Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: Reuters) |
Động thái này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Washington ủng hộ New Delhi tham gia vào Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) trong thời gian ông đang thăm chính thức Ấn Độ từ 25-26/1.
Mỹ, Anh và nhiều thành viên khác đã công khai ủng hộ Ấn Độ tham gia NSG. Đây là tổ chức được thành lập vào năm 1975 để đảm bảo rằng thương mại hạt nhân dân sự không bị lợi dụng vào mục đích quân sự. Ngày 19/12/2006, Ấn Ðộ và Mỹ đã ký Hiệp định hạt nhân, là cơ sở cho sự hợp tác về hạt nhân dân sự giữa hai nước. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp các lò phản ứng và nhiên liệu hạt nhân cho Ấn Ðộ để hỗ trợ chương trình phát triển năng lượng hạt nhân dân sự ở Ấn Ðộ. Việc này được thực hiện lại sau 30 năm cấm vận kể từ vụ thử vũ khí hạt nhân của Ấn Ðộ năm 1974 và một loạt vụ thử vũ khí hạt nhân năm 1998.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (26/1), Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết việc kết nạp Ấn Độ vào NSG "cần sự xem xét rất cẩn thận từ tất cả các nước thành viên". Bắc Kinh cam kết sẵn sàng hỗ trợ các cuộc thảo luận về việc công nhận thành viên mới, khuyến khích Ấn Độ thực hiện các bước tiếp theo để đáp ứng các tiêu chuẩn có liên quan của nhóm.
Ấn Độ vẫn chưa chính thức hoàn thiện thủ tục để tham gia NSG và sẽ cần sự hỗ trợ của tất cả các thành viên.
Tuy nhiên, nếu được kết nạp, Ấn Độ sẽ là thành viên duy nhất của NSG chưa tham gia Hiệp ước Không phổ biến (NPT), một hiệp ước có chữ ký của 189 quốc gia ra đời bốn thập kỷ trước nhằm ngăn chặn các hoạt động mua bán vũ khí hạt nhân.Điều này gây ngờ vực trong một số thành viên NSG. Nhiều ý kiến còn cho rằng nó có thể làm xói mòn uy tín của NPT, một nền tảng của những nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Giới quan sát cho biết Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên đặt ra nghi vấn. Sự dè dặt đó có liên quan đến Pakistan, “đối thủ” của Ấn Độ, cũng là nước đã thử nghiệm bom nguyên tử và không tham gia NPT.
Cũng trong cuộc họp báo nói trên, bà Hoa Xuân Oánh chỉ trích Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Narendra Modi khi hai nhà lãnh đạo kêu gọi "đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông" trong tuyên bố chung Mỹ - Ấn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các nước bên ngoài nên đóng một vai trò mang tính xây dựng về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết bất đồng bằng đối thoại song phương và phản đối sự tham gia của các nước ngoài khu vực về vấn đề Biển Đông. |
Nguyên Bảo (theo Reuters)