Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU), diễn ra tại thủ đô Bratislava (Slovakia) cuối tuần trước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó bàn về tương lai của châu lục trong giai đoạn hậu “Brexit”, bên cạnh các vấn đề khác như khủng hoảng tị nạn, tăng cường quan hệ quốc phòng hay hợp tác phát triển kinh tế...
Thành công lớn nhất của Hội nghị là các thành viên EU đã thể hiện tinh thần đoàn kết trong lúc liên minh đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo đó, trong bối cảnh nước Anh quyết định “ra đi”, đại diện 27 quốc gia còn lại của khối đã thống nhất lộ trình xây dựng lại lòng tin của người dân.
Các nhà lãnh đạo EU tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Bratislava ngày 16/9/2016. (Ảnh: telegraph) |
Dù xác định được một số định hướng chung và thể hiện tình đoàn kết song các quốc gia EU vẫn vướng nhiều bất đồng, đặc biệt trong chính sách kinh tế và quản lý người tị nạn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thẳng thừng bày tỏ sự không đồng ý về mức trần số lượng người nhập cư vào châu Âu, gọi lập trường chào đón người tị nạn của người đồng cấp Đức Angela Merkel là “sự tự hủy hoại và ngây thơ”.
Bên cạnh đó, động thái của các nước thành viên EU cũng đang cho thấy xu hướng liên kết nội khối dựa trên lợi ích riêng thay vì hướng tới những mục tiêu chung. Liên minh đang bị co kéo giữa “chủ nợ” và “con nợ”, giữa những thành viên chủ chốt và những quốc gia mới gia nhập liên minh, hay xung đột giữa chính sách thống nhất của khối và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Trước thềm Hội nghị, lãnh đạo các nước trong “Câu lạc bộ Địa Trung Hải” gồm Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus, Malta, Hy Lạp nhóm họp tại Athens nhằm hình thành liên minh chiến lược để tăng cường khả năng chi phối chương trình nghị sự EU. Ở Đông Âu, nhóm Visegrad-4 - gồm Ba Lan, Czech, Slovakia, Hungary - cũng muốn gây dựng vai trò và tiếng nói mới trong quá trình cải cách EU hậu “Brexit”.
Tương quan quyền lực và bối cảnh quan hệ quốc tế cũng đang không ủng hộ EU, khi những nguy cơ sát sườn như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các cuộc khủng hoảng không hồi kết tại Trung Đông - Bắc Phi, đang gây ra nhiều áp lực chia rẽ liên minh. Sau hơn nửa thế kỷ hợp tác chặt chẽ, niềm tin của người dân châu Âu về một “ngôi nhà chung” hòa bình và thịnh vượng đang bị xói mòn nghiêm trọng. Thậm chí nhiều ý kiến quan ngại rằng EU - mô hình liên kết khu vực thành công nhất trên thế giới - đang đứng bên bờ vực tan rã.
Những thách thức nói trên đòi hỏi các nhà lãnh đạo EU phải kiên định thực hiện hiệu quả các kế hoạch cải cách. Thế nhưng, tại Hội nghị Bratislava lần này, đại diện các nước thành viên liên minh cũng chỉ dừng lại ở việc đề ra lộ trình, và không điều gì đảm bảo rằng lộ trình này sẽ được triển khai một cách êm thấm. Giữa lời nói và hành động luôn có khoảng cách, và với tình hình khó khăn ở châu Âu hiện nay, khoảng cách đó là không hề nhỏ. Vì vậy, có thể nói Hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua chỉ là thành công bước đầu trên con đường củng cố liên minh thời kỳ hậu “Brexit”. Nhiều thách thức vẫn đang đón chờ EU ở phía trước.