Trong thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt việc Trung Quốc gia tăng các hành động đơn phương đã gây quan ngại cho các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, làm rõ vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đá càng có ý nghĩa hơn bởi khu vực Biển Đông không chỉ tồn tại các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn có sự giải thích khác nhau về quy chế pháp lý của đảo, đá.
Cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh nhiều yếu tố khác, chính sự không rõ ràng về quy chế pháp lý của đảo, đá và các thực thể khác ở Biển Đông trong nhiều năm qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình tranh chấp ngày càng phức tạp.
Thu hẹp tranh chấp
Các học giả Việt Nam và quốc tế đều có chung nhận định rằng, việc Tòa Trọng tài - được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 – ngày 12/7 ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc là sự kiện mang tính lịch sử. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên một thiết chế pháp lý quốc tế ra phán quyết chỉ rõ những điều kiện mà một cấu trúc địa lý phải đáp ứng để được thừa nhận là đảo, qua đó xác định cấu trúc đó có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa hay không.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Bên cạnh đó, phán quyết của Tòa đã góp phần làm rõ cơ sở pháp lý yêu sách cũng như các hoạt động trên biển của các bên tranh chấp. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng rằng, phán quyết này sẽ giúp giải quyết các tranh chấp còn tồn tại cũng như mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác ở Biển Đông.
TS. Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng: “Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7 đã làm sáng tỏ một dạng tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS, qua đó góp phần thu hẹp các tranh chấp vốn rất phức tạp ở Biển Đông”. Cùng với đó, TS. Trục nhận định phán quyết cũng có tác động tích cực nhằm tháo gỡ nút thắt mà các nước ASEAN và Trung Quốc gặp phải trong quá trình đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Ngày 17/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Nha Trang phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”. |
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Quý Bính – nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế (Bộ Ngoại giao) và hiện là thành viên Tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) - nhận định phán quyết của Tòa Trọng tài là một bước ngoặt đối với tranh chấp Biển Đông, làm rõ giá trị pháp lý của “đường chín đoạn”, của việc cải tạo các thực thể ở Trường Sa và những tác động của hành động này đối với môi trường và các loài sinh vật biển, quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá… “Phán quyết có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình Biển Đông. Thực tế này đòi hỏi các bên liên quan phải nghiên cứu kỹ nội dung của phán quyết và cân nhắc những bước đi của mình”, ông Bính nói.
Cục diện mới ở Biển Đông
Nhiều nước quan tâm đến tự do hàng hải ở Biển Đông bởi đây là một trong những tuyến giao thông đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, với khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa thương mại được vận chuyển qua lại mỗi năm. Vì vậy, việc đảm bảo tự do hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông không chỉ có ý nghĩa đối với các quốc gia trong khu vực mà còn đối với cộng đồng quốc tế nói chung.
Ở khu vực, ASEAN đang trở nên thống nhất và có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn đối với vấn đề Biển Đông. Sự đồng thuận của ASEAN có thể thấy qua những thông cáo chung tại các hội nghị gần đây, như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM) lần thứ 49 tại Lào.
Đầu tháng tới, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Vientiane (Lào) để kỷ niệm 25 năm quan hệ giữa hai bên. Nhân dịp đặc biệt này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết “nâng tầm mối quan hệ song phương và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”. Giáo sư Kavi Chongkittavorn (Đại học Chulalongkorn - Thái Lan) bình luận: “Nếu đây là con đường Trung Quốc và ASEAN lựa chọn, hai bên cần có ý chí chính trị mạnh mẽ và kiên nhẫn để vượt qua những khác biệt”.
Các học giả trao đổi trong giờ nghỉ. |
Là một cường quốc hàng đầu thế giới và có lợi ích ở Biển Đông, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở vùng biển này. Trong thời gian qua, Mỹ đã tăng cường triển khai một số sáng kiến của mình tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hội thảo năm nay - được tổ chức nhân dịp Toà Trọng tài vừa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, quy tụ khoảng 100 học giả trong nước và quốc tế, trong đó có các chuyên gia có kiến thức sâu rộng về luật quốc tế và đặc biệt quan tâm đến tình hình Biển Đông như GS. Erik Franckx, GS. Koichi Sato, GS. Ngô Vĩnh Long, Đại sứ Nguyễn Quý Bính, TS. Trần Công Trục… |
Tuy nhiên, tính đa dạng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy việc đảm bảo an ninh khu vực đòi hỏi một kết cấu mạng lưới chặt chẽ chứ không chỉ đơn thuần là hệ thống liên minh song phương truyền thống của Washington. Vì vậy, ông Harry Krejsa thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) đưa ra nhận định: “Chính sách của Mỹ nên thay đổi nhằm tránh tạo áp lực cho các nước trong khu vực phải ngả về phe nào. Mỹ nên thiết lập một mạng lưới nhằm kết nối các quốc gia dựa trên những lợi ích chung”.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục triển khai các dự án dầu khí trong EEZ của Việt Nam, cũng như tiếp tục tìm kiếm các khu vực tiềm năng mới. Bên cạnh đó, với chiến lược Hướng Đông của mình, New Delhi sẽ củng cố các quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh với Việt Nam nói riêng, với ASEAN nói chung. “Ấn Độ được đánh giá là nhân tố mang lại cân bằng chiến lược ở Biển Đông”, ông Brig Vinod Anand (Tổ chức Nghiên cứu Vivekananda - Ấn Độ) bình luận.
Tăng cường hợp tác trong ASEAN
Bên cạnh những cơ hội mà phán quyết của Tòa Trọng tài mang lại, có một thực tế rằng trong luật quốc tế, không có một lực lượng nào giúp thi hành phán quyết này. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố không chấp nhận và không tuân thủ phán quyết. Tuy nhiên, nói như Giáo sư Erik Franckx (Đại học Tự do Brussels - Bỉ): “Ngay cả các cường quốc cũng không thể đi ngược lại phán quyết của Tòa Trọng tài. Với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”.
“Chúng tôi hy vọng qua hội thảo này, mạng lưới hợp tác giữa các học giả Việt Nam và quốc tế ngày càng mở rộng, phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó giúp đề xuất các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông”, PGS.TS. Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Đại học Nha Trang và là đồng Trưởng Ban Tổ chức hội thảo. |
Cùng chung quan điểm với giáo sư Franckx rằng không có cơ chế thi hành phán quyết của Tòa, bà Amy Searight – nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ - nhận định “các bên cần kiên trì và thống nhất quan điểm để cùng giải quyết tranh chấp một cách trách nhiệm và đạo đức”. Đây có thể sẽ là một quá trình lâu dài nhưng ít nhất phán quyết của Tòa Trọng tài vừa qua đã tạo một tiền lệ tốt về giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Trên tinh thần đó, nhiều chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chính sách giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật quốc tế. Bên cạnh việc đàm phán giải quyết các vấn đề có tính chất song phương với Trung Quốc, Việt Nam cần phối hợp với ASEAN và tham gia vào các sáng kiến tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chia sẻ quan điểm Việt Nam nên tiếp tục gắn bó chặt chẽ với ASEAN, ông Chongkittavorn cho rằng: “Việt Nam là một thành viên quan trọng của ASEAN, đặc biệt trên lĩnh vực chính trị - an ninh… Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam -ASEAN đang phát triển tốt đẹp, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với ASEAN để có thêm những lợi thế trong đàm phán vấn đề Biển Đông”.
Hiện nay, quá trình đa phương hóa, quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông đang tạo ra cục diện mới với cả thuận lợi và khó khăn cho các nước liên quan trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và đàm phán giải quyết xung đột. Trong bối cảnh đó, các nước cần lựa chọn phương án có lợi nhất trong lập trường pháp lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không để tồn tại các lỗ hổng.