lượng vụ phóng tên lửa mà nhà lãnh đạo này thực hiện kể từ khi lên cầm quyền năm 2011. Tuy nhiên, sẽ không sai nếu nói rằng những vụ thử tên lửa như vậy là cách Bình Nhưỡng truyền tải thông điệp chính sách của mình ra thế giới, đặc biệt là tới phương Tây.

Nếu phóng tên lửa nghệ thuật thì Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hẳn phải là một nghệ sỹ, đặc biệt là trong việc chọn thời điểm. Các vụ thử nghiệm thường diễn ra trước hoặc sau một sự kiện lớn. Vụ thử tên lửa lần này không phải là một ngoại lệ.

Đầu tiên, nó diễn ra một tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới khu vực phi quân sự DMZ, gặp Chủ tịch Kim Jong-un hậu Hội nghị Thượng đỉnh các Nền Kinh tế phát triển (G20) tại Osaka. Tại đây, hai nhà lãnh đạo một lần nữa thể hiện thái độ thân mật và tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.

Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa lần thứ ba chỉ trong vòng 3 tháng.

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, “lời nói gió bay” – đàm phán tiếp tục bế tắc. Mỹ không chịu nhượng bộ với các điều kiện dỡ bỏ cấm vận của Triều Tiên và ngược lại, Bình Nhưỡng thậm chí còn chưa chỉ định quan chức đảm nhiệm trưởng đoàn đàm phán phi hạt nhân hoá. Động thái công khai hiếm hoi giữa hai bên thời gian tới có thể đến từ cuộc gặp Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và đại diện của Triều Tiên trong trường hợp hai bên cùng tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 2/8 tại Bangkok (Thái Lan).

Ít nhất là tới khi đó, việc chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un thử hai tên lửa tầm ngắn chưa xác định một lần nữa khẳng định sự bế tắc trong quá trình đàm phán Mỹ - Triều.

Tận dụng khoảng trống

Thứ hai, động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ chính trị - kinh tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ngày một leo thang. Đặc biệt hơn, Bình Nhưỡng được cho là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến căng thẳng giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này: Tokyo khẳng định việc dừng xuất khẩu một số nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp bán dẫn sang phía Seoul là nhằm ngăn công nghệ Nhật Bản rơi vào tay chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un.

Trong khi Tokyo vẫn theo đuổi cách tiếp cận “rắn” trong vấn đề Bình Nhưỡng, Seoul lại có xu hướng hoà giải hơn, hướng tới xây dựng quan hệ tốt với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un. Việc song phương lục đục khi đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác trong thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên. Điều này sẽ tạo ra khoảng trống cần thiết để Bình Nhưỡng tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, khai phá tiềm lực, xây dựng vị thế để “mặc cả” với Washington một khi đàm phán được khai thông.

Vụ thử nghiệm một loại tên lửa mới, chưa được xác định cho thấy những tiến bộ trong công nghệ chế tạo vũ khí của Triều Tiên và là minh chứng rõ nét cho thành quả của chiến lược “câu giờ” mà chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un đang theo đuổi.

Thể hiện sức mạnh

Cuối cùng, vụ thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra ngay trước thời điểm Mỹ và Hàn Quốc triển khai tập trận chung vào tháng 8. Chủ tịch Kim Jong-un từng khẳng định tiến hành hoạt động này đồng nghĩa với việc “tự sát” và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không nên “phạm sai lầm khi bỏ qua những cảnh báo từ Bình Nhưỡng”.

Tuy nhiên, kể từ cuộc gặp ngày 30/6 tại DMZ, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định Mỹ sẽ không tiến hành “trò chơi chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, quân đội Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì tần suất tiến hành tập trận, song với quy mô nhỏ lẻ và chủ yếu dưới dạng mô phỏng trên máy tính.

Do đó, không loại trừ khả năng cuộc tập trận chung tháng 8 sẽ không còn rầm rộ như năm ngoái. Tuy nhiên, việc Mỹ và Hàn Quốc chủ động tập trận với quy mô nhỏ hơn chủ yếu là do yêu cầu từ phía Washington, thay vì áp lực từ phía Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Jong-un cần duy trì hình ảnh trong mắt người dân và ông mong muốn thể hiện rằng hành động thể hiện sức mạnh của quân đội đã khiến Mỹ và Hàn Quốc phải chùn bước.

“Người đàn ông Tên lửa” Kim Jong-un đã lên tiếng và liệu ở bên kia Thái Bình Dương, “Người đàn ông Thuế quan” (Tariff Man) Donald Trump có thể đưa ra câu trả lời thích hợp, đóng góp tích cực cho tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên hay không, vẫn là lời ngỏ cần được giải đáp.

Minh Quân