📞

Chuyên gia Đại học Harvard nói gì về "Hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều" tại Hà Nội?

17:10 | 05/03/2019
TS. Nguyễn Việt Phương, Trung tâm Khoa học và Quan hệ quốc tế Belfer, Đại học Harvard (Mỹ) bình luận về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội.

Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc, TS. Nguyễn Việt Phương có bình luận dành riêng cho Báo Thế giới & Việt Nam, xin giới thiệu cùng độc giả.

Không ai nhường ai

Cuộc đàm phán được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc sớm hơn dự định song không đạt được bất cứ quyết định cụ thể nào. 

Trong bối cảnh Bình Nhưỡng đòi hỏi Washington phải dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận trước khi quá trình phi hạt nhân hóa kết thúc, ông Trump đã tuyên bố không muốn kí kết bất cứ thỏa thuận nào với Nhà Lãnh đạoTriều Tiên Kim Jong-un.

TS. Nguyễn Việt Phương, Trung tâm Khoa học và Quan hệ quốc tế Belfer, Đại học Harvard (Mỹ). (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, phía Triều Tiên cho biết, thực ra nước này không yêu cầu “dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận” mà chỉ muốn tập trung vào các lệnh cấm vận chính của Liên hợp quốc để đổi lại việc Triều Tiên hợp tác trong phá huỷ tên lửa đạn đạo và cơ sở hạt nhân.

Bất kể lỗi là do bên nào, rõ ràng việc không có một Tuyên bố chung nào được đưa ra, hay một thỏa thuận nào được ký kết cho thấy, cuộc đàm phán đã chưa đạt được kỳ vọng như mong đợi, không chỉ của hai bên Mỹ, Triều Tiên, của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người đã nỗ lực hết mình để Washington và Bình Nhưỡng có thể ngồi lại đàm phán, mà còn của cả những người quan tâm tới tiến trình hoà bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Khởi đầu nền tảng cho hoà bình

Tuy không diễn ra như mong đợi, nhưng sau hai ngày đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở nhất định để hy vọng vào tương lai tươi sáng cho tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. 

Trước hết, tuy không thể đưa ra được Tuyên bố chung, nhưng những cử chỉ và tuyên bố của vị Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã cho công chúng thấy sự tôn trọng và thiện chí hòa giải ở mức độ nhất định mà hai nhà lãnh đạo này dành cho nhau. Từ nụ cười ở thời điểm chia tay tại khách sạn Metropole, cho đến những thông điệp tích cực mà ông chủ Toà Bạch ốc dành cho Nhà lãnh đạo của Triều Tiên trong buổi họp báo cuối cùng trước khi rời Việt Nam, người ta hoàn toàn có thể hy vọng, hai nhân vật chính trị quan trọng này vẫn có thể ngồi lại để đàm phán song phương trong tương lai.

Thứ hai, dù hai bên không ký được thỏa thuận chính thức nào, theo phần trả lời họp báo của Tổng thống Donald Trump, ít nhất hai bên đã xích lại gần nhau hơn trong việc đưa ra một danh sách các địa điểm và cơ sở cần phải phá hủy và dỡ bỏ trong khuôn khổ quá trình phi hạt nhân hóa. 

Ngoài ra, Washington và Bình Nhưỡng đã thống nhất về việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục ngừng thử tên lửa và hạt nhân, và đổi lại, Mỹ sẽ không áp đặt thêm những lệnh cấm vận mới lên Triều Tiên. Đây là những điểm tích cực và hoàn toàn có thể đóng vai trò nền tảng cho những đàm phán mang tính thực chất hơn về tiến trình phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong bữa ăn tối với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội, ngày 27/2. Trong cuộc họp thượng đỉnh mở rộng vào sáng 28/2, hai nhà lãnh đạo đã không tìm được tiếng nói chung, kết thúc cuộc họp sớm hơn dự kiến và không có ký kết thỏa thuận như dự kiến. (Nguồn: AP)

Về phía Việt Nam, dù Hà Nội chưa thể trở thành cái tên cho một thỏa thuận hòa bình mang tính đột phá giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực tổ chức một sự kiện quan trọng ở tầm quốc tế, với những đòi hỏi nghiêm ngặt về an ninh và hậu cần trong chỉ chưa đầy 2 tuần. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm ngắn ngủi của mình đến Việt Nam hay các quan chức Triều Tiên đều tỏ ý hài lòng khi Hội nghị thượng đỉnh lần 2 và các sự kiện liên quan đã được tổ chức hết sức chu đáo cũng như sự hiếu khách, thân thiết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. 

Việt Nam cần tiếp tục phát huy ấn tượng tốt đẹp có được từ sự kiện này, qua đó tạo tiền đề cho việc tổ chức các cuộc gặp quốc tế có tầm quan trọng khác. Ngoài ra, Việt Nam có thể giúp Mỹ và Triều Tiên duy trì quá trình đàm phán phi hạt nhân hoá thông qua vai trò chủ nhà ở các cuộc họp cấp chuyên viên và họp không chính thức có liên quan tới các nội dung này.

Ứng phó với “phi truyền thống”

Đối với giới quan sát chính trị quốc tế, cần chú ý hơn tới những biến đổi khó lường trong các sự kiện quốc tế có sự tham gia của những chính trị gia có phong cách tương đối “phi truyền thống” như ông Trump hay ông Kim. 

Trước khi Hội nghị diễn ra, hiếm có dự báo nào nêu được tình huống kết thúc mà không có bất kỳ một Tuyên bố chung hay kết quả cụ thể nào. Rất có thể tình huống này diễn ra là do hai bên không hiểu nhau trong quá trình đàm phán. 

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Tổng thống Mỹ nói rằng, hai bên vẫn chưa hoàn toàn gặp nhau về vấn đề phi hạt nhân hóa, tuy nhiên, đã gần hơn rất nhiều so với một năm trước. “Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta cũng sẽ cùng đi đến đích”, Tổng thống Trump cho biết thêm. (Nguồn: AFP)

Một khả năng khác có thể do ông Donald Trump là người chủ động đưa hội nghị đến chỗ không có kết quả cụ thể để củng cố hình ảnh “chính trị gia cứng rắn”. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh Người đứng đầu Nhà Trắng đang vấp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng trong và ngoài nước Mỹ như những tiết lộ của Michael Cohen - luật sư cũ của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ về thân chủ mình, hay cuộc đối đầu đang ở thế ngày càng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan.

Dù câu trả lời có là thế nào, thì rõ ràng là giới nghiên cứu và những người làm ngoại giao trong khi lên kế hoạch ứng phó cho các sự kiện lớn cần luôn chuẩn bị đầy đủ các kịch bản có thể xảy ra, kể cả những kịch bản không như mong đợi để luôn có được thế chủ động trong quan hệ quốc tế.

(Trung tâm Khoa học và Quan hệ quốc tế Belfer, Đại học Harvard, Mỹ)