TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ trừng phạt Myanmar | |
Cố vấn Suu Kyi tới Mỹ để thảo luận việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt |
Khẳng định trên của ông chủ Nhà Trắng đã cho thấy những nỗ lực của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung Suu Kyi đã không uổng phí khi bắt đầu chuyến thăm Mỹ từ ngày 14/9.
Ông Obama chụp ảnh cùng bà Suu Kyi khi ông tới thăm Myanmar năm 2012. (Nguồn: Washington Post) |
Dấu ấn quan trọng
Tổng thống Barack Obama hi vọng việc đón tiếp bà Suu Kyi tại phòng Bầu dục vào ngày 14/9 sẽ là hình ảnh có tính biểu tượng về nỗ lực của Mỹ trong hàn gắn các mối quan hệ bị rạn nứt toàn cầu. Đồng thời, chuyến thăm chỉ diễn ra vài ngày sau khi ông Obama kết thúc chuyến đi cuối cùng đến châu Á trên cương vị Tổng thống sẽ là biểu tượng cho việc tái cân bằng sang châu Á của chính quyền Obama.
Sau cuộc gặp nói trên với bà Suu Kyi, ông Obama tuyên bố Mỹ đang chuẩn bị dỡ bỏ cấm vận với Myanmar sau khi nước này thay đổi theo chiều hướng dân chủ. Điều này sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Myanmar phát triển và tăng cường thương mại giữa hai nước. Tháng 11/2015, sau khi bà Suu Kyi thắng cử, Mỹ đã đưa một số công ty quốc doanh và ngân hàng của Myanmar ra khỏi danh sách đen nhằm đẩy nhanh thương mại.
Ông Obama cho biết: “Quyết định này là nhờ những tiến bộ của Myanmar trong những tháng gần đây. Tôi đã khẳng định với bà Suu Kyi rằng Mỹ đang chuẩn bị dỡ bỏ cấm vận với Myanmar trong thời gian ngắn tới đây. Đây là điều đúng đắn cần làm để người dân Myanmar thấy được những kết quả từ việc kinh doanh kiểu mới và một chính phủ mới". Tuy nhiên, Tổng thống Obama không nói cụ thể rằng lệnh cấm vận nào sẽ được dỡ bỏ.
Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố, Mỹ sẽ đưa Myanmar vào nhóm các nước đang phát triển được nhận quy chế thương mại đặc biệt, Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), cho phép Myanmar được miễn thuế xuất khẩu hơn 5.000 sản phẩm vào thị trường Mỹ. Mỹ dự định kết thúc cấm vận nhập khẩu ngọc và các loại đá quý khác nhằm tạo đà tăng trưởng kinh tế Myanmar. Mới đây, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã khẳng định, điều Mỹ có thể làm để giúp phát triển kinh tế của Myanmar là thúc đẩy thương mại giữa hai nước và giữa Myanmar với các nước khác trên toàn thế giới.
Mặc dù vậy, một quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Obama cho biết, Mỹ vẫn sẽ duy trì một số lệnh cấm vận đối với Myanmar, bao gồm cấm vận vũ khí có từ lâu "nhằm đảm bảo quân đội cũng sẽ tham gia vào quá trình chuyển đổi dân chủ".
Việc Mỹ thúc đẩy thành công quá trình thành lập và chuyển giao hòa bình chính quyền cho chính phủ dân sự do người dân bầu ra ở Myanmar luôn được giới hoạch định và nghiên cứu Mỹ coi là một trong những thành công đối ngoại của Tổng thống Obama và ứng cử viên Tổng thống Hilary Cliton. Đồng thời, việc Mỹ tích cực “sưởi ấm” và mở rộng quan hệ song phương là cách để Washington tăng cường ảnh hưởng và khẳng định vị thế của mình trong khu vực châu Á; giúp các doanh nghiệp Mỹ tận dụng thời cơ khi một trong những thị trường cuối cùng mới mở cửa với thế giới tăng trưởng nhanh nhưng còn kém phát triển như Myanmar.
Cân bằng và phát triển
Đối với bà Suu Kyi, đây là chuyến thăm phương Tây đầu tiên của bà trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao sau khi Đảng của bà giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử cuối năm 2015. Đây là hoạt động nhằm thực hiện nỗ lực mở rộng quan hệ, tìm kiếm các đối tác mới để phát triển kinh tế để người dân Myanmar thấy được những thành tựu kinh tế khi đất nước theo đuổi quá trình chuyển đổi dân chủ.
Hiện nay, Myanmar đang đẩy nhanh việc xem xét lại các quy định về đầu tư nước ngoài nhằm thu hút hơn nữa các công ty nước ngoài tới đầu tư và tạo việc làm ở Myanamar.
Nếu như trước đây, Myanmar khuyến khích các khoản đầu tư đơn phương của Trung Quốc hơn thì gần đây, Myanmar đã thay đổi chiến lược khi quyết định đình chỉ xây dựng đập thủy điện Mytisone và các dự án khai thác mỏ Letpadaung của Trung Quốc do không đem lại lợi ích cho nước này, đặc biệt về môi trường.
Bên cạnh đó, Myanmar tỏ ra thận trọng hơn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, bất chấp những lời hứa của Bắc Kinh và nỗ lực cân bằng mối quan hệ với các nước thông qua phát triển các khoản đầu tư vào nước này của các nước, đặc biệt là phương Tây.
Theo giới truyền thông Myanmar, tổng số vốn đầu tư nước ngoài của Myanmar được thông qua trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 1,8 tỷ USD trong khi tổng số vốn đầu tư nước ngoài năm 2014 - 2015 khi chính phủ trước còn cầm quyền là 8 tỷ USD.
Ông Aung Naing Oo, Thư ký Ủy ban Đầu tư Myanmar cho biết quá trình chuyển đổi chính trị sẽ khiến nền kinh tế đất nước có khởi đầu chậm chạp trong năm 2016. Tuy nhiên, Ủy ban đang chuẩn bị thông qua các khoản đầu tư và hi vọng sẽ đạt được 6 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Myanmar trong 2016 - 2017. "Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, chúng tôi hi vọng sẽ có bộ luật đầu tư mới, hấp dẫn và thực tế hơn trước cuối năm 2016 hoặc trước đầu năm 2017", ông Aung Naing Oo cho biết thêm. Theo kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia mới, Myanmar đặt mục tiêu đến 2030 sẽ thu hút 140 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trước đó, trong gần 30 năm, từ 1988 đến tháng 3/2016, Myanmar mới chỉ cấp phép đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 63,7 tỷ USD. Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia mới của Myanmar được vạch ra trên cơ sở đón đầu việc Mỹ sẽ tái lập Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) dành cho nước này vào năm 2016.
Theo phát ngôn viên Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar Zaw Htay, bà Aung San Suu Kyi đang tìm kiếm hỗ trợ của Mỹ để phát triển đất nước. Ông nói, "Kỳ vọng của người dân Myanmar hiện đang rất cao. Phát triển kinh tế sẽ là tín hiệu mạnh mẽ để Myanmar tiến lên quá trình dân chủ". Myanmar cần rất nhiều hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Cấm vận là một trong những nội dung quan trọng trong buổi gặp giữa bà Suu Kyi và ông Obama song ông cũng không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi nhanh chóng trong mạng lưới các hạn chế đang ảnh hưởng đến Myanmar hiện nay.
Bà Suu Kyi: đã đến lúc tháo dỡ hoàn toàn mọi cấm vận làm tổn thương chúng tôi về kinh tế. (Nguồn: AP) |
Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Obama, bà Suu Kyi mạnh mẽ bày tỏ: "Chúng tôi cho rằng đã đến lúc tháo dỡ hoàn toàn mọi cấm vận làm tổn thương chúng tôi về kinh tế" và kêu gọi Mỹ tới đầu tư và sinh lợi ở Myanmar. Trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry và các thành viên lãnh đạo Quốc hội, bao gồm cả Nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain, bà Aung San Suu Kyi còn nhắc tới các thách thức khác chính phủ của Myanmar hiện nay đang gặp phải.
Giới nghiên cứu Myanmar cho rằng, hiện nay là thời điểm để Myanmar cần tích cực tăng cường quan hệ với Mỹ và phương Tây. Bởi đây là những đối tác có thể giúp Myanmar nhiều nhất trong ngắn và dài hạn để phát triển kinh tế, y tế, giáo dục... những lĩnh vực Myanmar đang rất cần hỗ trợ.
Cố vấn Nhà nước Myanmar gặp đại diện các nhóm sắc tộc vũ trang Ngày 17/7, Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã có cuộc gặp mang tính lịch sử với đại diện các nhóm ... |
Bà Aung San Suu Kyi được bổ nhiệm làm Chủ tịch NRPC Ngày 11/7, Chính phủ Myanmar đã thành lập Trung tâm Hòa bình và Hòa giải Quốc gia (NRPC), với 11 thành viên và đứng đầu ... |
Myanmar mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư Từ ngày 25 – 26/5/2016, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã có chuyến thăm làm việc tại Myanmar nhằm thúc đẩy quan hệ ... |