Cập nhật Covid-19 ngày 21/4: Lào phong tỏa một số điểm tại thủ đô Vientiane; Thái Lan thông qua cấp hộ chiếu vaccine; Công nghệ 'túm' virus SARS-CoV-2 nhanh kỷ lục |
Số ca nhiễm Covid-19 mới tập trung đông nhất tại Ấn Độ với 294.290 ca, tiếp sau là Brazil 73.172 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 61.028 ca, Mỹ 60.276 ca, Pháp 43.098 ca.
Đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày tại Ấn Độ vượt con số 200.000 ca và là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 1.757 ca tử vong do Covid-19, cao nhất thế giới, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên tới 180.550 ca, đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ (581.573 ca) và Brazil (375.049 ca).
Tính đến nay, Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ (32.476.153 ca) và vượt qua Brazil (13.977.713 ca).
* Tại châu Á
Dù tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, trong một tuyên bố ngày 20/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bác bỏ khả năng nước này ban bố lệnh phong tỏa, coi đây là giải pháp sau cùng để ứng phó với dịch bệnh.
Ông Modi nhấn mạnh Ấn Độ đang nỗ lực hết sức để đảm bảo năng lực sản xuất để cung cấp đầy đủ thiết bị trợ thở cho bệnh viện và cơ sở y tế cấp địa phương trong tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, dịch bệnh đang có chiều hướng xấu đi tại Hàn Quốc. Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết ngày 21/4 đã ghi nhận thêm 731 ca mắc Covid-19, trong đó có 692 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này lên 115.926 ca.
Con số này đã tăng mạnh so với 532 ca ghi nhận ngày 19/4 và 549 ca ngày 20/4. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ ngày 14/4, số ca bệnh mới phát hiện trong ngày vượt qua con số 700 ca.
Cũng theo KDCA, đã có thêm 4 người tử vong bởi dịch Covid-19, nâng số người tử vong bởi dịch bệnh này ở Hàn Quốc lên 1.806 người. Tỷ lệ tử vong là 1,56%.
Hàn Quốc đã quyết định duy trì mức độ giãn cách xã hội hiện nay đến ngày 2/5 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với các cơ sở giải trí, chẳng hạn như câu lạc bộ đêm và quán rượu. Chính phủ để ngỏ khả năng điều chỉnh mức độ cảnh báo nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên khắp đất nước, đồng thời tìm cách đảm bảo nguồn cung cấp vaccine ổn định, cũng như theo dõi chặt chẽ các biến thể virus SARS-CoV2 từ nước ngoài được cho là dễ lây lan hơn.
Để hạn chế sự lây lan của các biến thể virus, Hàn Quốc đã ban hành lệnh cấm các chuyến bay chở khách đến từ Anh. Từ ngày 22/4, tất cả những người đến từ Nam Phi và Tanzania phải cách ly trong các cơ sở do nhà nước chỉ định trong 14 ngày sau khi nhập cảnh Hàn Quốc.
Tại Lào, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19, đặc biệt trong bối cảnh liên tiếp phát hiện các ca nhiễm có liên quan tới các hành vi nhập cảnh bất hợp pháp, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thủ đô Vientiane tối 20/4 đã ra chỉ thị yêu cầu đóng cửa và phong tỏa tạm thời một số địa điểm có nguy cơ lây lan dịch tại thủ đô Vientiane từ ngày 20/4-4/5.
Ngoài thủ đô, những ngày qua, tỉnh Salavan, Nam Lào, cũng cho phong tỏa 15 bản trên địa bàn để truy vết và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sau khi ghi nhận bệnh nhân thứ 54, người cũng nhập cảnh bất hợp pháp về nước từ Thái Lan và có lịch sử đi lại tới nhiều địa điểm công cộng.
Ngày 21/4, chính phủ Thái Lan thông báo sẽ thông qua hộ chiếu vaccine, hay còn gọi là giấy chứng nhận tiêm chủng, để sử dụng như một giấy thông hành chính thức cho những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Công báo Hoàng gia hôm 20/4 đã đăng tải mẫu định dạng hộ chiếu vaccine cùng với lệnh của Cục Kiểm soát Dịch bệnh cho phép một số quan chức kiểm soát dịch bệnh cấp hộ chiếu vaccine.
Trước đó ngày 20/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã bảo vệ chương trình tiêm chủng của chính phủ, nhấn mạnh rằng chương trình này không quá chậm và cũng không ưu ái một cách vô cớ cho nhà sản xuất nào.
Về khả năng tiếp cận vaccine của người dân, Thủ tướng Prayut cho biết, Bộ Y tế sẽ cho phép công chúng đặt lịch hẹn tiêm chủng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động có tên là "Mor Prom'' vào ngày 1/5.
Viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản và các tổ chức nghiên cứu khác vừa phát triển thành công công nghệ mới giúp phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong vòng chưa đầy 5 phút. Đây là phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả nhanh nhất trên thế giới tại thời điểm hiện nay.
* Tại châu Mỹ
Ngày 20/4, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã được tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên, hành động bác bỏ những quan ngại của nhiều quốc gia về tác dụng phụ của loại vaccine này.
Giới chức y tế cho biết tình trạng sức khỏe của Tổng thống Lopez Obrador ổn định sau khi tiêm vaccine.
Cơ quan quản lý y tế của Mexico không có kế hoạch hạn chế việc sử dụng vaccine AstraZeneca do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, nhưng đang xem xét thông tin từ ủy ban tư vấn vaccine của Anh.
* Tại châu Âu
Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 với tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới 5.339.920 ca. Tiếp sau là Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức,... Trong 24 giờ qua, Italy đã ghi nhận thêm 12.074 ca nhiễm, trong khi Đức có 16.363 ca nhiễm mới.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đã phát hiện mối liên hệ tiềm tàng giữa vaccine ngừa Covid-19 của công ty dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson (J&J) và một số trường hợp xuất hiện huyết khối sau khi tiêm loại vaccine này.
Như vậy, cho đến hiện tại, đây là loại vaccine thứ 2 được EMA phát hiện có mối liên hệ với hiện tượng xuất hiện huyết khối, sau vaccine của AstraZeneca.
Điều quan trọng là EMA đến nay vẫn khẳng định lợi ích mà 2 loại vaccine này mang lại trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 vượt trội so với những nguy cơ có thể xảy ra.
Trong thông báo ngày 20/4, J&J cho biết, hãng sẽ nối lại chương trình phân phối vaccine tại các nước châu Âu sau khi EMA công bố kết luận nói trên.
Theo J&J, bao bì đóng gói mới sản phẩm vaccine của hãng sẽ có thông tin cảnh báo về phản ứng phụ hiếm gặp nói trên, cùng với những hướng dẫn để người sử dụng nhận biết dấu hiệu và xử lý trong trường hợp đó.
Hà Lan thông báo sẽ bắt đầu sử dụng vaccine của J&J cho chương trình tiêm chủng của nước này từ ngày 21/4.
* Trong khi đó, dịch bệnh tại châu Phi vẫn tiếp tục lây lan song ở mức độ hạn chế hơn nhiều so với châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Đến nay, toàn châu Phi ghi nhận 4.488.923 ca mắc Covid-19, trong đó Nam Phi có số ca nhiễm cao nhất là 1.568.366 ca.