📞

Vì sao châu Âu lo lắng về vaccine Covid-19 của AstraZeneca?

Duyên Thảo Nhi 14:30 | 19/03/2021
TGVN. Nhiều quốc gia châu Âu đã ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca do ghi nhận một vài trường hợp bị đông máu sau khi tiêm.

Trong vài ngày qua, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Ireland và Pháp đã trở thành những quốc gia mới nhất ngưng sử dụng vaccine phòng Covid-19 do Đại học Oxford phát triển cùng hãng dược Anh-Thụy Điển AstraZeneca. Trước đó, Na Uy và Đan Mạch cũng đã tuyên bố ngừng sử dụng.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca tiếp tục bị nghi ngờ tại châu Âu về sự hiệu quả. (Nguồn: NY Times)

Các quốc gia này muốn Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá các dữ liệu sau khi xuất hiện một số trường hợp người được tiêm chủng bị đông máu. Một số nước ban đầu cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng loại vaccine này. Việc thay đổi quyết định trong lộ trình tiêm vaccine của các nước đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt trong giới khoa học.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết ông không thấy có lý do gì để ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca và nước này cũng đã tiêm 11 triệu mũi vaccine cho người dân. Đồng quan điểm với ông Johnson, AstraZeneca cho biết không phát hiện ra mối liên hệ nào cho thấy nó có thể gây đông máu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ vẫn đang tiếp tục xem xét lại các vấn đề về an toàn, nhưng cho rằng lợi ích của việc tiêm vaccine đem lại lợi lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ rủi ro mà nó có thể mang lại. Các cơ quan quản lý châu Âu cũng đang tiến hành đánh giá khẩn cấp dựa trên những trường hợp bị đông máu.

Mỹ đã mua hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca nhưng loại vaccine này vẫn chưa được phê duyệt để sử dụng.

Nguyên nhân đình chỉ vaccine

Giám đốc Cơ quan Y tế Tây Ban Nha Maria Jesus Lamas cho biết chính phủ nước này đã phải thay đổi lộ trình tiêm chủng sau khi có báo cáo về tình trạng một số trường hợp bị đông máu, huyết khối tĩnh mạch não, xoang tĩnh mạch và giảm lượng tiểu cầu trong máu.

Ngày 15/3, Đức cũng ngưng sử dụng vaccine của AstraZaneca do phát hiện 7 trường hợp bị huyết khối xoang hang. Trước đó, Đức từng từ chối ngưng sử dụng vaccine của AstraZaneca dù Na Uy và Đan Mạch đã lên tiếng đình chỉ loại vaccine này. Cơ quan quản lý y tế của Tây Ban Nha đã phải thay đổi quan điểm sau khi phát hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng và hiếm gặp bị nghi liên quan đến vaccine AstraZeneca.

Về phía Pháp, hôm 16/3, cố vấn vaccine hàng đầu của chính phủ nước này Alain Fischer cho biết họ quyết định đình chỉ loại vaccine này do phát hiện "một số tác dụng phụ bất thường".

Trong khi đó Italy cho biết họ cần "cẩn thận" cho đến khi các cơ quan quản lý châu Âu hoàn thành đánh giá các dữ liệu về tác dụng phụ của vaccine có thể gây ra nên cũng đã đưa ra động thái ngưng sử dụng vaccine AstraZenaca như nhiều nước châu Âu khác.

Rủi ro tiềm ẩn

Trong khi thực hiện đánh giá nhanh, EMA cho biết hàng nghìn người sau khi tiêm phòng, đã bị tác dụng phụ và xuất hiện các cục máu đông vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, những con số đó không đáng lo ngại.

AstraZeneca khẳng định “không có bằng chứng” nào cho thấy các trường hợp bị đông máu liên quan đến việc vaccine. Chỉ có 37 báo cáo về việc đông máu trong số hơn 17 triệu người được tiêm chủng ở EU và Anh.

Tuy nhiên ở Đức, mối lo ngại là việc có 7 trường hợp bị đông máu não hiếm gặp, trên tổng số 1,6 triệu người được tiêm chủng. Theo số liệu của Đại học John Hopkins, cứ 1 triệu người thì có 5 người bị căn bệnh này.

EMA cho biết mặc dù tỷ lệ những người bị chứng huyết khối sau khi tiêm chủng là không cao hơn bình thường, nhưng đánh giá của họ sẽ tập trung vào các báo cáo về mức độ gia tăng của các cục máu đông hiếm hơn này.

Ngày 16/3, bà Emer Cooke, giám đốc điều hành của EMA, cho biết: “Đây là một mối quan tâm đặc biệt và nó cần được đánh giá khoa học một cách nghiêm túc. Bà cho biết hiện chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vaccine Oxford-AstraZeneca và các cục máu đông trong não, nhưng cơ quan này có các chuyên gia để đưa ra những đánh giá nhanh.

Tuy nhiên, điều quan trọng là bà nhấn mạnh rằng với hàng nghìn người trên khắp châu Âu tử vong mỗi ngày, cơ quan này vẫn tin tưởng vaccine mang lại nhiều lợi ích hơn là những rủi ro tiềm ẩn.

Một điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 di động tại Milan, Italy. (Nguồn: New York Times)

Liên quan đến chính trị?

Theo Washington Post, một số nhà phê bình tại Anh cho rằng phản ứng của các nước châu Âu không chỉ đơn thuần là vấn đề về an toàn vaccine. Vaccine AstraZeneca được phát triển bởi Anh.

Bởi vậy, có lẽ các nước châu Âu chắc hẳn đã bắt đầu cảm thấy khá nhức nhối khi chứng kiến Anh tiếp tục phát triển mạnh mẽ thời hậu Brexit. Ở Đức, chỉ khoảng 8% người dân đã tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi ở Anh, con số lên tới hơn 40%.

Nhưng việc trì hoãn tiêm vaccine AstraZeneca cũng khiến châu Âu bị tổn hại không kém. Ngay sau khi Đức ngừng kế hoạch tiêm chủng, một loạt các quốc gia khác châu Âu khác như Italy, Pháp và Tây Ban Nha cũng sớm đình chỉ AstraZeneca, khiến xu hướng tiêm chủng vốn đã có nhiều vấn đề của châu Âu bị ngưng lại, mặc cho việc chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy vaccine này gây bất kỳ tác hại nào.

Ngoài ra, vaccine AstraZeneca cũng là vaccine phòng Covid-19 chính trong kế hoạch tiêm chủng trên khắp châu Âu. Theo NZherald, EU đã từng cảnh báo sẽ tịch thu các nhà máy của AstraZeneca do tức giận vì sự chậm trễ trong nguồn cung vaccine.

Việc trì hoãn tiêm chủng vaccine của AstraZeneca trong bối cảnh EU đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện kế hoạch tiêm vaccine cho 450 triệu người dân giữa làn sóng Covid-19 thứ ba, khiến cho những nỗ lực bình thường hóa cuộc sống của châu Âu tiếp tục bị đẩy lùi.

Ngay cả khi lệnh đình chỉ sớm được dỡ bỏ, thì niềm tin của người dân châu Âu vào vaccine cũng sẽ bị lung lay, nhất là với vaccine của AstraZeneca. Thời gian đầu, vaccine này cũng đã vướng vào một số lùm xùm về dữ liệu thử nghiệm, liều lượng và tỷ lệ hiệu quả, khiến cho nhiều người không dám đi tiêm.

Tuy nhiên, vào ngày 19/3, Đức, Pháp và một số quốc gia châu Âu khác đã quyết định dỡ bỏ đình chỉ vaccine Covid-19 của AstraZeneca, sau khi EMA nhấn mạnh vaccine này thực sự có hiệu quả và cho những tác dụng phụ tương đối và hiếm gặp.

(theo Washington Post)