Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở sau khi đặt nền móng mới cho mối quan hệ Mỹ - Cuba và đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran - thỏa thuận mà các nước phương Tây hy vọng sẽ ngăn được Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, việc Aleppo thất thủ trước lực lượng quân đội Syria hồi tháng 12/2016 đã nêu bật một thực tế mà các nhà chỉ trích vẫn đề cập tới, đó là cách tiếp cận sai lầm của chính quyền Obama đối với cuộc xung đột Syria. Ngoài ra, ông Obama cũng phải đối mặt với những cáo buộc rằng ông hầu như không nỗ lực gì để thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine.
Trao đổi với AFP, các nhà phân tích trên khắp thế giới đã đề cập đến những thành công và thất bại của ông Obama.
"Nước mạnh hơn là nước đưa ra các ý tưởng và thuyết phục các nước khác đi theo ý tưởng đó. Và ông Obama đã làm được điều này...", nhà cải cách người Iran, ông Abbas Abadi, nói. (Nguồn: AFP) |
Thỏa thuận hạt nhân với Iran
Thỏa thuận giữa Iran và Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga (nhóm P5+1) - ký kết năm 2015, được ca ngợi là mang tính lịch sử bởi phương Tây từ lâu vẫn lo sợ nước Cộng hòa Hồi giáo có thể nắm trong tay vũ khí nguyên tử.
Abbas Abadi, một nhà cải cách nổi tiếng người Iran, cho rằng thỏa thuận này - kết quả của nhiều năm đàm phán - nêu bật khả năng thuyết phục người khác của ông Obama về giá trị của những ý tưởng mà ông đưa ra. Ông Abadi nói: "Đó là những kết quả của các chính sách mà Mỹ đưa ra và được Iran hưởng ứng một cách tích cực. Nước mạnh hơn là nước đưa ra các ý tưởng và thuyết phục các nước khác đi theo ý tưởng đó. Và ông Obama đã làm được điều này".
Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến các đồng minh của Washington trong khu vực - chủ yếu là Israel và Saudi Arabia - lo ngại. Hai nước này đã hoan nghênh cam kết của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẽ hủy thỏa thuận mà ông gọi là "thảm họa" này.
Cuộc xung đột Israel - Palestine
Cũng giống như nhiều tổng thống Mỹ tiền nhiệm, ông Obama đã không thể giải quyết được cuộc xung đột vốn luôn là tâm điểm của khu vực Trung Đông này. Mối quan hệ của ông Obama với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã xấu đi rất nhiều, trong khi người dân Palestine cảm thấy họ bị bỏ rơi.
Samir Abdullah, giáo sư nghiên cứu chính trị của trường Đại học Birzeil ở Bờ Tây, nhận xét: "Ông Obama hoàn toàn không để lại di sản tích cực nào trong vấn đề xung đột Palestine-Israel kể từ ngày ông đắc cử đến khi mãn nhiệm".
Trong khi đó, Giáo sư Shmuel Sandler của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat cho rằng ông Obama "chưa bao giờ tìm cách tạo lòng tin cho người Israel. Ông ấy coi các khu định cư của người Israel là vấn đề chính để phát động các cuộc hòa đàm, nhưng - theo quan điểm của người Israel - ông ấy lại không lên án mạnh mẽ các hành động khủng bố của người Palestine".
Thỏa thuận mới với Cuba
Năm 2016, ông Obama đã chấm dứt nhiều thập kỷ thù địch giữa Mỹ và quốc đảo Caribe, nơi chỉ cách Mỹ khoảng 90 dặm (145 km).
Michael Shifter, Chủ tịch Đối thoại Liên Mỹ - một Trung tâm nghiên cứu và chính sách ở Washington - nói: "Việc khôi phục quan hệ với Cuba được coi là di sản của ông Obama ở Mỹ Latin. Với hành động táo bạo đó, ông đã xóa bỏ một trong những 'cái gai' gây nhức nhối cho mối quan hệ Mỹ-Mỹ Latin kéo dài nhiều thập kỷ qua. Chính sự thay đổi chính sách đó (chính sách của Mỹ đối với Cuba) đã khiến khu vực cũng như chính trường thế giới có cái nhìn thiện cảm hơn đối với Tổng thống Obama".
Vấn đề Syria và "ranh giới đỏ"
Nhiều nhà phân tích coi cuộc xung đột ở Syria là một "vết nhơ" trong chính sách đối ngoại của ông Obama. Khi lực lượng chính phủ Syria bị buộc tội sử dụng vũ khí hóa học, ông Obama đã không thực hiện đến cùng lời đe dọa của mình rằng Mỹ sẽ hành động chống lại Tổng thống Bashar al-Assad vì ông ta đã vượt qua "ranh giới đỏ" này. Chính thái độ đó của ông Obama đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp vào Syria và đẩy cuộc chiến theo hướng có lợi cho Tổng thống Assad.
Noah Bonsey, nhà phân tích kỳ cựu của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Obama đối với vấn đề Syria là dựa trên một tính toán sai lầm ban đầu. Ông nói: "Chính quyền Obama quyết định hỗ trợ cuộc nổi dậy của dân chúng nhưng lại không có một con đường phi quân sự rõ ràng để dẫn tới thành công". Tuy nhiên, nhà phân tích này cho biết quân đội Mỹ vẫn can dự sâu vào "cuộc chiến đa phương diện" chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo", tổ chức đã gây hỗn loạn ở Syria.
Chính sách "xoay trục" sang châu Á
Ông Obama đã đầu tư nguồn lực và thời gian vào châu Á, coi đó là ưu tiên hàng đầu về ngoại giao và kinh tế của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo nhận định của Jia Qingguo, giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), ban đầu, rất nhiều người lạc quan cho rằng ông Obama sẽ thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, song cuối cùng thì sự lạc quan đó cũng tan biến. Ông Jia nói: "Đương nhiên, việc thiếu lòng tin với nhau đã gây ảnh hưởng tương đối lớn đến quan hệ hợp tác song phương trong nhiều vấn đề. Vì vậy, mối quan hệ này không hề suôn sẻ".
Tuy nhiên, ông Obama đã thành công khi thuyết phục được Trung Quốc ủng hộ Thỏa thuận Paris 2015 chống lại sự ấm lên toàn cầu. Đây là một điều vô cùng quan trọng.
Youshinobu Yamamoto, giáo sư chính trị quốc tế của trường Đại học Niigata Prefecture (Nhật Bản) cho rằng Tổng thống Obama cũng xứng đáng được ca ngợi do những nỗ lực bền bỉ của ông để kết thúc các cuộc đàm phán khó khăn về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Dầu vậy, vị giáo sư này lưu ý rằng trong bối cảnh ông Trump đe dọa hủy hiệp định này, những nỗ lực của ông Obama "cuối cùng cũng không đơm hoa kết quả".