“Miếng mồi ngon”
Tăng trưởng kinh tế của châu Phi trong những năm qua đã đạt được tốc độ chưa từng thấy, vượt tốc độ trung bình toàn thế giới khoảng 5,7% năm 2008 và 6% năm 2007. Năm 2009, kinh tế ở nhiều nước châu Phi, đặc biệt khu vực Bắc và Đông Phi, vẫn tăng trưởng khả quan, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của thế giới, ước khoảng 2,6%.
Không phải tất cả các quốc gia châu Phi đều nghèo đói, một số nước có GDP bình quân đầu người còn cao hơn so cả Trung Quốc (TQ) và nhiều nước ở các châu lục khác. Thậm chí, nền kinh tế lớn nhất lục địa đen - Nam Phi, có hạ tầng cơ sở, giao thông, du lịch, hệ thống tài chính ngân hàng phát triển có thể sánh với nhiều nước lớn ở châu Âu và Mỹ. Nam Phi còn đứng đầu thế giới về khai thác vàng, kim cương, kim loại quý... Hay Tunisia có nguồn tài nguyên thiên nhiên ước tính có trữ lượng 1,7 tỷ thùng dầu lửa, khoảng 77,8 tỷ m3 khí đốt… Hoặc là Senegal cửa ngõ dẫn đến 15 nước Tây Phi với một nền kinh tế lành mạnh, nguồn nhân lực dồi dào, dịch vụ ngân hàng, Internet và điện thoại cũng như một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh.
Các hiệp định ưu đãi về thương mại, phát triển và hợp tác giữa các nước châu Phi với các thị trường lớn như EU, Mỹ… cũng là các cơ hội “nhìn thấy” để được hưởng miễn giảm thuế quan, không hạn ngạch, hoặc lưu thông hàng hóa tự do…
Thực tế, rất nhiều công ty và cả chính phủ các nước Âu, Á, Mỹ để ý và không tiếc tiền với các cơ hội ở lục địa giàu tài nguyên này. Theo Financial Times, trong năm 2008, châu Phi là khu vực có tốc độ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhanh nhất thế giới, hơn 72 tỷ USD cho năm 2008. Đây vốn là khu vực truyền thống của phương Tây, TQ đến chậm hơn nhưng lại tiến nhanh và xa hơn. TQ đã giành ngôi quán quân sau khi đầu tư ồ ạt vào 49 quốc gia châu Phi, còn Pháp, Anh... lại liên tục mất điểm.
Châu Âu đã cho thấy rõ sự thất thế, mà điển hình là Pháp. Không rõ vì lý do gì, do sự chủ động thay đổi chính sách kinh tế không còn coi trọng châu Phi nữa, hay phải chịu thua trước sách lược của TQ. Pháp đã phải giảm sự hiện diện thường xuyên của họ tại 7 nước quan trọng nhất như Senegal, Trung Phi, Sudan. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Pháp đã chậm điều chỉnh chính sách đối với châu Phi và sự thay đổi của châu Phi hiện đang chứng minh điều này. Và tất nhiên, TQ, Mỹ, Ấn Độ, thậm chí cả Brazil đã không bỏ lỡ cơ hội lấp chỗ trống mà Pháp để lại.
Trong khi đó, theo African Business, với chính sách “đầu tư lớn, giải ngân nhanh và không kèm theo bất cứ điều kiện nào” chỉ riêng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp TQ đã giành được các hợp đồng với tổng trị giá 30 tỷ USD và theo đó, khoảng 800 doanh nghiệp cùng với 400.000 lao động TQ sẽ có mặt tại châu lục này. Hiện TQ đã đổ bộ khoảng từ 800.000 đến 1,2 triệu người và vẫn không ngừng gia tăng trong thời gian tới. Ưu đãi nhập khẩu, ưu đãi thuế quan với châu Phi cũng là những động lực lớn khiến thương mại song phương Trung - Phi đạt kỷ lục 106,8 tỷ USD vào năm 2009 và tốc độ tăng trưởng 32%/năm.
Lợi thì có lợi nhưng...
Tất nhiên, đầu tư thì đôi bên sẽ cùng có lợi. Tuy nhiên theo Emira Woods, một công dân Liberia, đồng chủ nhiệm Tiêu điểm Chính sách Ngoại giao - một ấn bản của Viện Nghiên cứu chính sách (Washington) thì không phải FDI là cách để giải quyết tất cả các vấn đề ở châu Phi. Những lợi ích từ đầu tư không phải lúc nào cũng đến được với người dân địa phương. Một số lượng đáng kể người dân vẫn bị mắc trong đói nghèo ở Nigeria hay Angola, hai nước nhận được nhiều đầu tư nhất. Bởi vì, hầu hết nguồn FDI ở những nước đó rót vào những ngành hấp dẫn như dầu mỏ, khí đốt hay kim loại hơn là vào cơ sở hạ tầng. Theo Emira Woods, “Khoáng sản và hàng hóa được chất lên tàu hay máy bay và được điều ra ngoài nước, vì thế người dân ở đó thực sự không được lợi. Khó tìm được các ví dụ hay nơi FDI đang dẫn tới sự phát triển cụ thể thực sự”.
Và ngay cả “các chính phủ châu Phi giờ đây cũng nhận ra rằng các thỏa thuận với TQ thực chất là những món nợ có hại cho tương lai, và tình trạng giá khoáng sản giảm sút có thể làm tăng gánh nợ nần trên vai họ.” đó là bình luận của tờ New York Times. Các công ty TQ cũng đang khai thác họ y như các công ty của phương Tây không kém. Và thực chất của các khoản cho vay ưu đãi cũng nằm trong chính sách ngoại giao và nhằm tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa xuất khẩu của TQ. Vì thế, trong bối cảnh kinh tế thế giới sa sút các nước châu Phi đang dần nhận ra vai trò của các khoản viện trợ đến từ phương Tây mà họ đã từng quay lưng để kỳ vọng vào một hướng khác.
Minh Anh