Mỹ đã từng cam kết thực hiện các chiến dịch tự do đi lại trên Biển Đông một cách thường xuyên. (Nguồn: ST) |
Tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 26/4 dẫn một nguồn tin chính phủ khẳng định, thay vì tiến hành tuần tra trên biển nhằm thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông như kế hoạch, Mỹ lựa chọn tập trung cho hoạt động tuần tra trên không quanh bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đang bị nghi chuẩn bị lập tiền đồn ở đây.
Theo The Diplomat ngày 27/4, tuy không có đầy đủ thông tin về bối cảnh xung quanh việc hủy kế hoạch tuần tra, song nhiều khả năng Mỹ muốn kiểm soát tốt những diễn biến tiêu cực về ngoại giao với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thay vì thực hiện thêm một cuộc tuần tra và và khiến Bắc Kinh đưa ra những phản ứng tiêu cực, Chính quyền của ông Obama lựa chọn việc phát đi tín hiệu ủng hộ Manila. Điều này cũng được thể hiện qua chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter vừa qua.
Trong những ngày gần đây, Washington đã thực hiện 3 cuộc tuần tiễu trên không gần Scarborough. Việc hủy kế hoạch tuần tra Biển Đông phần nào làm suy yếu những cam kết trước đây của các quan chức Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Carter, rằng các chuyến thực thi tự do đi lại trên Biển Đông sẽ trở thành hoạt động thường kỳ.
Từ trước đến nay, Mỹ vẫn nói rằng tuần tra là một việc hết sức bình thường, và họ muốn thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền tự do đi lại, chứ không có ý nghĩa biểu tượng của một hành động gây hấn trực tiếp nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc hủy bỏ tuần tra trên biển lần này, Mỹ đã tự gán cho việc tuần tra Biển Đông một ý nghĩa biểu tượng nào đó.
Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng mở rộng và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa. Quân đội Mỹ khoảng một tháng trước đã ghi nhận sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc, thực hiện hoạt động khảo sát quanh bãi cạn Scarborough, cách xa quần đảo Trường Sa.
Bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển Philippines khoảng 120 hải lý, và cách thủ đô Manila chỉ 200 hải lý. Trong khi vị trí này cách điểm gần nhất tại đại lục Trung Quốc tới 470 hải lý. Trên thực tế, bãi Scarborough đã rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc từ năm 2012, sau khi các tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu nhau quanh nơi này.