Tên lửa đẩy Trường Chinh 11 được phóng sáng 25/9. (Nguồn: CCTV) |
Theo Tân Hoa xã, vụ phóng được thực hiện lúc 9h41 (giờ địa phương) tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Tây Bắc nước này. Trong lần phóng này, tên lửa đẩy Trường Chinh - 11 đã đưa 4 vệ tinh siêu nhỏ vào không gian chủ yếu phục vụ công tác thử nghiệm.
Tên lửa Trường Chinh 11 chủ yếu được sử dụng để phóng các vệ tinh siêu nhỏ. Theo tuyên bố của nhà chức trách, việc phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh - 11 đã đánh dấu bước đột phá lớn đối với Trung Quốc trong công nghệ chủ chốt phát triển các tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn.
Đây là lần phóng thứ 211 của các thế hệ tên lửa đẩy Trường Chinh sử dụng nhiên liệu rắn này, do Viện công nghệ thiết bị phóng Trung Quốc thuộc Tập đoàn công nghiệp và khoa học vũ trụ Trung Quốc nghiên cứu phát triển.
Trước đó, hôm 20/9, Trung Quốc phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh 6, lần đầu đưa cùng lúc 20 vệ tinh siêu nhỏ vào quỹ đạo từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Các vệ tinh nhỏ được Trường Chinh 6 mang theo sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ như truyền dẫn thông tin liên lạc, đo đạc số liệu vật lý khí quyển, điều hướng cho tàu vũ trụ.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 6 là dòng tên lửa đẩy hạng nhẹ thế hệ mới của Trung Quốc, sử dụng nhiên liệu oxy lỏng (LOX) và dầu hỏa RP-1, là tên lửa đẩy đầu tiên sử dụng nhiên liệu không độc và không gây ô nhiễm. Tên lửa này gồm 3 tầng, với thời gian phóng ngắn, giúp cắt giảm chi phí nhiên liệu.
Đến nay, Trung Quốc đã thực hiện 11 trong tổng số 14 lần dự kiến phóng tên lửa đẩy trong năm 2015. Nước này triển khai tích cực kế hoạch phát triển không gian, với mục tiêu trở thành quốc gia thứ ba đưa phi hành gia lên Mặt Trăng năm 2025.
Phú Hà (tổng hợp)