TIN LIÊN QUAN | |
Italy: Biểu tình phản đối cải cách Hiến pháp | |
Cổ kính như Florence |
Trong khi ông Obama sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017, ông Renzi cam kết sẽ từ chức nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp vào ngày 4/12 tới. Kết quả bỏ phiếu “Không” sẽ khiến bất ổn chính trị trở lại nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng Euro này. Theo một nguồn tin ngoại giao, ngày 18/11 vừa qua, ông Renzi đã nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng: “Tôi không còn mong muốn ở lại nếu tôi thất bại (trong cuộc trưng cầu ý dân)”.
“Cuộc nổi dậy” thứ ba
Các cuộc thăm dò dư luận dự đoán ông Renzi sẽ thất bại. Điều này sẽ được coi là “cuộc nổi dậy” chống lại giới cầm quyền chính trị thứ ba của các cử tri trong năm nay ở một quốc gia phương Tây, sau cuộc bỏ phiếu của Anh về việc rời Liên minh châu Âu (EU) và việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Hiện ngày càng có nhiều sức ép kêu gọi ông Renzi từ bỏ cam kết từ chức và thay vào đó đồng ý ở lại nhiệm sở để giải quyết hậu quả của kết quả bỏ phiếu “Không”, trong đó có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng. Trong cuộc phỏng vấn hôm 25/11, Bộ trưởng Công nghiệp Carlo Calenda nói: “Quan điểm cá nhân của tôi đó là ông Renzi nên ở lại. Cái cần được tính đến… là điều gì có lợi cho đất nước”.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: Politico) |
Ba chính khách trung tả, những người thường xuyên liên hệ với ông Renzi, tiết lộ với Reuters rằng Thủ tướng Italy sẽ giữ lời hứa và ngay lập tức từ chức nếu thua cuộc, bởi ông Renzi lo ngại rằng nếu không làm vậy, hình ảnh chính trị của ông sẽ bị hủy hoại.
Tổng thống Italy Sergio Mattarella có thể kêu gọi tinh thần trách nhiệm của ông Renzi và đề nghị ông tìm kiếm sự ủy thác mới từ Quốc hội. Tuy nhiên, sự phản ứng của ông Renzi có thể phụ thuộc vào mức độ thua cuộc. Một cố vấn cho rằng vị Thủ tướng 41 tuổi này có thể hoàn toàn rời bỏ chính trường nếu ông chịu sự thất bại nặng nề vào Chủ nhật tới. Quan chức giấu tên này nói: “Ông ta là người trẻ tuổi và có phần nóng nảy. Nếu kết quả cực kỳ tồi tệ, ông ta có thể sẽ quyết định rời bỏ chính trường và làm công việc khác”.
Mức độ tín nhiệm của ông Renzi
Cuộc trưng cầu ý dân sắp tới tại Italy là về đề xuất cải cách Hiến pháp để củng cố quyền lực cho Hạ viện và giảm bớt quyền của Thượng viện. Chính quyền địa phương sẽ mất đi một số quyền quyết định trong khi quyền lực của chính phủ trung ương được củng cố. Ông Renzi nói rằng kế hoạch này là rất cần thiết để giúp Italy tiến hành các cải cách để khôi phục nền kinh tế suy tàn. Dù vậy, những người phản đối cho rằng kế hoạch này sẽ làm suy giảm các biện pháp kiểm soát và đối trọng dân chủ.
Nền kinh tế Italy đang gặp nhiều khó khăn. (Nguồn: Financial Times) |
Theo luật, các kết quả thăm dò dư luận không được phép công bố trong hai tuần cuối của chiến dịch vận động, nhưng 40 điều tra được công bố trước thời hạn 18/11 cho thấy phe bỏ phiếu “Không” đang dẫn trước 11 điểm %. Ngày 25/11, một nguồn tin trong đảng Dân chủ (PD) của ông Renzi cho biết các điều tra kín cho thấy khoảng cách này đã thu hẹp còn 5 điểm % và 1/4 cử tri vẫn chưa quyết định, điều đồng nghĩa một chiến thắng vẫn có thể xảy ra. Ban đầu, kế hoạch này đã được 70% người dân Italy ủng hộ, nhưng khi Thủ tướng Renzi hồi cuối năm 2015 nói rằng ông sẽ từ chức nếu thất bại, các đảng đối lập đã biến cuộc trưng cầu ý dân thành cuộc bỏ phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm về 2 năm rưỡi cầm quyền của ông.
Ông Renzi thừa nhận việc cá nhân hóa cuộc bỏ phiếu này là một sai lầm và đến tháng 8/2016, ông đã thay đổi chiến thuật: từ chối thảo luận về tương lai của ông trong khi tiếp tục chiến dịch vận động. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận cho thấy không hề có dấu hiệu lòng tin được khôi phục, Thủ tướng Italy phải đặt cược với lời đe dọa từ chức ban đầu của mình.
Tương lai khó khăn
Nếu ông Renzi từ chức, hiện chưa rõ rằng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Câu trả lời trước mắt là Italy sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, ông Renzi đã quá tự tin vào chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân đến mức đưa ra luật bầu cử mới chỉ áp dụng cho Hạ viện, bởi ông tin rằng Thượng viện sẽ không còn tiếng nói. Để tránh việc sử dụng hai hệ thống bầu cử khác nhau cho hai viện, Quốc hội sẽ phải đưa ra luật bầu cử mới và tiến trình này có thể kéo dài gần hết năm 2017.
Một phiên họp của Hạ viện Italy. (Nguồn: Haaretz) |
Tổng thống Sergio Mattarella, người nắm quyền lực tối cao trong chính trường Italy, có thể yêu cầu ông Renzi giám sát việc cải cách này với vai trò người đứng đầu cái gọi là “chính phủ đặc biệt”. Tuy nhiên, các đồng minh của Thủ tướng nói rằng ông Renzi sẽ không bao giờ chấp nhận quyền lực hạn chế như vậy.
Một số quan chức chính phủ cho biết nếu ông Renzi không sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo bù nhìn, Bộ trưởng Kinh tế Pier Carlo Padoan hay Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso có khả năng sẽ là các ứng cử viên hàng đầu đảm nhận vị trí đó. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Padoan hay ông Grasso sẽ không thể nắm quyền nếu không có sự chấp thuận của ông Renzi, bởi chính phủ này sẽ cần sự ủng hộ của đảng PD để tồn tại. Các đồng minh của ông Renzi lo sợ ông sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính phủ đó dù ông không phải là Thủ tướng nữa.
Nghị sĩ Matteo Richetti của đảng PD nói: “Tất cả những ai bỏ phiếu ‘Không’ nên ủng hộ một chính phủ có nhiệm vụ chuẩn bị cho các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra. Họ sẽ tạo ra mớ hỗn độn và trông chờ chúng ta dọn dẹp”.
Tình thương kết nối nhân dân Italy và Việt Nam Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Italy, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Italy, người Italy luôn có ... |
Việt Nam - Italy: Quyết tâm thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả Đó là điều được các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước nhắc lại nhiều lần và cùng nhất trí cao trong chuyến thăm ... |
Italy: Chia rẽ trước thềm cuộc trưng cầu dân ý "bước ngoặt" Chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp tại Italy nhưng chính trường quốc gia ... |