Tên tuổi của Paul Reichler, luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện Biển Đông, được biết đến lần đầu tiên vào cuối những năm 1970, khi ông tốt nghiệp trường Luật Harvard chưa lâu.
Nổi danh từ vụ Nicaragua - Mỹ
Bấy giờ, Reichler là luật sư tranh tụng của một công ty luật có tiếng tăm ở Washington D.C. Cũng vào giai đoạn này, ở Nicaragua, đảng Sandino mới lên nắm quyền và các đồng nghiệp của ông tại hãng luật không tin tưởng để một luật sư trẻ như Reichler nhận nhiệm vụ khôi phục tài sản quốc gia đã bị chế độ độc tài tiền nhiệm Somoza biển thủ.
Luật sư Paul Reichler. |
Khi Ronald Reagan đắc cử Tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo này đã khiến chính sách của Washington đối với các nước Trung Mỹ bị rối loạn. Một số người kỳ cựu trong hãng luật của Reichler tham gia vào bộ máy chính quyền mới và đặt ra mục tiêu chống phá chế độ Sandino ở Nicaragua. Thực tế đó khiến Reichler phải lựa chọn: hoặc là chống lại đảng Sandino hoặc rời khỏi hãng luật.
Reichler đã chọn đứng về phía những người Nicaragua và năm 1986, ông đã giành về cho quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé này chiến thắng vang dội tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan.
Tòa tuyên Mỹ phải dừng đặt mìn tại các cảng biển ở Nicaragua. Tuy nhiên, chính quyền Reagan - vốn từ chối ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đã phớt lờ phán quyết của Tòa và tự tin Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi những cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế.
Đến vụ kiện Biển Đông
Ông Reichler, 68 tuổi, hiện là Chủ tịch hãng Luật Foley Hoag, có trụ sở nằm trên một con phố sầm uất ở thủ đô Washington D.C. Mới tuần trước, ông đã giúp Philippines giành chiến thắng lịch sử trong vụ kiện Biển Đông, khi Tòa trọng tài - được thành lập theo phụ lục VII UNCLOS - ra phán quyết bác bỏ gần như tất cả quan điểm của Trung Quốc.
Vụ kiện giữa Philippines - Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng với vụ Nicaragua - Mỹ trước đây. Một lần nữa, Reichler lại ủng hộ cho một nước nhỏ như Philippines đối đầu với một đối thủ mạnh hơn nhiều lần. Và một lần nữa, một nước lớn - như Trung Quốc - từ chối tham gia và công khai bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài.
Đối với ông Reichler, hiện là một thành viên trong nhóm luật sư chuyên đại diện cho các quốc gia tại các tòa án quốc tế, động thái của Trung Quốc hiện nay đáng quan ngại hơn Mỹ trong những năm 1980.
“Vụ Nicaragua là một trường hợp ngoại lệ, một ngoại lệ lớn và là một ngoại lệ tồi tệ”, ông Reichler nhận định. “Tôi cho rằng thái độ của chính quyền Reagan khi đó đã tạo nên một tiền lệ xấu trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trước đó, nước Mỹ từng có lịch sử tôn trọng các phán quyết của ICJ”.
Ấn phẩm Chambers Global 2010 của ngành luật sư viết về Paul Reichler: “Ông thuộc hàng luật sư lành nghề được tôn trọng nhất và có kinh nghiệm nhất về công pháp quốc tế. Ông đặc biệt có kinh nghiệm đại diện cho các quốc gia tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (Hà Lan) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển ở Hamburg (Đức)”. |
Vụ kiện Biển Đông được Philippines khởi xướng là vụ kiện Trung Quốc đầu tiên tại một tòa án quốc tế ở The Hague, mặc dù trước đó, Bắc Kinh đã từng vướng vào một vụ kiện khác trong khuôn khổ WTO và chấp nhận tuân thủ phán quyết không có lợi cho mình.
Đối với người ngoài cuộc, sự vắng mặt của Trung Quốc tại phiên tòa dường như khiến phán quyết được đưa ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo Reichler, chiếc ghế trống của Bắc Kinh tại Cung điện Hòa Bình ở The Hague lại càng khiến vụ việc thêm phần
hóc búa. “Trong các vụ kiện như thế này, Tòa trọng tài luôn muốn xét xử một cách công bằng. Tòa đã chọn ra 5 thẩm phán xuất chúng, và những người này hiểu rất rõ lợi ích của các bên trong vụ kiện. Chính vì vậy, các thẩm phán thụ lý vụ kiện một cách vô cùng cẩn trọng”, Reichler cho biết.
Không hoàn toàn dựa trên lập luận của Reichler cùng các cộng sự của ông, các thẩm phán đã tiến hành các nghiên cứu riêng đối với từng vấn đề nhỏ nhất trong tranh chấp Biển Đông, chẳng hạn như độ sâu của vùng biển xung quanh các cấu trúc nhân tạo của Trung Quốc.
“Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm luật sư tranh biện tại tòa án quốc tế, tôi cho rằng các quốc gia rất cần sự hỗ trợ của đội ngũ cố vấn pháp lý. Phía Philippines đã bị chất vấn gấp 10 lần so với những phiên tòa khác mà tôi từng tham gia”, Reichler cho biết. “Nhiều khi Tòa trọng tài đưa ra những lập luận rất sắc sảo mà giới luật sư chúng tôi cũng không thể lường trước được”.
Muốn thế giới tốt đẹp hơn
Reichler sinh ra và lớn lên ở Long Island, ngoại ô New York. Có cha là một phóng viên kỳ cựu của hãng thông tấn AP, Reichler luôn muốn làm những điều khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Ông còn quá nhỏ tuổi khi các cuộc tuần hành ủng hộ dân quyền ở Mỹ nổ ra đầu những năm 1960, nhưng khi ông tốt nghiệp Đại học Tufts năm 1969, Reichler đứng trước khả năng bị đưa đi tham chiến ở Việt Nam.
“Tôi biết rằng nếu không đi Việt Nam, hoặc tôi sẽ phải lánh sang Canada, hoặc bị bỏ tù, hoặc tham gia Vệ binh Quốc gia”, Reichler hồi tưởng. Cuối cùng, ông quyết định gia nhập lực lượng Vệ binh Quốc gia trong khi vẫn theo học cao học tại trường Luật Harvard với lý tưởng giúp đỡ những người nghèo trong xã hội. “Những ngày đó, tôi sống với nhiều lý tưởng”, ông chia sẻ.
Năm 2009, tạp chí American Lawyer đã vinh danh Paul Reichler là “Quý ông Tòa án thế giới” (Mr. World Court) nhờ thành tích xuất sắc trên trường quốc tế. |
Theo lời kể của Joseph Eldridge - một mục sư tại Đại học American, khi Reichler đến Washington D.C vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Jimmy Carter, ông trở nên nổi bật trong nhóm những người phản đối cuộc chiến Mỹ - Nicaragua.
“Ngay từ ban đầu, Reichler đã không giống như những người khác trong nhóm”, ông Eldridge nói. “Ông đã quyết định từ bỏ một công việc tốt ở Washington D.C để bảo vệ một chính quyền vốn được xem là kẻ thù không đội trời chung của Mỹ, đồng thời đứng về phe nhà lãnh đạo Nicaragua bị phương Tây căm ghét là Daniel Ortega”.
Trong vụ kiện Nicaragua - Mỹ, chàng trai trẻ Reichler biết rằng anh cần thêm hỗ trợ từ những người khác có kinh nghiệm. Reichler đã nhờ đến Abram Chayes - cựu cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ và là giáo sư luật tại Đại học Harvard. Ông Chayes đã đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, trình bày cho 15 thẩm phán tại The Hague biết đến những thiệt hại khủng khiếp mà Nicaragua phải gánh chịu khi bị Mỹ đặt mìn ở những cảng biển. Cuối cùng, tất cả 15 thẩm phán đều ủng hộ cho Nicaragua và ICJ đã yêu cầu Mỹ dừng ngay hoạt động nói trên.
Đứng về phe yếu thế
Vì Reichler là người đứng đầu cũng như linh hồn của nhóm luật sư đại diện cho Nicaragua, công đầu trong chiến thắng vụ kiện Mỹ thuộc về ông. Từ đó, Reichler trở thành một luật sư nổi tiếng trong các vấn đề như nhân quyền, chủ quyền quốc gia, thiệt hại môi trường xuyên biên giới… và ông thường đứng về phe yếu thế.
Khi một tổ chức nhân quyền của Mỹ đề nghị Reichler đại diện cho Ibrahim al-Qosi - một tù nhân tại trại Guantanamo, ông đã chấp nhận lời đề nghị đó mà không một chút do dự. Trong nhiều chuyến đi đến trại Guantanamo, Reichler đã đàm phán với phái đoàn quân sự Mỹ để giảm án cho al-Qosi. Cuối cùng, phạm nhân này được đưa trả về Sudan vào năm 2012.
Reichler chia sẻ, việc ông bảo vệ cho al-Qosi không có nghĩa là ông đứng về phe những kẻ khủng bố. Theo ông, “điều kiện sống trong trại Guantanamo rất kinh khủng và đi ngược lại các giá trị cơ bản của Mỹ”. Reichler nói: “Tôi tin vào trách nhiệm đấu tranh bảo vệ những giá trị đó thông qua việc đại diện cho al-Qosi”.
Cách đây chưa lâu, ông Reichler cũng đã giành chiến thắng về cho Uruguay trong vụ kiện về luật kiểm soát thuốc lá giữa chính phủ nước này và tập đoàn Mỹ Philip Morris International.
Đặc biệt, ở các vụ kiện trong khuôn khổ UNCLOS, ông Reichler từng đại diện cho nhiều quốc gia nhỏ thắng kiện các quốc gia lớn như vụ Mauritius - Anh, Bangladesh - Ấn Độ. Hiện nay, Reichler đang tham gia tranh tụng tại tòa cho Somalia trong vụ kiện với Kenya.
Đối với vụ kiện Biển Đông, khi đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc đối với tranh chấp giữa hai bên không mang lại kết quả, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario - cũng là một luật sư - đã quyết định nhờ đến trọng tài quốc tế.
Ông Rosario cho biết đã xem xét các luật sư giỏi nhất trên toàn thế giới để chọn ra người có thể bẻ gãy các lập luận của phía Trung Quốc. Cuối cùng, Ngoại trưởng Rosario đã đề xuất ông Reichler cho Tổng thống Philippines khi đó là Benigno Aquino III.
Vụ kiện đã khép lại. Trung Quốc tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài hôm 12/7, trong khi luật quốc tế không có biện pháp bắt buộc các quốc gia phải thi hành phán quyết của Tòa. Dù vậy, dư luận vẫn mong đợi rằng, giống như vụ kiện Nicaragua - Mỹ năm 1980, quyết định của Tòa cuối cùng cũng sẽ góp phần dẫn đến sự giải quyết ổn thỏa và hòa bình giữa các bên.
(*) David [khoảng từ năm 1040 TCN - 970 TCN] là vị vua thứ hai của Vương quốc Israel thống nhất. Theo Kinh thánh, David là người anh hùng đã đánh bại gã khổng lồ Goliath, đem lại thắng lợi cho Israel trước đội quân Philistines.