Ngày 14/7 đánh dấu 6 năm kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), được ký kết. Trong hơn nửa thập niên, văn bản này đã chứng kiến nhiều thăng trầm - từ việc Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2017, nỗ lực cứu vãn của châu Âu, Tehran khởi động lại chương trình hạt nhân, tới hành trình trở lại bàn đàm phán tại Vienna của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden và Iran dưới thời Tổng thống Hassan Rouhani.
Có lẽ, số “6” không phải là con số may mắn với JCPOA: Sau 6 năm, những gì thỏa thuận này đạt được là không nhiều. Tương tự, sau 6 vòng đối thoại tại Vienna về JCPOA, Mỹ và Iran vẫn chưa thể tìm kiếm sự đồng thuận cuối cùng, trong khi triển vọng về lần gặp gỡ thứ 7 lại chưa rõ ràng.
Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đều tích cực thúc đẩy đối thoại JCPOA, song toan tính lợi ích và thiếu sự nhượng bộ vẫn là rào cản lớn. (Nguồn: Getty Images) |
Tuy nhiên, Tehran vẫn duy trì thái độ lạc quan. Ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định rằng việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran đang “dần tới hồi kết”. Thừa nhận rằng còn đó vấn đề chưa được giải quyết, song quan chức này nhấn mạnh đây chỉ là phần nhỏ so với những điều khoản đã được các bên nhất trí.
Song ông cũng đánh giá hành trình tiếp theo là không dễ dàng và mong “các bên còn lại có thể đưa ra lựa chọn, xây dựng thỏa thuận có lợi cho tất cả”. Cụ thể hơn, ông Khatibzadeh khẳng định nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận, Iran sẽ thực hiện các nghĩa vụ ngay khi thỏa thuận cuối cùng được triển khai.
Trong khi đó, Washington lại thận trọng hơn về kết quả của đối thoại. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định nước này sẽ không áp hạn chót cho vòng đối thoại thứ 7 và quyền quyết định giờ nằm ở Tehran. Song ông nhấn mạnh, mọi tiến triển về chương trình hạt nhân của Iran sẽ tác động lớn tới quyết định cuối cùng của chính quyền Mỹ với JCPOA.
Các phát biểu trên cho thấy cả Mỹ và Iran đang rơi vào thế “hai con dê qua cầu”.
Một mặt, cả Washington và Tehran đều muốn sớm nối lại JCPOA.
Với nhà lãnh đạo Hassan Rouhani, một thỏa thuận dỡ bỏ cấm vận kinh tế dai dẳng, thay đổi tương tác giữa Tehran và phương Tây, mở ra tương lai mới cho Iran là di sản giúp ông tách mình khỏi người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, hay thậm chí là Tổng thống kế nhiệm Ebrahim Raisi.
Ở bên kia, ông chủ Nhà Trắng đứng trước cơ hội để hoàn thành lời hứa đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng JCPOA sẽ là tiền đề xây dựng cho một thỏa thuận mới với điều khoản chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát chương trình hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Iran đều nhận định đối thoại Vienna cần đạt kết quả trước khi Tehran có Tổng thống mới vào tháng 8. Bởi lẽ, ngay cả khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định chính quyền kế nhiệm sẽ cam kết thực hiện JCPOA, chẳng có gì đảm bảo ông Raisi, chính trị gia bảo thủ có thái độ cứng rắn với Mỹ, sẽ thúc đẩy tiến trình đàm phán thỏa thuận này.
Mặt khác, cả hai duy trì lập trường cứng rắn, quyết không nhượng bộ lợi ích trên bàn đàm phán.
Iran muốn Mỹ dỡ bỏ trừng phạt trước khi thực hiện nghĩa vụ với chương trình hạt nhân. Washington lại yêu cầu Tehran tuân thủ thỏa thuận và tiến hành đánh giá trước khi hủy cấm vận. Mỹ và Iran đều cho rằng chủ động yêu cầu nối lại đối thoại là dấu hiệu của sự nhượng bộ. Do đó, cả hai liên tục đẩy trách nhiệm cho nhau, bởi không ai muốn là người lên tiếng trước.
Điều này khiến đối thoại về JCPOA tại Vienna, dù đã qua 6 vòng, vẫn chưa đạt điều mong muốn. 6 năm sau ngày ký kết, tầm nhìn về thỏa thuận lịch sử, thay đổi cục diện trong quan hệ giữa Tehran và phương Tây, đem lại cái kết “có lợi cho tất cả” vẫn dang dở.
Rất gần, rất xa là vậy.