📞

Xu thế dịch chuyển sang cánh hữu của Mỹ Latin

10:33 | 19/01/2017
Bối cảnh hiện nay tại Mỹ Latin đang tạo ra nhiều lợi thế cho phe cánh hữu.
Tập hợp các lãnh đạo cánh tả Mỹ Latin trong lễ tang Lãnh tụ Cuba Fidel Castro: hàng đầu từ trái sang, các cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (1), Luiz Inácio Lula da Silva (2), Chủ tịch Cuba Raul Castro (3) và Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro (4). (Nguồn: Reuters)

Thời điểm khó khăn của cánh tả

Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Ecuador Rafael Correa khi đề cập đến những vấn đề phải đối mặt ở một số nước Mỹ Latin, ông đã tránh nói quanh co và thừa nhận rằng đây “là thời điểm khó khăn" của cánh tả Mỹ Latin. Ông đề cập đến sự ra đi của lãnh tụ Cuba Fidel Castro, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và cố Tổng thống Argentina Nestor Kirchner, những tượng đài lớn của cánh tả Mỹ Latin.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa (giữa) phát biểu trong một cuộc mít tinh. (Nguồn: AP)

Bên cạnh đó, ông Rafael Correa cũng đề cập đến "những cuộc bầu cử thất bại " ở một số nước Mỹ Latin, nơi mà cánh tả chiếm ưu thế trong thập niên vừa qua, nay phải nhường bước cho cánh hữu bảo thủ hơn. Trong một năm rưỡi qua, doanh nhân Mauricio Macri được bầu tại Argentina, cựu giám đốc ngân hàng Pedro Pablo Kuczynski thắng cử ở Peru và tại Brazil là một chính phủ trung hữu do ông Michel Temer lãnh đạo sau khi lật đổ Tổng thống cánh tả Dilma Rousseff.

Năm nay có thể sẽ là bản lề để xác định Mỹ Latin tiến về cánh hữu ở mức độ nào. "Vâng, chúng tôi đang chuyển từ cánh tả sang cánh hữu. Vấn đề đâu là điểm dừng thì chúng tôi vẫn chưa biết", bà Marta Lagos, Giám đốc một công ty thăm dò dư luận ở khu vực Mỹ Latin, nhận định.

Trong năm 2017, dự kiến có các cuộc bầu cử Tổng thống ở Ecuador, Chilevà Honduras; bầu cử Quốc hội ở Argentina và thống đốc bang ở Mexico.

Bầu cử Tổng thống ở Ecuador dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2, nhưng sẽ vắng mặt ứng cử viên cánh tả Rafael Correa, người đã giữ chức Tổng thống một thập kỷ qua. Kế thừa sự nghiệp chính trị của ông Rafael Correa là cựu Phó Tổng thống Lenin Moreno, người dẫn đầu cuộc thăm dò ở vòng đầu tiên, nhưng có thể phải đối mặt với những khó khăn tại vòng hai nếu phe đối lập hợp sức lại.

Mặc dù tin ở đảng cầm quyền sẽ giành thắng lợi, ông Correa vẫn thừa nhận khả năng thất bại. "Nếu chúng ta thua, quá trình cách mạng vẫn tiếp tục," ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với phương tiện truyền thông. Tương tự, ông Correa cũng đề cập về những khó khăn của cánh tả khu vực, song cho rằng những trở ngại đó không "khủng khiếp như trong quá khứ trước đây”.

Tại Chile, người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ở vòng bầu cử đầu tiên trong tháng 11 là cựu Tổng thống Sebastian Piñera, doanh nhân thuộc cánh hữu với tỷ lệ ủng hộ nhỉnh hơn một chút so với cựu Tổng thống Ricardo Lagos, người cùng phía liên minh trung tả của bà Tổng thống Michelle Bachelet. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Piñera có thể sẽ bị đánh bại tại vòng hai bởi Thượng nghị sĩ độc lập Alejandro Guillier, một thân hữu với Đảng Dân chủ Xã hội cấp tiến.

Tại Honduras, Tổng thống hiện hành là Juan Orlando Hernandez, người đang tìm cách tái tranh cử vào tháng 11 tới qua Đảng Quốc gia bảo thủ. Những người chống đối coi đây là bất hợp pháp và nhớ lại cựu Tổng thống Manuel Zelaya từng tìm cách tái cử vào năm 2009 và bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Sự kiện lúc đó đã gây ra làn sóng tức giận của cánh tả trong khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng, hiện khó có cơ hội cho các nhà chính trị cánh tả xuất hiện mà được yêu thích trong các cuộc bầu cử tại các nước Mỹ Latin. Báo cáo của công ty thăm dò dư luận khu vực Mỹ Latin năm 2016 ghi nhận quan điểm chính trị của người dân Mỹ Latin dịch chuyển về phía hữu qua 4 năm liên tiếp với 28% người dân trong khu vực ủng hộ cánh hữu, so với 19% được ghi lại bởi cuộc khảo sát tương tự trong năm 2011. Mặt khác, hiện có 20% người Mỹ Latin thuộc cánh tả và 36% có quan điểm trung dung.

Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner (trái). (Nguồn: AP)

Nguyên nhân từ đâu?

Giải thích xu hướng này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sự chấm dứt bùng nổ về giá các nguyên vật liệu xuất khẩu đã gây ra khó khăn kinh tế cho các chính phủ cánh tả. Các nước Mỹ Latin đòi hỏi ngày càng cao về việc bảo đảm trật tự xã hội và mạnh tay hơn về chống tội phạm, thậm chí trong khu vực Mỹ Latin còn có bước tiến mạnh của tôn giáo với thái độ bảo thủ hơn về các vấn đề xã hội như phá thai hay hôn nhân đồng tính.

Thêm vào đó, những nhân vật cánh tả còn lại của Mỹ Latin trong thập kỷ qua như cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hoặc cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner, giờ đây lại rơi vào những cáo buộc về tham nhũng.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng ở Venezuela khiến dư luận đưa ra yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới nhằm loại bỏ Tổng thống Nicolás Maduro, người thừa kế chính trị của ông Hugo Chavez. Điều này cũng góp phần làm suy giảm kinh tế của Cuba trong năm qua.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro phát biểu trong một cuộc mít tinh. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thay vì một hệ tư tưởng cụ thể, người Mỹ Latin đang tìm kiếm giải pháp thiết thực cho các vấn đề của họ, có thể là sự luân phiên thay đổi quyền lực giữa tả và hữu, thậm chí lựa chọn cả những ứng cử viên dân túy ở các mức độ khác nhau.

(theo BBC)