Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một buổi họp cập nhật tình hình Covid-19. (Nguồn: Yonhap) |
Với tốc độ tăng chóng mặt, tính đến ngày 28/2, số người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 được Chính phủ Hàn Quốc công bố đã vượt qua con số 2.000 người và 13 người đã tử vong. Theo đó, Hàn Quốc trở thành "ổ dịch" Covid-19 lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục.
Bỏ qua những vấn đề về y tế, điều đáng nói là giữa việc kiểm soát Covid-19 đang vô cùng khó khăn, nội bộ Hàn Quốc lại lục đục với những động thái mang màu sắc chính trị - tôn giáo. Với không ít người, bóng ma về những biến cố chính trị sau thảm họa chìm tàu Sewol năm 2016 dường như đang quay trở lại. Nếu mọi việc ngày càng căng thẳng và Covid-19 thực sự gây ra thảm họa với Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in và chính phủ thiên tả của ông sẽ đối mặt với biến cố chính trị lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ.
Lợi dụng đại dịch làm chính trị?
Sự chủ quan trong công tác phòng dịch cùng ý thức kém của một số người dân, tiêu biểu là người phụ nữ 61 tuổi (nạn nhân số 31) ở Deagu đã khiến Covid-19 lây lan chóng mặt ở Hàn Quốc, đỉnh điểm là đêm 21 rạng sáng ngày 22/2 khi Chính phủ công bố những thông tin về hiện tượng siêu lây nhiễm.
Điều đáng nói là thay vì ở nhà để tránh dịch và thực hiện lệnh cấm tụ tập đông người, ngay trong sáng ngày 22/2, theo Yonhap, khoảng 10.000 người dân Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình.
Những lý do chính của nhóm người này chủ yếu là: Phản đối sự chậm trễ của Chính phủ trong phòng chống dịch; Phản đối lệnh cấm tụ tập nơi đông người; và Nghe theo lời kêu gọi của người đứng đầu một số giáo phái. Người ta có thể biểu tình lâu dài bởi một tai nạn chứ ít ai kiên trì xuống đường trong mùa dịch.
Nhưng 10.000 người xuống đường ngay đợt biểu tình đầu tiên thì không loại trừ có yếu tố chính trị. Hầu hết những người biểu tình mang theo cờ Mỹ lẫn cờ Hàn, và được dẫn dắt bởi một số tổ chức tôn giáo, cho thấy họ thuộc quan điểm bảo thủ thân Mỹ, ngược với Tổng thống đương nhiệm thuộc phe trung tả.
Đây đơn thuần là phản ứng thái quá của mô hình dân chủ hay còn có động cơ chính trị do phái bảo thủ đối lập đứng sau giật dây? Các chính khách đối lập liệu có đem mạng sống của người dân ra thành bàn đỡ cho động cơ chính trị?
Nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh về những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối Tổng thống Park Geun-hye những năm 2016-2017. Từ một thảm họa đường thủy, Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị - xã hội nghiêm trọng khi công luận và ngành tư pháp mở rộng điều tra, phát giác những bê bối tham nhũng và để người ngoài can thiệp công việc chính phủ của Tổng thống Park.
Hậu quả, nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất và đang thụ án trong nhà giam. Nếu không cẩn thận và giải quyết tốt, Covid-19 sẽ trở thành một biến cố chính trị lớn đối với Tổng thống Moon Jae-in, một trong người từng dẫn dắt phong trào dân chủ lật đổ Tổng thống bảo thủ Park Geun-hye sau chìm phà Sewol kéo theo phát giác các bê bối tham nhũng.
Nhiều người đã xuống đường để phản đối chính phủ Tổng thống Moon Jae-in trong thời gian qua. (Nguồn: Nikkei) |
Nội bộ căng thẳng
Nếu Covid-19 thực sự là thảm họa, để sự nghiệp chính trị của ông Moon không đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm nằm ở hai yếu tố then chốt. Một là, ông thật sự không tham nhũng hoặc có bê bối chính trị bí mật để bị khơi ra từ một sự vụ đối nội (khả năng này này khó xảy ra với những gì công chúng biết về ông Moon). Hai là, tỷ lệ kiểm soát trong Quốc hội của các đảng thân Tổng thống được duy trì và hạn chế tối đa khả năng các nghị sĩ thiên tả bỏ phiếu theo phe hữu nếu tình huống luận tội xảy ra.
Không chỉ là số phận chính trị của Tổng thống, nhìn rộng ra, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc chịu tác động rất mạnh từ các nhân tố nội bộ với cuộc tranh giành quyền lực giữa hai trường phái chính trị lớn là cánh hữu bảo thủ và tự do cấp tiến của cánh tả (ra đời từ quá trình chống độc tài, dân chủ hóa những năm 1970-90).
Phái hữu thường chủ trương tăng cường liên minh với Mỹ, để có cách tiếp cận cứng rắn đối với “người hàng xóm miền Bắc”, trong khi phái tả thường nỗ lực nâng cao tiếng nói trong quan hệ với Mỹ, nâng tầm vị thế Hàn Quốc và tiếp cận mềm mỏng với Bình Nhưỡng.
Ông Moon Jae-in đang theo đuổi chính sách đối ngoại tự do, xây dựng quan hệ liên Triều tích cực, giải phóng Hàn Quốc ra khỏi những khuôn khổ quan hệ quốc tế vốn chỉ xoay quanh vấn đề trên Bán đảo bằng các chính sách Hướng Bắc mới (Nga, Trung Á) và Hướng Nam mới (Ấn Độ, ASEAN) để gia tăng vị thế tầm trung của Hàn Quốc.
Phun thuốc khử trùng tại một khu chợ ở Daegu, Hàn Quốc. (Nguồn: AP) |
Khó khăn bao trùm
Ngay cả khi không xảy ra sự cố Covid-19, bản thân Tổng thống Moon Jae-in đang phải chạy đua với thời gian để hoàn tất chương trình Nghị sự 5 năm, đặc biệt là những chính sách đối ngoại đối lập với hai người tiền nhiệm. Do đó, ngay cả khi ông Moon Jae-in bảo toàn được ghế Tổng thống thì trở ngại tiếp theo là Hiến pháp Hàn Quốc không cho phép một Tổng thống phục vụ nhiều hơn một nhiệm kỳ 5 năm.
Ông Moon Jae-in sẽ rời Nhà Xanh đầu năm 2023 và nhiều khả năng di sản của ông, đặc biệt là chính sách độc lập trong quan hệ với Mỹ, mềm mỏng với CHDCND Triều Tiên, cách ly ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc sẽ trở về con số 0 nếu một lãnh đạo bảo thủ lên nắm quyền.
Giờ đây, sự chậm trễ trong phản ứng với Covid-19 càng làm cho mục tiêu ấy của ông Moon trở nên khó khăn do sự sa sút uy tín của phe tả bắt đầu từ Covid-19 và không loại trừ khả năng phe bảo thủ đối lập tranh thủ thời cơ này.
Trên thực tế, những cuộc xuống đường bất chấp dịch bệnh đã phần nào phản ánh một viễn cảnh không mấy tươi sáng với chính trường Hàn Quốc. Ông Moon phải giải quyết tốt các nhu cầu bên trong của Hàn Quốc về phát triển kinh tế, việc làm, bất công xã hội... tạo ra sự đồng thuận cao, lôi kéo những người bảo thủ và tranh thủ tầng lớp trẻ tuổi. Đó là nền tảng để một đồng minh hoặc chí ít một người có cùng quan điểm với Tổng thống Moon có cơ hội thắng cử và tiếp nối chính sách hiện nay.
Tất nhiên còn quá sớm để nói về ảnh hưởng của sự cố này, so sánh Sewol và Covid-19 vẫn còn khập khiễng về thời điểm, tính chất, tỷ lệ tử vong. Nhưng sự chủ quan trong phòng dịch không được phép tái diễn thành chủ quan kỹ thuật chính trị. Nhiều khả năng, nếu mọi thứ diễn biến theo hướng tệ hơn, ông Moon Jae-in sẽ đề nghị Quốc hội phế truất Thủ tướng (người phụ trách các vấn đề đối nội cho Tổng thống) và cải cách Nội các để giữ uy tín chính trị.