📞

Chuyên gia: Hội nghị Cấp cao đặc biệt sẽ thảo luận về vai trò của ASEAN tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Minh Quân 06:13 | 12/05/2022
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Giáo sư Chintamani Mahapatra thuộc Đại học JNU (Ấn Độ) nhận định về một số chủ đề sẽ được thảo luận trong Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ sắp tới.
Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo ASEAN - Mỹ đã diễn ra vào tháng 10/2021 theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: AP)

Xin Giáo sư có thể đưa ra một vài nhận định về tình hình thế giới và khu vực trước thềm Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ? Theo ông, đâu sẽ là những chủ đề chính được thảo luận tại sự kiện lần này?

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều biến động chưa từng có về chiến lược, chính trị và kinh tế.

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế chính trị toàn cầu gián đoạn nghiêm trọng trong hai năm vừa qua, mang tới những khó khăn chưa từng có cho các doanh nghiệp, tập đoàn và cả người dân. Tương tự, nó cũng để lại hệ quả đáng kể tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực như du lịch, khách sạn, trao đổi giáo dục và ngoại giao.

Tất cả các nước trên thế giới đang nỗ lực để trở lại bình thường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể quá lạc quan về tương lai.

Sự kiện thứ hai khiến thế giới bất ổn, nguy hiểm hơn là xung đột quân sự Nga-Ukraine. Moscow nhấn mạnh chiến dịch quân sự quy mô của mình hướng tới giải quyết mối đe dọa mang tính sống còn từ việc Ukraine muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc NATO mở rộng về phía Đông và sáp nhập Ukraine sẽ tạo cơ hội để các lực lượng Mỹ áp sát biên giới của Nga. Điều này đi ngược lại với những cam kết trước đó của Nhà Trắng với Điện Kremlin.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã chỉ trích kịch liệt cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, gọi đây là hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như nguyên tắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Song song với giao tranh ác liệt tại nhiều vùng ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng nghìn lệnh trừng phạt nhằm cô lập, suy yếu nền kinh tế Nga.

Cộng đồng quốc tế cũng cho thấy sự khác biệt trong quan điểm về tình hình hiện nay tại Ukraine. Mỹ đã cố gắng sử dụng ảnh hưởng của mình để kêu gọi các quốc gia ủng hộ lập trường của Washington trong xung đột quân sự Nga-Ukraine.

Cùng lúc đó, tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng chứng kiến nhiều chuyển biến phức tạp. Bất chấp sự phản đối và nỗ lực tìm kiếm lập trường chung của ASEAN, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự trên các đảo đá trên Biển Đông, phớt lờ nguyên tắc về chủ quyền quốc gia. Trong khi đó, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ tự do hàng hải, phản đối các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều biến động chưa từng có về chiến lược, chính trị và kinh tế.

Đặc biệt, tại Eo biển Đài Loan, các cuộc tập trận của phía Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng thường xuyên của Mỹ cũng khiến tình hình thêm phần căng thẳng.

Cuộc “Chiến tranh Lạnh” về kinh tế do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng và được duy trì dưới thời người kế nhiệm Joe Biden cũng để lại một số bài toán khó với các nước thành viên ASEAN.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ có thể tập trung thảo luận về tình hình, ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga-Ukraine, các hành động ngày một quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như vai trò của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh về vai trò trung tâm của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mới đây nhất, trong văn bản về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Vậy hai bên có thể làm gì để củng cố hơn nữa lợi ích chung cũng như vai trò trung tâm của ASEAN? Theo Giáo sư, liệu hai bên có đưa ra các tuyên bố quan trọng trong Hội nghị tới?

Theo tôi, quyết định đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc Mỹ, dưới thời ông Joe Biden, chưa gia nhập CPTPP cho thấy Washington cần dành sự quan tâm lớn hơn cho hợp tác kinh tế tại khu vực.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng lớn trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thì CPTPP, thiếu vắng sự góp mặt của Mỹ, sẽ khó có đủ sức nặng tập thể để thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư.

Tuy nhiên, IPEF thì khác. Là sáng kiến được chính quyền ông Joe Biden đề cập tại Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ năm 2021, IPEF là cách Mỹ thể hiện cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những chi tiết về hợp tác cụ thể trong sáng kiến này vẫn chưa được tiết lộ. Khi đó, Hội nghị Cấp cao Đặc biệt sắp tới sẽ là cơ hội để các bên thảo luận sâu hơn về câu chuyện này.

Ngoài ra, trong bối cảnh sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang gặp một số khó khăn nhất định liên quan tới vấn đề minh bạch và hệ quả môi trường, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nên đưa ra một số phương án thay thế nhằm thể hiện sự tham gia tích cực hơn tại khu vực. Thay vì đối đầu với Trung Quốc, những sáng kiến này sẽ hướng tới cung cấp thêm lựa chọn mới, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong khu vực. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia tại đây, đặc biệt là các nước thành viên ASEAN.

Việt Nam có thể thúc đẩy thảo luận trong ASEAN và với Mỹ về các chuỗi cung ứng và tăng cường trao đổi thương mại sau đại dịch - Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ và thăm, làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)

Là một thành viên quan trọng của ASEAN, Việt Nam có thể làm gì để đóng góp tích cực vào hợp tác kinh tế và an ninh ASEAN-Mỹ?

Ở thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bận rộn với xung đột quân sự Nga-Ukraine, đại dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế trong nước. Song theo tôi, đóng góp tích cực, mang tính dẫn dắt của Washington trong cung cấp các chuỗi cung ứng thay thế với tính ổn định cao, tăng cường trao đổi thương mại hoàn toàn có thể ngăn chặn các hành vi đơn phương, cưỡng ép tại khu vực. Là thành viên quan trọng của ASEAN, Việt Nam có thể thúc đẩy thảo luận về vấn đề này trong Hội nghị Cấp cao Đặc biệt sắp tới tại Washington D.C.

Mỹ cũng cần hiểu rằng không thể kỳ vọng ASEAN ủng hộ lập trường của mình trong các vấn đề quốc tế ở mọi lúc, mọi nơi. Tìm kiếm tiếng nói chung trong ASEAN về tất cả các vấn đề chính trị là không hề đơn giản. Do đó, các bên cần nỗ lực để vun đắp quan hệ mang tính xây dựng giữa Mỹ và ASEAN, vượt lên trên khác biệt về chính trị trong một số vấn đề như xung đột Nga-Ukraine.

Giáo sư Chintamani Mahapatra từng đảm nhận cương vị trợ lý Phó Hiệu trưởng trường Đại học Jawaharlal Nehru (JNU). Ông từng nhận phần thưởng danh giá từ Khối Thịnh vượng chung và Quỹ Fulbright. Ông đã tham gia soạn thảo, biên tập 8 đầu sách và một số bài báo nghiên cứu về quan hệ quốc tế.

Hiện ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực Mỹ học, Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia Mỹ, An ninh quốc tế, An ninh châu Á và Toàn cầu hóa.