Nhỏ Bình thường Lớn

Khủng hoảng vùng Vịnh: Hy vọng giải quyết trong hòa bình

Theo những tài liệu mật được kênh truyền hình CNN bất ngờ công bố ngày 11/7, các nước GCC, trong đó có Qatar, đã tham gia ký kết Thỏa thuận Riyadh vào các năm 2013 và 2014.
TIN LIÊN QUAN
tin nhap 20170713101408 Ngoại trưởng Ai Cập và Nga điện đàm về khủng hoảng vùng Vịnh
tin nhap 20170713101408 Khủng hoảng vùng Vịnh làm "bốc hơi" 2 tỷ USD

Phần tài liệu viết tay đầu tiên được ký kết giữa các Quốc vương của Saudi Arabia, Qatar và Kuwait ngày 23/11/2013. Cam kết này buộc các nước GCC không can thiệp vào nội bộ của các quốc gia vùng Vịnh khác, bao gồm cả việc hỗ trợ về mặt tài chính và chính trị cho các tổ chức khủng bố như Anh em Hồi giáo (Ai Cập) và Hezbollah (Palestine) cũng như các nhóm ủng hộ lực lượng chống chính phủ ở Yemen và Saudi Arabia - được cho là có thể đe dọa đến an ninh và ổn định của các nước GCC. Cũng theo thỏa thuận này, các bên không được ủng hộ truyền thông đối lập, ám chỉ đến Đài truyền hình Al-Jazeera ở Qatar.

tin nhap 20170713101408
Lãnh đạo các nước Arab và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hội nghị thượng đỉnh Arab – Islam – Mỹ tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 21/5/2017. (Nguồn: Reuters)

Tài liệu thứ hai, được đóng dấu tối mật và ký kết ngày 16/11/2014 giữa Quốc vương của các nước Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Bahrain, Thái tử Abu Dhabi và Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đáng chú ý, bên cạnh việc yêu cầu các bên liên quan hỗ trợ sự ổn định tại Ai Cập, văn bản này đề cập cụ thể đến việc ngăn không cho Al-Jaazera trở thành công cụ của các tổ chức hay cá nhân thách thức chính quyền Cairo. Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Al-Jaazera đã đóng cửa kênh Al-Jazeera Mubashir Misr chuyên đưa tin về Ai Cập.

Việc công bố hai thỏa thuận có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh đã châm ngòi cho một cuộc đấu khẩu mới giữa Qatar và liên minh cấm vận, đồng thời buộc Mỹ phải vào cuộc.

“Hợp pháp hóa” cấm vận

Ngay sau khi các văn bản trên được tiết lộ, liên minh Arab phong tỏa Qatar đã đưa ra tuyên bố chung, tố cáo Doha “không thực hiện và vi phạm hầu hết những gì đã cam kết”. Họ cũng lý giải rằng bản yêu sách 13 điểm gửi đến Doha là lời thúc giục quốc gia này tuân thủ những ước định trong Thỏa thuận Riyadh.

Cáo buộc từ phía Saudi Arabia và các nước đồng minh Arab là có cơ sở, khi trong văn bản trên, Qatar đã cam kết không hỗ trợ về tài chính và chính trị cho các tổ chức được coi là khủng bố. Do đó, liên minh cấm vận, đặc biệt là Ai Cập, đã tỏ ra tức giận khi Doha dung túng cho tổ chức Anh em Hồi giáo và ủng hộ lực lượng Hezbollah ở Palestine. Qatar cũng bị tố cáo cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố khi từng “vung tay” chi 1 tỷ USD tiền chuộc cho 26 thành viên Hoàng gia bị bắt cóc tại Iraq.

Quan trọng hơn, các nước cấm vận cho rằng Qatar đã vi phạm “trắng trợn” thỏa thuận liên quan trực tiếp đến Al-Jazeera. Quốc Vương các nước vùng Vịnh đã không ít lần “chướng mắt” trước việc kênh truyền hình này liên tục có những chỉ trích nhắm vào các quốc gia khác của GCC, trong khi bày tỏ lập trường gần gũi với các lực lượng chống đối chính quyền ở Ai Cập và Bahrain. Liên minh cấm vận cho rằng sự tồn tại của Al-Jazeera, vốn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cũng như các chính sách đối ngoại của các quốc gia GCC, cần phải được chấm dứt.

Có thể nói, nội dung của Thỏa thuận Riyadh năm 2013 và 2014 được công bố vào thời điểm then chốt trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar là cơ hội để Saudi Arabia và các nước đồng minh “hợp pháp hóa” tiến trình cấm vận của mình, qua đó gia tăng các biện pháp trừng phạt, ép Doha phải từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập và phụ thuộc hơn vào các nước xung quanh.

Tình thế giằng co

Tuy nhiên, dù ở trong thế cờ bất lợi, Qatar cũng không nao núng, mà tích cực chiếm thế chủ động trong cuộc đấu này. Sau khi nội dung Thỏa thuận Riyadh được CNN công bố, Doha đã ngay lập tức lên tiếng cáo buộc Saudi Arabia và UAE đã vin vào thỏa thuận trên để xây dựng các yêu sách nhằm làm suy yếu Qatar, phá vỡ tinh thần trong thỏa thuận và xâm phạm chủ quyền của quốc gia này.

Đầu tiên, Qatar cho rằng nội dung các thỏa thuận trên là nhằm đảm bảo chủ quyền cho các quốc gia GCC và không liên quan đến các yêu sách được đưa ra từ phía liên minh cấm vận.

Hơn nữa, Người Phát ngôn của Chính phủ Qatar Saif Bin Ahmed Al-Thani nhận định rằng chính Saudi Arabia và các đồng minh mới là bên thất tín, khi nhiều điều trong yêu sách 13 điểm của Riyadh và đồng minh như yêu cầu hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Đài truyền hình Al-Jazeera đã trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ và chính sách đối ngoại của Qatar. Điều này đi ngược lại với tinh thần độc lập, tự chủ được các bên nhất trí trong thỏa thuận thứ nhất, cũng như những nguyên tắc cốt lõi liên quan đến chủ quyền quốc gia trong luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Qatar cũng cho rằng Saudi Arabia và UAE chưa bao giờ sử dụng các cơ chế trong Thỏa thuận Riyadh để truyền đạt những quan ngại của mình đến Qatar. Do đó, việc ngay lập tức đưa ra các biện pháp trừng phạt Doha là vô căn cứ.

Dường như cả Qatar và các nước cấm vận đều có những lập luận của riêng mình. Trong bối cảnh đó, cuộc đấu khẩu giữa Qatar và các nước cấm vận sẽ khó mang đến kết quả cụ thể cho tình hình căng thẳng hiện nay.

Bước đi tích cực của Mỹ

Trong trao đổi riêng với TG&VN, ông Nguyễn Quang Khai – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon, UAE, cho rằng với việc Mỹ - quốc gia có lợi ích liên quan lớn nhất trong khu vực vùng Vịnh tham gia vào tiến trình hòa giải, tình hình khủng hoảng ngoại giao Qatar được dự đoán sẽ có những chuyển biến mới.

Với ảnh hưởng về chính trị, kinh tế và quân sự trên khắp Trung Đông, tiếng nói của Mỹ có tác động lớn tới cục diện căng thẳng hiện nay. Cả Saudi Arabia và Qatar đều muốn tranh thủ sự ủng hộ của cường quốc này để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình. Riyadh cần sự hiện diện của Mỹ trong khu vực để hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran và kết thúc cuộc chiến ở Yemen. Trong khi đó, căn cứ không quân của Mỹ và mối quan hệ thân thiết với Washington là chỗ dựa vững chắc để Qatar duy trì những chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình.

Đối với Washington, cả Qatar và Saudi Arabia đều là những đồng minh quan trọng tại vùng Vịnh. Qatar có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong khu vực, trong khi Riyadh có mối quan hệ về kinh tế và chính trị chặt chẽ với Washington từ những năm 1940. Việc nghiêng hẳn về một phía và mất đi sự ủng hộ của một trong hai quốc gia này sẽ là thất bại chính trị nặng nề đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump và vị thế của Mỹ trong mắt cộng đồng quốc tế.

Do đó, bất chấp việc từng ngả hẳn về phía liên minh cấm vận với những tuyên bố yêu cầu Doha tuân thủ yêu sách của Riyadh và đồng minh hôm 3/7, Tổng thống Trump đã nhanh chóng thay đổi lập trường và có những động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay tại vùng Vịnh. Ngay trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước cấm vận tại Cairo ngày 6/7, ông Trump đã điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, đề nghị tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng bằng các biện pháp hòa bình.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã có chuyến công du tới các nước vùng Vịnh nhằm tìm kiếm giải pháp cho tình trạng hiện nay. Tuyên bố ngày 10/7 của ông Tillerson về việc Mỹ cùng Kuwait sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải được cho là bước đi tích cực từ phía Washington. Tuy nhiên, việc ông khen ngợi những hành động “hợp lý” của Qatar trong chuyến thăm Doha ngày 11/7 vừa qua cũng khiến liên minh các nước cấm vận đặt câu hỏi về cam kết thực sự của Mỹ trong giải quyết tranh chấp.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định, trong bối cảnh hiện nay, Washington cần thể hiện vai trò then chốt của mình trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, qua đó bảo toàn những lợi ích chiến lược và nâng cao vị thế của mình ở khu vực. Tuy nhiên, điều này sẽ khó thành hiện thực nếu như không có sự hợp tác và thỏa thuận từ phía Qatar và liên minh cấm vận.

Xét cho cùng, cuộc khủng hoảng Qatar lần này, tuy có quy mô lớn và diễn biến phức tạp hơn, nhưng về bản chất vẫn xoay quanh mâu thuẫn tồn tại từ lâu giữa các quốc gia vùng Vịnh. Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar với Saudi Arabia, UAE và Bahrain tháng 3/2014 đã chứng minh rằng những khác biệt này có thể được giải quyết trong hòa bình và nhiều người hy vọng sự tham dự của Mỹ vào quá trình hòa giải khác biệt giữa Doha và liên minh cấm vận sẽ mang đến kết quả tương tự.

tin nhap 20170713101408
Tác động của khủng hoảng vùng Vịnh tới thị trường năng lượng

Mặc dù cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện chưa thể gây ảnh hưởng đến giá năng lượng trong ngắn hạn, song theo ...

tin nhap 20170713101408
Khủng hoảng vùng Vịnh: Morocco thông báo sẽ hỗ trợ nhân đạo Qatar

Morocco cho biết, nước này sẽ hỗ trợ lương thực cho Qatar, trong một động thái để thể hiện “tình đoàn kết”.

tin nhap 20170713101408
Chủ tịch AU đề xuất làm trung gian hòa giải khủng hoảng vùng Vịnh

Ngày 11/6, Chủ tịch Liên minh Châu Phi (AU) Alpha Conde đã đề xuất làm trung gian cho cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các ...

Phạm Tuấn