AFP đưa tin, đường hầm Atal Rohtang ở khu vực Himalaya của Ấn Độ đang trong quá trình gần hoàn tất. Sau khi được đưa vào vận hành, đường hầm này có thể tiết kiệm hàng giờ đồng hồ để New Delhi đưa quân tới gần khu vực tranh chấp chủ quyền ở biên giới với Trung Quốc.
Công nhân làm việc trong đường hầm Atal Rohtang ở bang Himachal Pradesh, ngày 1/9. (Nguồn: AFP) |
Căng thẳng Ấn - Trung leo thang sau vụ đụng độ chết người giữa quân đội 2 nước ở Ladakh giữa tháng 6. Kể từ đó, 2 bên tăng cường hoạt động điều động quân sự và khí tài tới khu vực tranh chấp.
Ấn Độ thời gian qua đã đẩy mạnh việc xây các công trình cơ sở hạ tầng như cầu, đường ở khu vực biên giới, đặc biệt là công trình hầm chuyển quân xuyên núi Atal Rohtang trị giá 400 triệu USD ở bang Himachal Pradesh.
Đoạn hầm này cho phép Ấn Độ đưa quân ra các “điểm nóng” trong mọi điều kiện thời tiết. Trước đó, để điều động quân, các đoàn xe của Ấn Độ phải đi một đoạn đường núi vòng vèo dài 50 km, phủ đầy tuyết vào mùa Đông và hay xảy ra sạt lở.
Từ cuối tháng này, những chuyến vận chuyển kéo dài 4 giờ đồng hồ đầy thách thức sẽ chấm dứt khi đường hầm hiện đại giúp các đoàn xe Ấn Độ chỉ mất 10 phút để xuyên qua núi.
Trung tướng Harpal Singh, người đứng đầu Tổ chức Các tuyến đường biên giới (BRO) Ấn Độ, cho hay: “Có những thời điểm xe cộ đi đường núi bị hỏng, gây ra ùn tắc từ 6-8 giờ đồng hồ. Đường hầm này và các công trình cơ sở hạ tầng đã tạo nên sự thay đổi to lớn”.
Công trình hầm dự kiến sẽ được khánh thành vào cuối tháng này. Trước đây, vũ khí, đạn dược và lương thực phải được tiếp tế với số lượng lớn trước khi mùa Đông bắt đầu, thời điểm mà nhiệt độ tại các khu vực đồi núi có thể rơi xuống mức âm 40 độ C.
Đường hầm Atal Rohtang được xây trên độ cao 3.000 mét và kéo dài 9 km. Trong nhiều năm, mùa Đông lạnh giá khiến công việc xây dựng chỉ có thể được tiến hành từ tháng 4 tới tháng 9. Công nhân phải đeo chip siêu nhỏ để định vị trong trường hợp họ bị mắc kẹt hoặc mất tích.
BRO cũng cho biết, trong 4 năm qua, họ đã xây thêm nhiều tuyến đường chiến lược ở gần các “điểm nóng” gần Trung Quốc, nhiều hơn toàn bộ công trình được xây từ thập niên trước. Thêm vào đó, trong tháng tới, các cây cầu nằm trên tuyến đường nói trên đều được nâng cấp để chịu được xe tăng T-90 nặng 70 tấn, hoặc xe tải chở tên lửa đất đối không.
Ngoài ý nghĩa về mặt chiến lược quân sự, sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của Ấn Độ còn được xem là động thái nhằm cải thiện cuộc sống của người dân sống ở những khu vực này khi họ bị “cô lập” vào mùa đông khắc nghiệt trong nhiều năm qua.
| Căng thẳng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc: Hai nước ra tuyên bố chung nhất trí rút quân, New Delhi cam kết giải quyết qua hòa đàm TGVN. Ngày 11/9, tuyên bố chung được công bố cho biết, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ... |
| Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc: Phát hiện máy bay ném bom Trung Quốc gần biên giới, một lữ đoàn tập trận bắn đạn thật TGVN. Theo SCMP, Trung Quốc đã điều máy bay ném bom đến gần biên giới với Ấn Độ, ở thời điểm xảy ra nhiều tranh ... |
| Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc: Bắc Kinh triển khai 3 tiểu đoàn đến LAC, New Delhi tăng cường phòng thủ TGVN. Trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ngày càng leo thang, ... |