📞

Bắc Cực: Càng tan càng “nóng”

09:00 | 31/01/2016
Những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột chủ quyền, tranh giành tài nguyên đến chạy đua vũ trang và hoạt động gián điệp đang hiện hữu ngày càng rõ nét ở Bắc Cực.

Biến đổi khí hậu khiến băng Bắc Cực tan dần và điều này lại mở ra cơ hội tiếp cận nguồn dầu, khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ tại đây, đồng thời giúp rút ngắn các tuyến đường biển và tạo điều kiện cho việc khai thác thủy sản. Những điều này báo hiệu cuộc cạnh tranh không khoan nhượng cả về kinh tế và chính trị tại Bắc Cực. Nó có vẻ đúng với câu thành ngữ của thổ dân Eskimo: “Chỉ khi băng tan, bạn mới biết đâu là bạn, đâu là thù”.

Tàu ngầm nguyên tử USS Connecticut của Mỹ chọc thủng băng để nổi lên tại Bắc Cực.

Cơ hội kinh tế

Sự tan băng ở Bắc Cực đang nhanh chóng phá hủy hệ sinh thái ở đây cũng như từ từ biến thành phố Venice (Italy) thành một “Atlantis tiếp theo”. Từ năm 1970, 17% băng của Bắc Cực đã tan chảy và ước tính đến năm 2040, vùng cực Bắc sẽ chỉ còn sót lại các tảng băng ở gần Canada và Greenland - được các học giả gọi là “Vùng băng cuối cùng” (Last ice area).

Tuy nhiên, băng tan cũng là lúc cơ hội kinh tế xuất hiện. Trong thập kỷ tới, các công ty năng lượng sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ USD vào Bắc Cực. Các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về vùng cực Bắc để khai thác nguồn tài nguyên khí đốt và dầu mỏ ước tính chiếm khoảng một phần tư trữ lượng tài nguyên dầu khí chưa được khai thác trên trái đất. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cho biết, 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng.

Chưa kể, ẩn dưới bề mặt vùng Bắc Cực là các mỏ kẽm, đồng, vàng, kim cương đang ngày một lộ diện. Thêm vào đó, băng tan nhanh cũng sẽ mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới quanh Bắc Cực vào mùa hè, có thể giúp rút ngắn được 6.000 - 8.000 km cho hải trình giữa châu Âu và châu Á.

“Minh thương, ám tiễn”

Hiện tám nước là Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan đều tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực. Nếu trao cho các nước này một bản đồ, họ sẽ vẽ ra đường biên giới chồng lấn nhau và liên tục tranh cãi về việc liệu Bắc Băng Dương có nên hoàn toàn là vùng biển quốc tế hay không, khu vực nào có thể cho phép tàu hàng có thể đi qua, nước nào được quyền sở hữu hòn đảo Hans - thực chất chỉ là một tảng đá khổng lồ ở tại Bắc Băng Dương.

Bên cạnh cuộc tranh cãi về mặt pháp lý là một cuộc đua khác về hiện diện quân sự của các bên tại vùng biển này với sự thắng thế của nước Nga. Những năm gần đây, Tổng thống Vladimir Putin đã cho mở lại các căn cứ ở vùng Bắc Băng Dương cũng như tái cơ cấu hạm đội Biển Bắc hùng mạnh từ thời Liên Xô. Hiện hạm đội này với hàng trăm tàu tác chiến, tàu ngầm tên lửa, tàu ngầm hạt nhân và thủy phi cơ đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ trên vùng Biển Bắc. Chuyên gia hải quân Nga Dmitry Gorenburg cho biết, Moscow cho triển khai ít nhất năm chiến dịch hải quân mỗi năm ở Bắc Băng Dương. Giới phân tích ngày càng tin tưởng rằng chiến lược “hướng Bắc Cực” của ông Putin nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực đang dần lộ diện và khiến các quốc gia khác phải dè chừng.

So với các quốc gia khác ở vùng Bắc Cực, Mỹ có vẻ kém xa về đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện lực lượng cảnh sát biển của Washington chỉ có một trong hai tàu phá băng hoạt động. Ngược lại, nước Nga vẫn giữ được niềm kiêu hãnh với một đội tàu phá băng nguyên tử mà hiếm khi cần phải tiếp nhiên liệu, chưa kể đến 14 chiếc khác đang được sản xuất. Trong khi các tàu ngầm của hải quân Mỹ có nhiều kinh nghiệm về lặn dưới lớp băng thì lực lượng tác chiến bề mặt và trên không của họ vẫn còn quá yếu. Báo cáo năm 2014 của hải quân Mỹ kết luận rằng với tình trạng khí tài hiện tại, họ thực tế chỉ có thể duy trì sự hiện diện ở Bắc Cực trong mùa hè. Hơn nữa, việc Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 khiến các hoạt động của hải quân Mỹ không phải lúc nào cũng được chào đón. Việc hiệp định quan trọng bậc nhất trong hệ thống luật biển quốc tế vẫn chưa có tính ràng buộc với Mỹ khiến nhiều quốc gia e sợ những lần "đi lạc" của hải quân Mỹ tại hải phận nước mình sẽ thường xuyên hơn, đặc biệt ở những vùng biển vắng.

Bên cạnh đó, câu chuyện “ám tiễn” ở Bắc Cực gần đây lại thu hút được nhiều sự quan tâm của truyền thông cũng như hệ thống tình báo toàn cầu. Tàu ngầm tàng hình, máy bay do thám, vệ tinh và các cơ sở nghe trộm đang ngày càng phổ biến ở Bắc Cực.

Cây viết của tờ Foreign Policy (Mỹ) James Bamford nhận định “Bắc Cực đã trở thành ngã tư đường của các hoạt động gián điệp kỹ thuật ngày nay”. “Trò chơi gián điệp” tại khu vực trước đây ít được quan tâm, giờ ngày càng gay cấn. Gần đây, 16 cơ quan tình báo của Mỹ đã cử các nhà phân tích làm việc toàn bộ thời gian để tái làm quen với Bắc Cực. “Tình báo Mỹ tập trung nghiên cứu sức mạnh quân sự của Nga ở phía Bắc, Hạm đội Biển Bắc tại thành phố Murmansk (Nga)”, theo tờ Los Angeles Times (Mỹ) tháng 9/2015.

Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Canada (CSIS) cũng đang được tổ chức lại để tập trung hơn vào khu vực phía Bắc. Ủy ban Giám sát tình báo và An ninh của Quốc hội Canada nhận xét "các hoạt động gián điệp tại Canada hiện ở mức bằng với thời Chiến tranh Lạnh".

Các quốc gia khác như Na Uy hay Thụy Điển cũng đang triển khai nhiều kế hoạch phát triển mạng lưới tình báo ở vùng cực Bắc, tất cả đều tiến triển nhanh hơn ngay khi phương Tây nhận ra họ đang dần bị Moscow bỏ lại trong việc mở rộng ảnh hưởng quân sự ở đây.

Một “ngoại lệ”?

Kể từ tháng 4/2015, Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ hai năm Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực. Khác với những năm trước, Mỹ thường chỉ trích những chính sách của cơ quan này, ông John Kerry đã phát biểu tại Iqaluit (Canada) rằng “trên cương vị Chủ tịch, Mỹ sẽ tập trung vào ba vấn đề có liên hệ mật thiết với nhau. Trước hết đó là vấn đề khí hậu và hậu quả của biến đổi khí hậu. Thứ hai là củng cố an ninh, an toàn trên biển. Và thứ ba là cải thiện điều kiện kinh tế và đời sống của cộng đồng các nước Bắc Cực”. Đây có thể sẽ là cơ hội để Washington điều chỉnh vấn đề Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn và có lẽ sẽ tác động phần nào đến việc Thượng viện phê chuẩn UNCLOS trong tương lai.

Tuy nhiên, câu chuyện ở Bắc Cực đang ngày càng trở nên “nóng” khi ngoài tám nước trực tiếp tham gia tranh chấp, nhiều quốc gia khác dù ở xa Bắc Cực cũng đang cố gắng mở rộng tầm với ở khu vực này. Hiện Hội đồng Bắc cực đã có thêm nhiều “quan sát viên thường trực” như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Italy và Ấn Độ. Cuối tháng 8/2015, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa năm tàu chiến vào vùng biển Bering ngoài khơi Alaska (Mỹ), còn Hàn Quốc và Singapore đẩy mạnh chiến lược khảo sát triển vọng có thể thiết lập tuyến hàng hải vận chuyển hàng hóa đến các thị trường châu Âu thông qua Bắc Băng Dương.

Trong tháng 5/2015, Mỹ, Nga và ba quốc gia Bắc Cực khác đã ký thỏa thuận về đánh bắt cá, bất chấp những vấn đề ở Ukraine đã trì hoãn quá trình đàm phán trước đó. Thỏa thuận cấm khai thác cá tại vùng biển tan băng nhanh này sẽ giúp ngăn chặn các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai do biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới tập quán di cư của các đàn cá.

Với tình hình phức tạp hiện nay, xu hướng hợp tác giữa các bên liên quan đến vùng cực Bắc đang ngày càng gia tăng. Người phát ngôn của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) Clive Tesar cho biết: “Một số người gọi đây là ngoại lệ ở Bắc Cực. Chúng ta có thể có những bất đồng ở nơi khác, nhưng ở Bắc Cực, chúng ta phải hợp tác”.

Cho dù vậy, dựa trên diễn biến phức tạp xung quanh lợi ích thương mại và quân sự, tương lai của “ngoại lệ” này chưa hẳn đã được định sẵn. Cuộc đua giữa các bên ở Bắc Cực vẫn chưa thể có hồi kết khi mà những giá trị mang tầm chiến lược ở khu vực này ngày càng hé lộ.