Đó là nhận định của chuyên gia phân tích Edouard Pflimlin, thuộc viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) trong bài viết đăng tải trên IRIS.
Tokyo "bị kích động"
Ông Donald Trump từng chỉ trích Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật vì Hiệp ước này không yêu cầu Nhật Bản có những trợ giúp Mỹ trong trường hợp nước này bị tấn công. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố: "Chúng ta có một hiệp ước với Nhật Bản đề cập rõ nếu như Nhật Bản bị tấn công, thì nước Mỹ phải sử dụng mọi lực lượng và sức mạnh của mình. Tuy nhiên, nếu như nước Mỹ bị tấn công, Nhật Bản sẽ không làm gì hết. Họ có thể ở nhà để xem qua tivi Sony".
Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", từ nhiều tháng nay, ông Donald Trump vẫn đe dọa đàm phán lại hoặc bải bỏ những thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh truyền thống của Washington. Ông đã chỉ rõ "các quốc gia đồng minh này cần phải trả tiền vì nước Mỹ đang ở một thời kỳ khác với cách đây 40 năm". Ông Trump đã tỏ ra lấy làm tiếc với những tuyên bố của cả Tổng thống Barack Obama và bà Clinton rằng những liên minh truyền thống này rất thiêng liêng. Ông Trump đã đe dọa "cần phải luôn sẵn sàng đóng sập cửa lại” và "có thể Nhật Bản buộc phải tự bảo vệ mình trước Triều Tiên".
Như vậy, nguy cơ những liên minh truyền thống tan rã và chiến lược tái cân bằng châu Á đảo chiều đã hiện hữu nếu như Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện những tuyên bố của mình trong chiến dịch tranh cử. Có thể, sau khi vị tỷ phú New York này nhậm chức, cả Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Việc đưa ra xem xét lại liên minh Mỹ - Nhật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhật Bản có thể bị kích động và buộc phải tăng cường chi tiêu quốc phòng. Nếu Nhật Bản không còn có “cái ô hạt nhân” của Mỹ, thì khi đó nước này buộc phải cố trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ của mình. Khi đó, chính vũ khí hạt nhân của Nhật Bản có thể khiến Trung Quốc lo lắng, buộc Bắc Kinh phải cố gắng tiến hành một chính sách hiếu chiến hơn. Song song với đó, Triều Tiên, mối đe dọa lớn trong khu vực, cũng sẽ phản ứng theo cách không lường trước được.
Thủ tướng Abe sẽ gặp Tổng thống đắc cử Trump vào ngày 17/11. (Nguồn: AP) |
Hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại
Ngay sau bầu cử Tổng thống Mỹ, Nhật Bản đã quyết định cử quan chức cấp cao Katsuyuki Kawai, trợ lý đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe đến Washington để thu xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã tuyên bố: "Chúng tôi đang chuẩn bị để có thể đáp ứng với bất kỳ tình huống nào. Lập trường của Nhật Bản là liên minh với Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại".
Theo thông báo, Thủ tướng Abe sẽ gặp Tổng thống đắc cử Trump vào ngày 17/11 trước khi đến Peru tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trước đó hai ông đã có cuộc điện đàm dài 20 phút ngay sau cuộc bầu cử Mỹ, trong đó ông Abe đã đề cập đến tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật cũng như chúc mừng ông Trump được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Đồng thời, ông Abe đánh giá quan hệ đồng minh hai nước là không thể lay chuyển được. Đáp lại, ông Trump bày tỏ hy vọng tăng cường mối quan hệ Mỹ-Nhật và đánh giá cao chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe.
Liệu ông Trump có thể điều chỉnh những quan điểm gây nhiều tranh cãi mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử? Có thể hy vọng, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào đội ngũ đang được xây dựng xung quanh vị Tổng thống thứ 45 này. Điều chắc chắn là ông Trump đã không tính đến lợi ích của Mỹ và Nhật Bản trong việc xem xét lại liên minh hàng nhiều thập kỷ này và gây ra nguy cơ xung đột tại khu vực Đông Á, và hậu quả sẽ tác động tới nền kinh tế và sự ổn định của chính nước Mỹ.