Trả lời trước giới báo chí ngày 20/11, ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Saudi Arabia, bất chấp kết quả của vụ việc. Ông Trump úp mở rằng “chúng ta sẽ không bao giờ biết được hết tất cả những gì xung quanh cái chết của nhà báo Khashoggi”, cũng như đồn đoán xung quanh sự liên quan của Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, đồng thời tuyên bố tình báo Mỹ vẫn đang thu thập thêm thông tin cần thiết. Có thể khẳng định cho dù Thái tử Saudi Arabia có dính líu tới vụ việc thì chắc chắn Washington vẫn sẽ không từ bỏ mối quan hệ với Riyadh.
Tuyên bố không bất ngờ
Phát biểu của Tổng thống Donald Trump ngay lập tức hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ trong nước cũng như cộng đồng quốc tế. Thượng Nghị sỹ đảng Dân chủ Dianne Feinstein cho rằng quyết định không trừng phạt Thái tử Saudi Arabia “gây tổn hại cho mọi giá trị mà nước Mỹ trân trọng”. Thượng Nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio thì cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ hướng tới bảo vệ lợi ích nước Mỹ, trong đó có quyền con người và tuyên bố của Tổng thống Trump đi ngược lại với điều đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman. (Nguồn: Getty Images) |
Trong khi đó, Iran đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích Mỹ - Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cho rằng cam kết ủng hộ Saudi Arabia của ông Trump là “đáng xấu hổ”.
Tuy nhiên, nếu như nhìn nhận lại động thái của Washington sau khi nhà báo Khashoggi bị sát hại thì tuyên bố của ông Trump là không quá bất ngờ. Ngay sau khi vụ việc diễn ra, Mỹ dường như đã không có phản ứng tức thì nhằm giải quyết vụ việc. Việc thiếu vắng Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một lý do, song tính toán thận trọng từ Washington mới là yếu tố then chốt. Hai tuần sau khi vụ việc diễn ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo mới đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, các báo cáo và điều tra của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã bị chính Tổng thống Donald Trump phủ nhận, nhằm trì hoãn thời gian để tìm kiếm đối sách tốt nhất.
Vậy tại sao Mỹ lại bảo vệ Saudi Arabia đến như vậy?
Chất xúc tác dầu mỏ, và...
Một phần câu trả lời có thể được tìm thấy trong lịch sử quan hệ Mỹ - Saudi Arabia. Ngay từ năm 1945, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin Delano Roosevelt đã nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Saudi Arabia trong việc mở rộng và duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông trước sự lớn mạnh của Liên Xô. Với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, cùng vị trí nằm ở trung tâm của khu vực Trung Đông, Riyadh là một đồng minh mà Washington cần phải có.
Ngay sau khi trở về từ Hội nghị Yalta năm 1945, Tổng thống Roosevelt đã dừng chân tại Cairo và gặp gỡ Quốc vương Abdul Aziz. Một thỏa thuận đã được thiết lập: Mỹ sẽ là đồng minh và bảo hộ Saudi Arabia, để đổi lấy sự ủng hộ và quyền tiếp cận nguồn dầu mỏ dồi dào của quốc gia này. Khi đó, Riyadh và Tehran trở thành “Hai Trụ cột” trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Liên Xô và duy trì sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông.
Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng trải qua nhiều thăng trầm và có lúc tưởng chừng như đoạn tuyệt. Năm 1973, Saudi Arabia đã ngưng xuất khẩu dầu tới Mỹ nhằm phản đối việc Washington ủng hộ Tel Aviv trong cuộc chiến Yom Kippur, bất chấp sự tham chiến của Riyadh. Song khi chính quyền của Quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi dần thất thế trước Lực lượng Cách mạng Hồi giáo Iran, Mỹ đã nhanh chóng làm ấm lại quan hệ với Saudi Arabia, đồng thời củng cố bang giao với Israel để thay thế Iran duy trì “kiềng hai chân”.
Từng có chuyên gia cho rằng khi Mỹ làm chủ và kiểm soát được nguồn năng lượng đến từ dầu đá phiến, mối quan hệ giữa Washington và Riyadh sẽ không còn mặn nồng như xưa. Tuy nhiên, cần nhớ rằng nhu cầu năng lượng của Mỹ là rất lớn và nhập khẩu, chế biến dầu tiếp tục là một ngành công nghiệp lớn chi phối nền kinh tế của Mỹ. Thêm vào đó, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục đối đầu với Iran, cùng những diễn biến nhanh và khó lường tại Trung Đông, vị trí chiến lược và sự ổn định chính trị của Riyadh là một chỗ dựa cho chính sách đối ngoại của Washington.
Cuối cùng, sự hiện diện của Mỹ tại Saudi Arabia là cần thiết để cản bước tiến của Trung Quốc tại khu vực này. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa thấy hồi kết và Bắc Kinh cần tìm kiếm nguồn dầu mới để tránh tiếp tục phụ thuộc vào cuộc chơi của Washington; Saudi Arabia cùng các quốc gia Trung Đông là điểm đến lý tưởng.
Tại sự kiện đầu tư “Davos trên sa mạc” hồi tháng 10, doanh nghiệp Trung Quốc ráo riết tiếp cận các đối tác Trung Đông, trong khi lãnh đạo Trung Quốc từ chối phát biểu về vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại nhằm tránh làm mất lòng Riyadh. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã có chuyến thăm các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Israel và Palestine, với thông điệp Trung Quốc muốn có vị thế lơn hơn tại khu vực này.
Do đó, có thể khẳng định rằng chừng nào Saudi Arabia còn dầu mỏ và duy trì vị thế trung tâm tại Trung Đông, nước này sẽ còn nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ. Tuyên bố mập mờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vai trò của Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman trong cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi là minh chứng rõ nét cho điều đó.