📞
Hội đồng Bắc Cực 2019:

Vàng đen nơi tuyết trắng. Mỹ không ký Tuyên bố chung Hội đồng Bắc cực

Minh Quân 11:48 | 09/05/2019
Mỹ từ chối ký vào tuyên bố chung của Hội đồng Bắc Cực tại cuộc họp cấp Bộ trưởng lần thứ 11 ngày 7/5 tại Rovaniemi (Phần Lan). Nguyên nhân nào lý giải lập trường này?

Cuộc họp Bộ trưởng lần thứ 11 của Hội đồng Bắc Cực ngày 7/5 tại Rovaniemi (Phần Lan), với sự góp mặt của 8 quốc gia xung quanh Bắc Cực (Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ) được kỳ vọng hướng tới xây dựng khung, triển khai kế hoạch 2 năm nhằm cân bằng những thách thức của biến đổi khí hậu tại vùng cực Bắc của Trái đất.

Tuy nhiên, tất cả như đã bị dội gáo nước lạnh khi Mỹ từ chối ký vào tuyên bố chung cuối cuộc họp, buộc Hội đồng Bắc Cực chỉ có thể ra một tuyên bố chung ngắn gọn và không đề cập tới nội dung trọng tâm là chống biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump “chia sẻ cam kết sâu rộng của các nước về bảo vệ môi trường tại Bắc Cực”, song cũng cho rằng mục tiêu tập thể không phải lúc nào cũng là câu trả lời cho những vấn đề mà Bắc Cực đang phải đối mặt. Nguyên nhân nào lý giải lập trường này của phía Mỹ?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau khi phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng lần thứ 11 của Hội đồng Bắc Cực ngày 7/5 tại Rovaniemi, Phần Lan. (Nguồn: AFP)

Đầu tiên, ký vào tuyên bố chung đồng nghĩa với việc Mỹ thừa nhận biến đổi khí hậu là có thật và đang diễn ra. Điều này đi ngược lại những tuyên bố trước đó của chính quyền Mỹ nói chung và Tổng thống Trump nói riêng: phủ nhận sự tồn tại của hiện tượng này, đặc biệt là tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris (COP21).

Thứ hai, nhiệt độ tại Bắc Cực đang tăng nhanh gấp 2 lần so với các nơi khác trên thế giới. Băng tan để lộ ra những khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào như cực Bắc Alaska, lưu vực Amerasian và lưu vực thềm lục địa phía Đông Greenland. Cả ba khu vực này thuộc lãnh thổ Mỹ hoặc nằm trong tầm với của Washington. Do đó, đây là “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp dầu khí của Mỹ, vốn có quan hệ rất gần gũi với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Thứ ba, theo ước tính, Mỹ sẽ sớm soán ngôi Saudi Arabia trở thành nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, song Mỹ cũng là quốc gia có lượng khí thải nhà kính gây ô nhiễm, cao thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Nếu Washington đặt bút vào bản tuyên bố chung, thừa nhận biến đổi khí hậu đang là nguy cơ hiện hữu, điều này buộc chính quyền Trump phải thừa nhận tác hại của nguyên liệu hóa thạch, qua đó tác động trái chiều đến chính sách dầu mỏ của Mỹ.

Năng lượng đang trở thành vũ khí sắc bén được Washington sử dụng để đối phó với Bắc Kinh. Năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới. Việc bản thân không có trữ lượng dầu mỏ/khí đốt phong phú buộc Trung Quốc tìm kiếm từ những đối tác khác, đặc biệt là Nga, Iran và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Moscow và Tehran hiện đang chịu sự cấm vận và phong tỏa của phương Tây, còn Riyadh lại là đồng minh của Washington. Mở rộng khai thác năng lượng tại lục địa Bắc Mỹ và Bắc Cực, phối hợp cùng Saudi Arabia khống chế giá dầu mỏ ở mức cao hợp lý sẽ là một cách để Mỹ giành thế thượng phong trên bàn đàm phán với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố chung của Hội đồng Bắc Cực về chống biến đổi khí hậu đi ngược lại với lợi ích quốc gia của Mỹ trong chiến tranh thương mại với Bắc Kinh nói riêng và chính sách phát triển năng lượng nói chung. Khi ấy, điều bất ngờ duy nhất đến từ quyết định của Mỹ có lẽ chỉ là cách Washington viện dẫn lý do “khác biệt về ngôn từ” về biến đổi khí hậu mà thôi.