Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 136 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có hơn 2,939 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 109,35 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 575.593 ca tử vong trong tổng số 31.869.980 ca nhiễm.
Tiếp đó là Brazil với 351.469 ca tử vong trong số 13.445.006 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ ba với 169.305 ca tử vong trong số 13.355.465 bệnh nhân.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 657.322 ca dương tính SARS-CoV-2, tập trung đông nhất tại Ấn Độ (152.682 ca), tiếp đến là Brazil (69.592 ca), Mỹ 66.764 ca, Thổ Nhĩ Kỳ (52.676 ca).
Đây cũng là ngày Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.
Tại châu Âu, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các nước như Ba Lan, Đức, Italy, Ukraine vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ trên 17.000 ca đến gần 25.000 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Nga, Hungary, Hà Lan dao động trong khoảng 7.500 ca đến 8.000 ca.
Tại châu Á, Iran cũng là nước hàng đầu châu lục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau Ấn Độ. Trong 24 giờ qua, quốc gia Trung Đông này ghi nhận 19.666 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2,04 triệu ca.
Ngày 10/4, Iran cũng đã tăng cường các biện pháp phòng dịch trên khắp cả nước để ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư đang rình rập nước này.
Theo đó, trong 10 ngày tới, lệnh phong tỏa " nội bất xuất, ngoại bất nhập" được áp dụng tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao. Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh hàng không thiết yếu, trường học, trung tâm giải trí và toàn bộ địa điểm vui chơi công cộng đều phải đóng cửa.
Bộ Y tế Iran đánh giá làn sóng lây nhiễm mới tại nước này là do tình trạng lây lan của biến thể SARS-CoV-2.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh, song số ca nhiễm mới tại nước này ghi nhận trong 24 giờ qua chỉ là 1.285 ca, đứng thứ ba châu lục, sau Ethiopia (1.739 ca) và Tunisia (1.460 ca).
Toàn châu Phi tính đến thời điểm hiện tại ghi nhận tổng cộng 4,37 triệu ca nhiễm và 115.713 ca tử vong do Covid-19, trong đó Nam Phi chiếm 1,55 triệu ca nhiễm và 53.256 ca tử vong.
Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine của hai hãng này với đối tượng trẻ em từ 12-15 tuổi tại Mỹ, động thái đánh dấu bước đi quan trọng nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Hiện, các nhà quản lý mới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer/BioNTech cho người từ 16 tuổi trở lên tại Mỹ.
Trong một tuyên bố, Pfizer/BioNTech cũng cho biết họ có kế hoạch đưa ra đề nghị tương tự đối với các cơ quan quản lý khác trên khắp thế giới trong những ngày tới.
Trước đó, trong báo cáo công bố hồi tháng 3, Pfizer/BioNTech khẳng định trong giai đoan 3 thử nghiệm lâm sàng, vaccine do hai hãng phối hợp bào chế đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đối với trẻ em từ 12-15 tuổi và tạo kháng thể mạnh.
Cũng về vấn đề chủng ngừa Covid-19, đảng Tự do - đảng cầm quyền tại Canada - đang gắn thời gian của cuộc bầu cử tiếp theo với việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19.
Đảng Tự do vừa kết thúc 3 ngày đại hội dưới hình thức trực tuyến, với một bài phát biểu mà giới quan sát đánh giá là theo kiểu "vận động tranh cử" của Thủ tướng Justin Trudeau, trong đó Thủ tướng tập trung công kích đảng Bảo thủ và Khối Quebec (Bloc Québécois).
Kể từ năm 2019 đến nay, đảng Tự do cầm quyền ở thế thiểu số trong Quốc hội. Chính phủ đảng Tự do có thể sụp đổ nếu 3 chính đảng đối lập bỏ phiếu bất tín nhiệm, hoặc nếu chính Thủ tướng quyết định dừng hoạt động của chính phủ.
Khi được hỏi liệu đảng Tự do có thể đi bỏ phiếu trước khi Canada đạt được miễn dịch cộng đồng hay không, bà Mélanie Joly, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Canada nói: "Nếu trong điều kiện đó, phe đối lập sẽ quyết định".
Trong bài phát biểu ngày 10/4, Thủ tướng Trudeau chỉ trích nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole là “không mạch lạc” khi đề cập vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ thu nhập khẩn cấp.
Ông Trudeau cáo buộc phe đối lập “đùa cợt” với những thông tin sai lệch về các biện pháp y tế công cộng và vaccine phòng Covid-19.
Tính đến ngày 10/4, ít nhất 793.985 người tại Canada đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng Covid-19, tương đương khoảng 2,1% dân số ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Cũng liên quan tới tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nghiên cứu từ Đức và Na Uy cho thấy ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vaccine AstraZeneca tạo ra kháng thể bất thường gây cục máu đông.
Kết quả hai nghiên cứu này được xuất bản trên Tạp chí Y học New England ngày 9/4. Trong đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Đức phân tích dữ liệu 11 bệnh nhân, gồm 9 phụ nữ, tuổi từ 22 đến 49.
Khoảng 5 đến 16 ngày sau tiêm vaccine, họ có triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não (cục máu đông chèn tĩnh mạch não). Một số có cục máu đông trong phổi, bụng hoặc khu vực khác. 6 trong 11 người này đã tử vong, một người chết do xuất huyết não.
Trong cuộc họp báo hôm 9/4, Tiến sĩ Andreas Greinacher, tác giả nghiên cứu, cho biết một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường, sai hướng, phản ứng ngược lại với vaccine.
Khi tiêm chủng, các kháng thể đó dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường. Các nhà khoa học đề nghị đặt tên cho tình trạng này là "giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine" (VITT).
Tiến sĩ Greinacher gọi đây là "tin tốt" đối với phần đông dân số, hầu hết không có đặc điểm sinh học bất thường. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Chúng ta chưa thể dự đoán ai có khả năng phát triển loại kháng thể này".
Nhóm nghiên cứu đề nghị sử dụng thuốc chống đông máu để điều trị các bệnh nhân. Đến nay, phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Greinacher chỉ xác định được khoảng 40 trường hợp như trên, trong số 1,4 triệu người Đức đã tiêm chủng.
Ông cho rằng những ca tử vong sau tiêm ở người trẻ tuổi là "bi kịch", song cũng lưu ý con số này rất nhỏ. Tiến sĩ Greinacher cảnh báo: "Không tiêm chủng sẽ khiến nhiều người bị bệnh nặng hơn".
Nghiên cứu của các nhà khoa học Na Uy cho kết quả tương tự. Công trình tiến hành trên 5 bệnh nhân, một nam và 4 nữ trong độ tuổi từ 32 đến 54.
Tất cả bị đông máu hoặc xuất huyết bất thường từ 7 đến 10 ngày sau tiêm vaccine AstraZeneca. 4 người có cục máu đông trong não, 3 người đã tử vong. Triệu chứng ban đầu của họ là đau đầu dữ dội. Giống với các bệnh nhân Đức, họ đều có lượng kháng thể bất thường kích hoạt tiêu cầu.
Các nhà khoa học Na Uy khuyến nghị sử dụng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch để điều trị các bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu nhận định tình trạng này hiếm gặp, song là "có thể tàn phá sức khỏe người trẻ".
Trước đó, giới chuyên gia đề ra nhiều giả thuyết liên quan đến chứng đông máu sau tiêm vaccine Covid-19. Một số người cho rằng loại virus vô hại, mang DNA của tinh tinh có trong vaccine AstraZeneca là nguyên nhân.
Tiến sĩ Greinacher nhận định giả thuyết này hợp lý, song chưa được chứng minh lâm sàng.
Kể từ khi được triển khai, vaccine AstraZeneca gây nhiều tranh cãi. Hồi tháng 3, hàng loạt quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Italy ngừng sử dụng sản phẩm do lo ngại về chứng đông máu.
Ngày 18/3, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố vaccine "an toàn và hiệu quả", không liên quan đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch. Các nước nối lại chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, số ca đông máu xảy ra nhiều hơn.
Đến hôm 7/4, EMA thay đổi quan điểm, công nhận máu đông là "tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine". Nhiều quốc gia sau đó đã giới hạn độ tuổi tiêm chủng.
Tuy vậy, EMA cũng như Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến nghị tiếp tục tiêm vaccine bởi "những lợi ích to lớn hơn các rủi ro".