Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nhấn mạnh chủ đề Trẻ em trong xung đột vũ trang là “rất có ý nghĩa với công việc của Hội đồng vì hướng đến nhóm những người dễ bị tổn thương nhất, phải gánh chịu nhiều đau khổ nhất trong xung đột và chiến tranh, qua đó càng làm nổi rõ tính chất nhân đạo của nhiệm vụ bảo vệ hòa bình”.
Gần 300.000 trẻ em bị đe dọa hoặc bị sử dụng trong các cuộc xung đột
Trẻ em trong xung đột vũ trang là vấn đề đã và đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra thảo luận tại LHQ từ giữa những năm 1990. HĐBA đã ra 6 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 1612 (2005) quy định thành lập Nhóm làm việc về vấn đề này.
Thực tế cho thấy những vi phạm về quyền trẻ em trong xung đột hiện nay là rất nghiêm trọng. Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng một số tổ chức bảo vệ quyền trẻ em ước tính hiện có khoảng 250.000-300.000 trẻ em (dưới 18 tuổi) bị đe dọa hoặc bị sử dụng trong các cuộc xung đột trên thế giới và trở thành những nạn nhân của hành động tàn sát. “Việt Nam chia sẻ lo ngại sâu sắc về những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền trẻ em trong các cuộc xung đột hiện nay, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị tuyển mộ, sử dụng làm binh lính, trở thành nạn nhân của các hành động tàn sát, cưỡng đoạt, bần cùng hoá và kỳ thị vì nhiều mục đích khác nhau. Đây là những thách thức đối với lương tri loài người”, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi. Trên 90% trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi được phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Cuối năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn Việt Nam là một trong những nước để làm lễ công bố báo cáo giảm tỷ lệ thương tích trẻ em. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia bảo vệ trẻ em chưa thành niên 16-18 tuổi, đề ra mục tiêu 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và hỗ trợ vào năm 2010. Hiện có khoảng 55% trẻ em mồ côi và 25% trẻ em khuyết tật được chăm sóc… Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, trong đó có Hiến pháp, Luật nghĩa vụ quân sự và các luật dân sự, nhằm đảm bảo trẻ em dưới 18 tuổi không bị huy động vào quân đội hay phải tham chiến.
Quan điểm của Việt Nam
Sự hiện diện của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại phiên thảo luận mở không chỉ thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với công việc của HĐBA mà còn mang đến thông điệp: Việt Nam mong muốn góp phần thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết của LHQ và HĐBA, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, xây dựng một “Thế giới vì trẻ em”. Là một thành viên của HĐBA, Việt Nam cho rằng vấn đề Trẻ em trong xung đột vũ trang cần được thảo luận và giải quyết trên tinh thần nhằm phục vụ lợi ích của trẻ em, các bên không nên chính trị hóa vấn đề.
Việt Nam nhấn mạnh việc chấm dứt các cuộc xung đột, bảo vệ hòa bình là điều kiện tiên quyết để đảm bảo các quyền của trẻ em. Bởi nếu không có xung đột thì không có sự vi phạm các quyền trẻ em trong xung đột. Nhiều thế hệ của trẻ em Việt Nam đã phải là nạn nhân của chiến tranh và nhiều trẻ em Việt Nam hiện đang phải chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ chiến lược tổng thể đã được HĐBA nêu ra trong Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA về vấn đề này vào tháng 2/2008, bao gồm cả việc ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền con người.
Phó Thủ tướng cho rằng các quốc gia cần hết sức tranh thủ sự hợp tác quốc tế, nhất là trong hỗ trợ phát triển, hỗ trợ các chương trình tái hòa nhập cho trẻ em đã từng bị lôi kéo trở thành binh lính. Đồng thời, để có được đánh giá đúng tình hình và từ đó đề ra giải pháp phù hợp, các báo cáo về tình hình các nước liên quan nên thận trọng, tránh coi những bất ổn cục bộ là xung đột, ghi nhận thích đáng những nỗ lực của các Chính phủ.
Việt Nam là nước đầu tiên tại châu Á và là nước thứ hai trên thế giới ký Công ước Quyền trẻ em và phê chuẩn Nghị định thư bổ sung công ước này, trong đó có Nghị định thư không bắt buộc về sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang. Việt Nam cũng tích cực thực hiện các Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của LHQ các năm 2003 và 2006. Việc đưa vấn đề này ra thảo luận mở tại HĐBA LHQ càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng. Ngày 22/7, Việt Nam dự kiến chủ trì một cuộc thảo luận mở khác về tình hình Trung Đông nhằm xác định những bước đi tiếp theo. Bên cạnh các phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm sẽ có các cuộc gặp song phương với đại diện một số nước, Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng và lãnh đạo một số cơ quan của LHQ như Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC)... để thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương.
Nhất Phong