Các đại biểu tham dự WHA lần đầu tiên tại Geneva, Thụy Sỹ năm 1948. (Nguồn: WHO) |
Hậu quả nặng nề của Thế chiến II đã khiến loài người nhận thức rõ nhu cầu cấp bách cần có một tổ chức toàn cầu chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng. Dưới sự đề xuất của bác sỹ người Yugoslavia Andrija Stampar, WHA lần đầu tiên đã khai mạc vào năm 1948. Những lá cờ đầu của nền y tế toàn cầu khi ấy đã tụ họp về Geneva để lắng nghe ông Yugoslavia giải thích tại sao nỗ lực để xây dựng nên WHO “chưa bao giờ bị gián đoạn bởi sự bất hòa”.
Nhưng đó là câu chuyện của 72 năm về trước. WHA lần thứ 73, kéo dài từ 18–19/5, sẽ trở nên đặc biệt hơn cả bởi hai lý do chính. Đầu tiên, WHA diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu đã khiến hơn 300.000 thiệt mạng và đẩy thế giới lún sâu trong suy thoái sâu sắc. Trước tình hình đó, lần đầu tiên WHA đã phải tổ chức các phiên thảo luận trực tuyến, kéo dài vỏn vẹn 1 ngày, thay vì 1 tuần như dự kiến. Quan trọng hơn, sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng xung quanh nguồn gốc và cách ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Do đó, nhiều người lo rằng thay vì là nơi để các nhà hoạch định chính sách y tế tìm kiếm tiếng nói chung trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19, WHA năm nay sẽ trở thành sân khấu cho các nước lớn tìm kiếm lợi ích chính trị. Quan ngại này đã ít nhiều thành hiện thực.
Từ câu chuyện Đài Loan…
Ngày 18/5, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan (Trung Quốc) Joseph Wu cho biết, bất chấp những nỗ lực vận động hành lang, chính quyền hòn đảo này đã không nhận được lời mời tham dự WHA do áp lực từ Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2009–2016, Đài Loan đã tham gia WHA với tư cách quan sát viên, theo đó, đại diện của họ có quyền phát biểu tại WHA, song không có quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, sau khi trở thành người đứng đầu Đài Bắc năm 2016, bà Thái Anh Văn đã phủ nhận hoàn toàn chính sách “Một Trung Quốc”, khiến Bắc Kinh nổi giận và tăng cường nỗ lực cô lập Đài Bắc tại các tổ chức quốc tế.
Điều này giải thích tại sao kể từ năm 2017, Đài Loan đã không thể tham gia nhiều cuộc họp quan trọng của WHO và WHA.
Năm 2020, mọi chuyện tưởng chừng sẽ khác. Nhóm 14/15 quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt với chính quyền Đài Bắc đã viết thư gửi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom, nhằm thay đổi tình hình.
Bên cạnh đó, Mỹ dẫn đầu nhóm 8 quốc gia ủng hộ sự tham dự của Đài Loan tại WHA, bao gồm Canada, Đức, Pháp, Nhật Bản, Anh, New Zealand và Australia, như một phần trong chính sách cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, khác với khẳng định của phía Mỹ, ông Tedros không có quyền hạn để định đoạt sự tham dự của Đài Loan tại WHA. Do đó, những nỗ lực trên chưa thành công, song sẽ khiến hợp tác giữa các nước trong WHA chịu ảnh hưởng đáng kể.
WHA đang trở thành chiến trường mới trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: CGTN) |
Tới nguồn gốc SARS-CoV-2
Một vấn đề khác nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia là nguồn gốc thực sự của virus SARS-CoV-2. Tại phiên họp của WHA ngày 18/5, 116 quốc gia đã ủng hộ dự thảo của Australia trong việc điều tra, làm rõ nguồn gốc dịch Covid-19 và sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 19/5.
Ngày 18/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổ chức điều tra nguồn gốc và sự lây lan của dịch ở thời điểm hiện tại là quá sớm.
Nếu được thông qua, dự thảo này sẽ mang đến ba thay đổi lớn.
Thứ nhất, khám khá được nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 sẽ đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm vaccine và thuốc đặc trị Covid-19.
Thứ hai, việc làm rõ ngọn ngành, xuất xứ của SARS-CoV-2 sẽ giúp giảm thiểu xung đột, bất đồng chính trị trước mắt giữa một số quốc gia, cụ thể là Mỹ và Trung Quốc, tăng tính gắn kết, phối hợp trong công tác chống dịch.
Thứ ba, tường tận nguồn gốc của virus chết người này phần nào có thể ít nhiều giúp con người phòng tránh nguy cơ tương tự trong tương lai, ngay cả khi lịch sử thường có xu hướng lặp lại chính nó.
Và mối lo toàn cầu
Cuối cùng, điều đáng ngại hơn cả là việc chống dịch Covid-19 đang bị chính trị hóa. Hợp tác y tế toàn cầu chưa bao giờ hoàn hảo, song việc giữ WHO không vướng bận các vấn đề chính trị đã khiến tổ chức này hoạt động hiệu quả thời gian qua, cho phép các nhà khoa học, bác sỹ và chuyên gia khắp nơi có thể hợp tác, cùng nhau cứu người.
Tuy nhiên, tầm nhìn năm nào của bác sỹ Stampar đang dần bị lu mờ trước tính toán về lợi ích chính trị của Mỹ và Trung Quốc.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại lễ khai mạc WHA ngày 18/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đã tiến hành kiểm soát dịch bệnh một cách cởi mở, minh bạch và chia sẻ thông tin “một cách kịp thời” và “sớm nhất có thể”.
Tương tự, ông Tập Cận Bình cũng dành nhiều lời khen cho vai trò then chốt của WHO và “việc tốt được nhiều người tán thưởng” của Giám đốc WHO Tedros Adhanom, khẳng định sẽ triển khai sáng kiến trị giá 2 tỷ USD nhằm hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu trực tuyến khai mạc WHA ngày 18/5. (Nguồn: CGTN) |
Tuyên bố của người đứng đầu Trung Quốc là hoàn toàn trái ngược với những cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng Trung Quốc đã “giấu dịch” và WHO đã nhảy theo điệu nhạc từ Bắc Kinh.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Alex Azar đã có bài phát biểu, khẳng định Mỹ đã tiêu 9 tỷ USD cho công tác phòng chống dịch và sẽ sớm triển khai 400-500 triệu USD nhằm hỗ trợ 40 quốc gia khác.
Cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng thông qua giới truyền thông, khoa học và tiềm lực kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang thể hiện ngày một rõ nét.
Hồi tuần trước, Tổng thống Donald Trump cũng cam kết sẵn sàng hợp tác trong sản xuất và phân phối vaccine. Tuy nhiên, chính đại diện Mỹ đã không ủng hộ xây dựng dự thảo về đảm bảo quyền tiếp cận vaccine của tất cả các quốc gia.
Theo đó, nghị quyết này kêu gọi các tập đoàn đóng góp miễn phí bằng sáng chế liên quan tới điều trị Covid-19 cho quỹ toàn cầu, được sử dụng để nghiên cứu và chế tạo vaccine cho tất cả quốc gia.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp dược phẩm khổng lồ của Mỹ không thích điều này; đại diện xứ cờ hoa cũng phản đối việc các quốc gia có thể bỏ qua các quyền liên quan đến bằng sáng chế toàn cầu trong tình trạng y tế khẩn cấp.
Vị thế quốc gia không chỉ nằm ở sức mạnh cứng, mà còn được thể hiện ở sức mạnh mềm, thứ có thể được vun đắp thông qua hành động nhân đạo đúng lúc, đúng chỗ. Khi ấy, đại dịch Covid-19 toàn cầu là cơ hội để các nước với tiềm lực và tầm ảnh hưởng lớn, có nhiều hơn những cử chỉ như thế, thể hiện vai trò dẫn dắt, thay vì duy trì tính toán về lợi ích chính trị.