Thủ tướng Anh Gordon Brown (bên trái) đón chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Văn phòng Thủ tướng số 10 phố Downing, London, ngày 5/3/2008 |
Phải nói rằng, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh quốc, cho đến nay vừa tròn 35 năm, là mối quan hệ ít nở rộ song cũng ít thăng trầm hay kịch tính. Nó như một người đi bộ, thong thả, chắc chắn và dẻo dai bền vững, đến lúc cần có thể chạy chậm. Quan hệ hai nước đã phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, từ quan hệ giữa hai Nhà nước, Chính phủ cho tới các bộ/ngành; từ chính trị đến kinh tế-thương mại, xã hội, giáo dục đào tạo, an ninh, quân sự cho đến nhân đạo hay các nỗ lực ngoại giao. Nhanh nhất trong số này là quan hệ thương mại - đầu tư. Riêng thương mại tăng bình quân mỗi năm khoảng 25% và chủ yếu là tăng xuất khẩu của VN sang Anh với năm 2006 đạt 1,7 tỷ USD. Về đầu tư, Anh hiện đứng thứ 14 trong các nhà đầu tư nước ngoài vào VN với trị giá khoảng 1,5 tỷ USD.
Tuy không nằm trong nhóm 10 nhà đầu tư lớn nhất, nhưng Anh là câu chuyện đầu tư thành công nhất ở VN. Gần như bất cứ ngành gì mà Anh đầu tư thì đều đứng đầu danh sách ở VN. Ví dụ, Tập đoàn dầu khí BP đứng đầu trong đầu tư vào lĩnh vực dầu khí ở VN; Prudential đứng đầu trong ngành bảo hiểm; HSBC đứng đầu trong ngành ngân hàng... Thành tựu VN là tấm gương đạt Mục tiêu Thiên nhiên kỷ của LHQ không tách rời với đóng góp của Anh trong việc viện trợ không hoàn lại cho VN vì mục tiêu này. Số tiền viện trợ ODA của Anh tăng từ 35 triệu USD năm 2002 lên 100 triệu năm 2007. Ví dụ khác nữa là hợp tác trong giáo dục đào tạo. Anh hiện nay là một trong các địa chỉ tốt nhất để học sinh, sinh viên Việt Nam nhắm tới. Hiện đã có khoảng 6.000 sinh viên VN đang theo học tại các trường của Anh.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, thành tựu cũng như quy mô của mối quan hệ hợp tác Việt - Anh còn rất nhỏ bé so với tiềm năng sẵn có và nhu cầu cần có của cả hai bên. Vương quốc Anh đã từ lâu là một cường quốc hùng mạnh trên thế giới với sự phát triển ở trình độ cao trên mọi phương diện, từ chính trị-thể chế cho đến quân sự, kinh tế, thương mại, tài chính, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, viện trợ cho đến ảnh hưởng của ngoại giao trên các diễn đàn khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Đơn cử, Anh là một trong 3 nước đầu tiên có vũ khí hạt nhân, là một trong 5 nước có quyền phủ quyết ở LHQ, nền kinh tế Anh đứng thứ tư trên thế giới với đồng bảng Anh có giá trị cao nhất. Nền kinh tế Anh có GDP đạt gần 2.000 tỷ USD mỗi năm (gấp khoảng 40 lần VN), kim ngạch thương mại đạt trên 1.000 tỷ USD/năm, thu nhập bình quân hơn 30.000 USD. Anh là nước đứng thứ 4 về đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư tính đến năm 2006 đạt trên 1.300 tỷ USD.
Đặc biệt, ở giữa thủ đô nước Anh có Thành phố Tài chính London, nơi đóng trụ sở của hơn 100 tập đoàn xuyên quốc gia, 450 ngân hàng lớn và với khối lượng giao dịch tiền-vàng hàng ngày chiếm tới 56% tổng ngoại hối toàn cầu. Anh còn là quê hương của những phát minh khoa học đột phá, những danh nhân văn hóa thế giới, những trường đại học nổi tiếng và những ban nhạc, những đội bóng được hàng trăm triệu người trên thế giới yêu thích ... Với các thế mạnh đó, Anh đang rất cần những đối tác mới, năng động hiệu quả để phát huy thế mạnh của mình. Còn Việt Nam, một đất nước có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp, có nền văn hóa lâu đời và bề dày lịch sử, đã thành công trong việc chuyển đổi nền kinh tế gần đây và được nhiều nước ca ngợi. Tại các cuộc gặp mặt trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng VN, người tham dự không ít lần được nghe các bạn Anh ca ngợi VN một cách hồ hởi và chân thành. Ví dụ, Tổng Giám đốc Prudential nói rằng ông rất ngạc nhiên về thành tựu của VN; Chủ tịch Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Anh thì nói ông khuyên các đồng nghiệp nên tới VN. Bộ trưởng Tư pháp Jack Straw còn nói đùa với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: “Chiều nay khi đàm phán với Thủ tướng Anh, tôi mong Ngài tiết lộ cho Thủ tướng Anh biết bí quyết làm thế nào để kinh tế phát triển nhanh”. Còn chính Thủ tướng Anh Gordon Brown thì nói rằng ông “khâm phục các thành tựu mà VN đạt được, nhất là trong xóa đói giảm nghèo với tốc độ kỷ lục trong lịch sử, trong vòng 15 năm đã giảm từ hơn 60% xuống còn 15%”. Đồng thời nhiều chính khách và đại biểu cũng ca ngợi khả năng thích ứng và xử lý các tình huống một cách năng động và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.
Còn Việt Nam, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện đang nổi lên 5 thế mạnh mà bất cứ chính trị gia hoặc doanh nhân Anh nào cũng có thể nhận ra. Một là, nền kinh tế VN đã chuyển đổi sang cơ chế thị trường và hội hập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch ngoại thương bằng 150% GDP. Hai là, VN có tốc độ tăng trưởng cao liên tục (7-8%) trong suốt 22 năm đổi mới vừa qua. Ba là, tình hình chính trị-xã hội ổn định và tiếp tục ổn định. Bốn là, VN có số dân khá đông (đứng thứ 14 trên thế giới) và cơ cấu dân số khá trẻ và được phổ cập giáo dục. Năm là, VN là một thành viên tích cực trong ASEAN và có thể đóng vai trò cầu nối cho Anh với ASEAN. Chính phủ VN đang tiến hành những cải cách mạnh mẽ để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết trong WTO. VN chủ trương diệt trừ tham nhũng và coi đầu tư nước ngoài là bộ phận không thể thiếu và không tách rời của nền kinh tế.
Phải nói rằng, hai quốc gia Việt Nam và Anh quốc cũng như hai nền kinh tế của hai nước đã hội tụ đủ các điều kiện để bổ sung cho nhau. Nhận thức rõ thời cơ này, trong chuyến thăm vừa qua, đại diện lãnh đạo hai nước đã tiến một bước dài trong việc cải thiện quan hệ. Trong Tuyên bố chung mà không phải chuyến thăm cấp cao nào cũng có được, hai bên “cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên bước phát triển mới sâu rộng và hiệu quả hơn theo hướng “Quan hệ Đối tác vì sự Phát triển”. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký một loạt các văn bản hợp tác. Về thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp hai nước đã ký một loạt các hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn International Power của Anh và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn về việc xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn ở Bình Định trị giá 1,5 tỷ USD. Phát biểu về các thỏa thuận này, Huân tước David Lewis, Thị trưởng thành phố tài chính London nói: “Số lượng các thỏa thuận kinh tế chúng ta mới ký hôm nay cho thấy Khu tài chính đã cam kết đóng một vai trò đầy đủ để đảm bảo rằng Việt Nam sẽ hiện thực hóa được các tiềm năng của mình”.
Tuyên bố chung gần 5.000 chữ của hai bên ký ngay sau chuyến thăm đề cập đến 4 lĩnh vực hợp tác là: Hợp tác chính trị, ngoại giao và hợp tác phát triển; Hợp tác thương mại, đầu tư; Hợp tác giáo dục đào tạo; Hợp tác di cư, chống tội phạm. Trong đó, đáng chú ý là hợp tác thương mại đầu tư và hợp tác giáo dục đào tạo. Theo đó, về thương mại và đầu tư, hai Chính phủ cam kết tìm nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp hai bên thâm nhập thị trường của nhau; VN đồng ý cấp phép cho hai ngân hàng HSBC và Standard Chartered Bank thành lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài. Giáo dục đào tạo là lĩnh vực mở ra bước đột phá hợp tác. Theo đó, VN cho phép thành lập Trường Đại học Appolo tại VN; trong 3 năm tới sẽ có từ 40-60 trường đại học của hai bên hợp tác với nhau; các trường lớn của Anh hỗ trợ VN đào tạo tiến sỹ; hàng chục nghìn giáo viên VN sẽ được hỗ trợ nâng cao khả năng Anh ngữ và hàng triệu học sinh nghèo được cấp sách vở...
Dĩ nhiên, để đưa các thỏa thuận này vào cuộc sống, hai bên còn phải trải qua không ít khó khăn. Tuy vậy, chân trời mới đang xuất hiện rất rõ. Việt Nam và Anh quốc, hai nước ở xa nhau cả 10.000 km. Một nước sương mù và một nước nắng chói. Một nước đã công nghiệp hóa hơn 300 năm, chín muồi và đầy kinh nghiệm. Một nước đang công nghiệp hóa, dân số trẻ với bao tiềm năng sinh sôi và tăng trưởng. Họ cần phải đến với nhau và đã đến lúc phải đến với nhau. Câu ngạn ngữ VN “mạ già ruộng ngấu” để mang lại những vụ mùa bội thu đang ứng nghiệm vào trường hợp này.
Sơn Thủy (Từ London)
Vương quốc Anh Về Thương mại: Xuất khẩu 469 tỷ USD (2006); Nhập khẩu 603 tỷ USD (2006) Thị trường chủ yếu là EU, chiếm 53% tổng xuất khẩu và 52% tổng nhập khẩu của Anh, sau đó đến Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Anh tính theo đầu người cao hơn Mỹ hoặc Nhật. Hàng xuất chủ yếu gồm sản phẩm dịch vụ, công nghiệp chế tạo, chất đốt, hoá chất, lương thực, đồ uống, thuốc lá trong khi hàng nhập khẩu chủ yếu gồm nguyên nhiên liệu, sản phẩm công nghiệp chế tạo, lương thực. Về đầu tư: Anh đứng thứ 4 thế giới về đầu tư ra nước ngoài chiếm khoảng 6,1% tổng đầu tư của thế giới và thứ 7 thế giới về nhận đầu tư nước ngoài, chiếm 3,8% tổng đầu tư thế giới (2004). |