📞

Mỹ-Trung Quốc sẽ tiếp tục căng thẳng dưới thời Tổng thống đắc cử Trump

16:47 | 22/11/2016
Trả lời phỏng vấn The Nikkei Asian Review ngày 22/11, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế tại Đại học Tsinghua (Bắc Kinh, Trung Quốc), ông Yan Xuetong đã nhấn mạnh như vậy.

Trong khi các nước châu Á đang lo ngại rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thay đổi chính sách của siêu cường này đối với khu vực, Washington có thế sẽ vẫn duy trì lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và quân sự, ông Yan Xuetong nói.

Ông Yan Xuetong. (Nguồn: AP)

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã khẳng định rằng Mỹ sẽ không duy trì vai trò “cảnh sát toàn cầu” nữa. Theo ông, điều đó có xảy ra hay không?

Dù Mỹ không còn muốn chịu trách nhiệm là “cảnh sát toàn cầu” nhưng chắc chắn Washington sẽ không từ bỏ đặc quyền mà nước này được hưởng khi còn được coi là “cảnh sát toàn cầu”. Chính mâu thuẫn này sẽ tạo ra sự không chắc chắn trong các mối quan hệ quốc tế, tạo ra nhiều mâu thuẫn trên toàn thế giới.

Các chính sách của ông Trump sẽ không thể khiến nền kinh tế nước Mỹ thoát khỏi sự suy giảm tương đối và cũng sẽ không thay đổi được trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh cũng như thực tế rằng khoảng cách phát triển giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị thu hẹp.

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng như thế nào tới quan hệ Trung – Mỹ, thưa ông?

Chính quyền của ông Trump không hẳn sẽ có lợi cho Bắc Kinh. Mỹ có thể sẽ tạo áp lực đối với Trung Quốc trong các vấn đề nhân quyền cũng như trong mặt trận kinh tế. Hai nước sẽ tiếp tục trạng thái xung đột và cạnh tranh liên quan tới các vấn đề quân sự. Mỹ có thể sẽ không thực hiện chính sách tái cân bằng tại châu Á như thời Tổng thống Barack Obama nhưng Washington sẽ vẫn duy trì sự quan tâm tới khu vực Đông Nam Á và các đồng minh trong khu vực.

Tổng thống đắc cử Trump phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định quốc tế mà Trung Quốc không phải là thành viên. Điều này liệu có lợi cho Trung Quốc?

Việc ông Trump phản đối TPP không có nghĩa sẽ đem lại cơ hội và lợi ích cho Trung Quốc. Thực tế là ông Trump không ủng hộ bất kỳ một thỏa thuận hợp tác khu vực nào. Rõ ràng, ông Trump cũng sẽ không quan tâm tới việc tham gia hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đang được các nước bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN đàm phán. Thậm chí, ông Trump có thể sẽ cố gắng ngăn chặn sự thành công của RCEP.

Donald Trump sẽ là Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. (Nguồn: AP)

Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản sẽ thay đổi như thế nào dưới chính quyền của ông Trump? Đây liệu có là mối quan tâm lớn của Bắc Kinh?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có lẽ sẽ phải đối mặt với một khoảng thời gian khó khăn ở phía trước, khi Mỹ yêu cầu Nhật phải chi trả nhiều hơn cho những giúp đỡ về quân sự của Washington. Nhưng điều đó vẫn sẽ không thay đổi bản chất của liên minh này bởi ông Trump chắc chắn sẽ không từ bỏ những lợi ích khi là đồng minh thân cận của Nhật Bản. Xét từ góc độ lợi ích quốc gia, Mỹ khó có thể từ bỏ vai trò như “cái ô hạt nhân” của Nhật Bản.

Tại khu vực Đông Bắc Á, các vấn đề của Triều Tiên và Đài Loan (Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế. Mỹ sẽ xử lý các vấn đề này như thế nào?

Ông Trump có vẻ như không nhiệt tình như Tổng thống tiền nhiệm Obama trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Có lẽ, ông Trump sẽ để cho Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo khu vực để đối phó với những vấn đề này. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang vướng phải bê bối chính trị, do vậy, liên minh Mỹ - Hàn sẽ ngày càng nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ.

Thật khó để đánh giá chính sách của ông Trump đối Đài Loan (Trung Quốc). Ông Trump có thể sẽ ủng hộ Đài Loan nhiều hơn so với thời của Tổng thống Obama. Nếu như Mỹ buông lỏng quan hệ với vùng lãnh thổ này, vị thế của Washington ở khu vực Đông Bắc Á sẽ bị suy giảm đáng kể.

(theo The Nikkei Asian Review)