📞

Việt Nam nên nhìn vượt ra các thể chế khu vực

19:34 | 28/08/2016
Các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây thường mô tả Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược nhất trong các thể chế khu vực châu Á, theo ông Murray Hiebert. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động trong các thể chế khu vực, việc thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ song phương cũng rất đáng chú trọng.

Đánh giá của ông về cục diện khu vực châu Á và thế giới hiện nay cũng như các khuynh hướng và thể chế khu vực tại đây? Những yếu tố này có tác động như thế nào tới Việt Nam?

Châu Á hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, từ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông cùng sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang gây ảnh hưởng lên toàn bộ khu vực; bên cạnh đó là vấn đề biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố từ Trung Đông đã và đang thách thức khu vực này. Hầu hết các thể chế khu vực xuất phát từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) đang gặp phải thách thức nghiêm trọng trong việc giải quyết những vấn đề này. ASEAN chưa thể đạt được sự đồng thuận trong phương cách đối phó với các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ít nhất, đến giờ, EAS là cơ chế có thể cho phép các quốc gia khu vực thảo luận nhiều hơn về những thách thức kể trên, tuy nhiên, nó lại không có công cụ giải quyết những vấn đề này.

Ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao và phó Giám đốc CSIS.

Việc Việt Nam tham gia những thể chế hiện hành này rất quan trọng. Tuy nhiên, Hà Nội không thể hy vọng điều đó có thể giúp khắc phục các thách thức khu vực. Việt Nam nên nhìn xa hơn các thể chế khu vực, tiến đến thắt chặt mối quan hệ song phương để tìm kiếm những hỗ trợ về ngoại giao từ các thế lực khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ .

Từ có thể miêu tả sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong vài thập kỷ qua là “đáng kinh ngạc”. Trong vài năm qua, Hà Nội đang ngày càng tích cực hơn trong các cấu trúc khu vực. Các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây thường mô tả Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược nhất trong các thể chế khu vực châu Á.

Ấn tượng của ông về chính sách đối ngoại của Việt Nam trên phương diện song phương và đa phương? Những chính sách này mang lại thắng lợi gì cho Việt Nam?

Hiện có khá ít quốc gia phát triển tầm trung có được hoạt động ngoại giao năng động như Việt Nam. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã củng cố hợp tác an ninh với Nhật Bản, thắt chặt quan hệ kinh tế với Hàn Quốc và EU. Một trong những thành tựu lớn  của Việt Nam là bình thường hóa toàn diện hơn với Mỹ trong nhiều lĩnh vực như thương mại – với Hiệp định TPP, hợp tác quân sự, đối thoại chính trị, tăng cường trao đổi giáo dục và bảo vệ môi trường.

Murray Hiebert là cố vấn cao cấp và phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ). Trước khi làm việc cho CSIS, ông là giám đốc cao cấp về khu vực Đông Nam Á tại Phòng thương mại Mỹ .

Trong việc giải quyết các tranh chấp khu vực, đơn cử như tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, Việt Nam rất tích cực tham gia vào công tác giải quyết các tranh chấp khu vực và bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc bắt đầu có những hành động quyết liệt hơn tại đây vào năm 2009. Hà Nội đã bắt đầu đóng vai trò chiến lược trong ASEAN và EAS, trong khi nhiều quốc gia có tiếng nói trong ASEAN như Thái Lan hay Indonesia đang bị phân tâm bởi các vấn đề trong nước.

Việt Nam cũng chủ động hơn trong việc đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia Đông Bắc Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hà Nội đã mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh với Nhật Bản, đặc biệt là xem xét tăng cường hợp tác về các vấn đề hàng hải (MDA). Trong hợp tác với Hàn Quốc, Việt Nam có những thành quả đặc biệt tích cực trong việc mở rộng quan hệ đầu tư, nhất là việc Hà Nội thu hút được nhà đầu tư lớn như Samsung. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mở rộng quan hệ ngoại giao với EU, nổi bật là ký Hiệp định EVFTA với Liên minh 28 quốc gia châu Âu này.

Có rất ít quốc gia trên thế giới gần đây có được sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ song phương với Việt Nam như Mỹ. Hai quốc gia đã mở rộng đáng kể các mối quan hệ kinh tế, nổi bật là việc Việt Nam tham gia TPP, trao đổi chính trị, hợp tác quân sự và đang đạt được những thành tựu đáng kể trong hợp tác giáo dục, đối phó vấn đề biến đổi khí hậu.

Trung Quốc, một đồng minh - láng giềng thân cận nhưng lại gây áp lực đáng kể đối với Việt Nam ở Biển Đông trong sáu năm qua. Tuy nhiên, Hà Nội đã tìm cách duy trì một mối quan hệ đa dạng trên nhiều phương diện với thế lực hàng đầu thế giới này.

Theo ông, Ngoại giao Việt Nam nên tập trung vào những phương diện gì trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai?

Tại thời điểm này, thách thức an ninh và ngoại giao lớn nhất của Việt Nam là vấn đề Biển Đông với sự quyết đoán hơn của Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục chủ động trong các diễn đàn quốc tế như ASEAN, ARF, EAS, Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần duy trì các biện pháp chống lại áp lực từ người hàng xóm phương Bắc thông qua việc mở rộng quan hệ an ninh - kinh tế với các quốc gia ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ và EU.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)