Ngày 9/1, khi phái đoàn thương mại Mỹ ngồi bên trong trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc, họ chắc hẳn sẽ thắc mắc âm thanh ồn ào đang diễn ra ngoài đường phố là gì.
Tại góc chéo trên Đại lộ Trường An rộng lớn, trong khách sạn Bắc Kinh lâu đời, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang có bữa ăn trưa kết hợp làm việc, dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng an ninh.
Đó là một địa điểm đặc biệt. Thông thường, các bữa ăn chính thức dành cho các nguyên thủ quốc gia sẽ được phục vụ tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc hoặc Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài. Tuy nhiên, tại cuộc gặp lần thứ 4 trong vòng một năm giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Triều, ông Tập và ông Kim đã chọn ăn trưa tại một khách sạn. Điều này cho thấy quan hệ ngày càng sâu đậm giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước láng giềng.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức trọng thể lễ đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 8/1. (Nguồn: Reuters) |
Bước sang ngày thứ 3 của cuộc đàm phán với Trung Quốc, các nhà đàm phán Mỹ phải gánh không ít áp lực. Họ ở đây theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump nhằm tìm cách đảm bảo sự nhượng bộ của Trung Quốc về thương mại. Ở cách họ chỉ vài bước chân là nơi diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Triều và sự kiện này cũng có tầm quan trọng không kém với Tổng thống Trump.
Lần cuối cùng ông Tập Cận Bình đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Trung Quốc là vào tháng Năm năm ngoái. Khi đó, Tổng thống Trump đã “nhạy cảm” với cuộc gặp này tới mức ông bất ngờ hủy hội nghị thượng đỉnh lịch sử đã được lên kế hoạch từ trước với ông Kim Jong-un vào tháng Sáu - ngay sau đó.
“Chủ tịch Tập Cận Bình là người chơi bài đẳng cấp thế giới”, ông Trump nói và tỏ ra không hài lòng với lập trường cứng rắn rõ ràng của Triều Tiên sau khi ông Tập và ông Kim gặp nhau tại thành phố Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc.
Mặc dù cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore rốt cuộc vẫn diễn ra, song sự nghi ngờ của Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh vẫn chưa chấm dứt và mối quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu trượt dốc từ đó.
Xét trên khía cạnh này, việc ông Tập Cận Bình gần đây đón tiếp ông Kim Jong-un lần thứ 4 chỉ trong một năm là một động thái “liều lĩnh” của nhà lãnh đạo Trung Quốc, theo Nikkei.
Phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ do Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu rời khỏi một khách sạn sau ngày đàm phán thứ hai tại Bắc Kinh, ngày 8/1. (Nguồn: AFP) |
Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp ông Kim Jong-un trong 2 ngày 8-9/1. Chuyến thăm bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra đồng thời với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh. Cả hai sự kiện đều thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng về các vấn đề thương mại.
Thông báo từ phía Trung Quốc cho biết, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hai sự kiện quốc tế cấp cao diễn ra tại thủ đô của nước này cùng một lúc.
“Kế hoạch cho chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un đã được đưa ra từ sớm. Trong khi đó, thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán thương mại là do Mỹ đề xuất và chỉ vô tình trùng lặp”, một nguồn tin Trung Quốc giải thích.
“Mối quan hệ Trung - Triều hoạt động trên nền tảng liên đảng giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và đảng Lao động Triều Tiên, hoàn toàn khác so với mối quan hệ Mỹ - Trung, vốn được xem là mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc”, một nguồn tin khác nhận định.
Dù cho ý định thực sự của các bên là gì, điều quan trọng là chính quyền Mỹ và bản thân Tổng thống Trump nhìn nhận hai sự kiện trùng hợp này như thế nào. Chủ tịch Tập Cận Bình phải đương đầu với một tình thế khó khăn khi phải cân bằng các lợi ích mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ để tránh không lặp lại tình thế khó xử về ngoại giao như năm 2018.
Sự cân bằng khó khăn
Tương tự những gì vừa diễn ra, cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình tại Đại Liên vào tháng Năm năm ngoái diễn ra khi Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán này diễn ra tại Washington từ ngày 17-18/5, 10 ngày sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Trung - Triều tại Đại Liên.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một trợ lý thân cận của Chủ tịch Tập, đã đi cùng phái đoàn Trung Quốc tới Mỹ để đàm phán. Khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, thỏa thuận này sau đó “chết yểu”. Ông Trump đã ngay lập tức xé bỏ thỏa thuận và lựa chọn phương án áp thuế như một công cụ để đạt được đối trọng với Trung Quốc.
Chỉ 2 năm trước đó, Triều Tiên còn đóng vai trò như “chất keo dính” kết nối Mỹ và Trung Quốc khi cả hai nước hợp tác cùng nhau để răn đe các vụ thử hạt nhân liên tiếp của BÌnh Nhưỡng. Từ đó đến nay, tình hình đã thay đổi đáng kể.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Singapore năm 2018. (Nguồn: Reuters) |
Mối quan hệ Mỹ - Triều và Trung - Triều luôn đan cài vào nhau, dù Bắc Kinh cố gắng tìm cách chối bỏ sự liên kết này như thế nào đi chăng nữa.
Trong cuộc gặp lần thứ 4 giữa ông Kim và ông Tập vào tháng này, vẫn có yếu tố “bí mật” trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo và chỉ có truyền thông Triều Tiên đưa tin. Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ vẫn là “người bạn”, “người đồng chí” đáng tin cậy của Triều Tiên cả trong tương lai cũng như trong quá khứ. Những phát biểu này của ông Tập không được công bố trên truyền thông Trung Quốc.
Nếu những thông tin do Triều Tiên đăng tải là chính xác, lập trường của Trung Quốc đương nhiên sẽ “khiêu khích” Mỹ như cách Bắc Kinh từng làm năm ngoái.
Theo Nikkei, mục tiêu của Bắc Kinh là kiểm soát mối quan hệ tiềm ẩn nhiều nguy cơ giữa Trung Quốc và Mỹ để mối quan hệ này không đi chệch hướng. “Quân bài” mà Bắc Kinh sử dụng là nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tỷ phú công nghệ Elon Musk - giám đốc điều hành (CEO) hãng Tesla.
Tỷ phú Elon Musk bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 9/1. (Nguồn: Kyodo) |
Trong tháng này tỷ phú Elon Musk đã tới thăm Thượng Hải khi phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ tới Trung Quốc. Sau khi động thổ xây dựng nhà máy mới của Tesla tại Thượng Hải, Elon Musk đã tới Bắc Kinh để gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Bên cạnh ông Lý khi đó là nhiều bộ trưởng phụ trách kinh tế và thương mại của Trung Quốc và đây được đánh giá là cuộc gặp quan trọng.
Một cảnh tượng tương tự cũng từng diễn ra năm ngoái. Trung Quốc đã mời tỷ phú Elon Musk tới nước này khi cuộc chiến thương mại leo thang. Phải chăng Trung Quốc đã học được bài học từ sự đổ vỡ không may trong mối quan hệ với Mỹ hồi năm ngoái để sử dụng lại “quân bài” Elon Musk cho bối cảnh năm nay?
Trung Quốc và Mỹ càng ít gắn kết, Triều Tiên càng dễ dàng phát hiệu ra kẽ hở trong mối quan hệ này. Ông Tập Cận Bình sẽ phải kiểm soát mối quan hệ Mỹ - Trung theo cách nào đó để tránh bị kiểm soát bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, dẫn lời ông Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên sẽ nỗ lực để cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với Mỹ “đạt được những kết quả làm hài lòng cộng đồng quốc tế”. Tuy nhiên, Tân Hoa xã không đề cập tới thông tin rằng ông Tập Cận Bình đã chấp nhận lời mời sang thăm Bình Nhưỡng. Việc bỏ qua chi tiết này có lẽ để tránh chọc giận Tổng thống Trump, nhưng liệu ông chủ Nhà Trắng nhìn nhận vấn đề này như thế nào vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Rất khó để dự đoán tình hình tiếp theo diễn biến ra sao. Liệu ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục mượn máy bay của Trung Quốc để gặp Tổng thống Trump sắp tới như cách ông từng làm trong cuộc gặp tại Singapore năm ngoái hay không? Nếu có, cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ diễn ra như thế nào? Tuy vậy, một điều chắc chắn đó là những lợi ích xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên sẽ tiếp tục có tác động lớn tới tình hình thế giới trong năm nay.