TIN LIÊN QUAN | |
Nga - Nhật quyết tâm tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ kéo dài | |
Căng thẳng Nga - Nhật gia tăng vì quần đảo tranh chấp từ Thế chiến thứ 2 |
Ngày 22/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội ngộ lần thứ 25 với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ năm 2013 nhằm tiếp nối nỗ lực xử lý khúc mắc biển đảo đã kéo dài hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Abe trong việc xóa bỏ rào cản 70 năm giữa Nga - Nhật có khả năng không đạt kết quả, khi không có tiến triển lớn nào được công bố sau cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Putin.
Trước đó, hồi tháng 11/2018, lãnh đạo hai nước cũng đã nhất trí thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao để tạo điều kiện giải quyết tranh chấp lãnh thổ song phương. Tuy nhiên, phát biểu trước khi lên đường thăm Nga, ông Abe thừa nhận rằng các cuộc đàm phán với Nga vẫn là thách thức trong hơn 7 thập kỷ, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có cuộc đàm phán thẳng thắn với ông Putin.
Bất đồng dai dẳng
Đã 70 năm kể từ sau Thế chiến thứ II, Nga và Nhật Bản vẫn chưa đạt được hiệp ước hòa bình do những bất đồng xoay quanh vấn đề tranh chấp quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng Lãnh thổ phương Bắc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội ngộ lần thứ 25 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 22/1 tại Moscow. (Nguồn: Reuters) |
Thực tế, hai nhà lãnh đạo đều không mong muốn vấn đề này kéo dài sang các thế hệ sau. Trong khi Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực hàn gắn bất đồng suốt 24 cuộc hội đàm trước, Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga có thiện chí muốn hoàn tất quá trình đàm phán sớm, và cả hai bên đều quan tâm đến việc xử lý mối quan hệ song phương một cách đầy đủ mà không còn vướng phải bất cứ rào cản nào.
Cuộc gặp lần này của lãnh đạo Nga – Nhật được dư luận để ý đến nhiều hơn cả bởi cả Nga lẫn Nhật Bản đều công khai nhấn mạnh mục tiêu chính của sự kiện là đàm phán về hiệp ước hòa bình, một văn kiện suốt thời gian dài vẫn ở ngoài tầm với của lãnh đạo hai nước. Không có hiệp ước hoà bình này, mối quan hệ giữa hai cường quốc trên danh nghĩa chính thức chưa được bình thường hóa.
Theo nhiều nguồn tin cấp cao, phía Nhật được cho là tập trung vào việc bàn giao Shikotan và nhóm đảo Habomai trước khi chuyển sang bàn về hai hòn đảo lớn hơn. Tuy nhiên, động thái này có thể sẽ khiến tỷ lệ ủng hộ ông Abe sụt giảm nghiêm trọng bởi nhiều người Nhật Bản cho rằng như vậy chẳng khác nào từ bỏ hai đảo lớn của dân tộc.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng cho rằng ngay cả khi hai hòn đảo được bàn giao cho Nhật Bản, điều đó không nhất thiết có nghĩa là chủ quyền của chúng cũng sẽ được chuyển giao. Hơn nữa, những lo ngại của Nga về khả năng hiện diện của quân đội Mỹ trong tương lai trên các hòn đảo tiếp tục là vật cản trong các cuộc đối thoại hòa bình.
Cơ hội nhiều song lợi ích cốt lõi trái ngược
Nếu hai bên vượt qua được “lời nguyền 7 thập kỷ” sẽ là bước ngoặt vô cùng quan trọng giúp đẩy nhanh hợp tác toàn diện, khai thác triệt để tiềm năng mỗi bên trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.
Giải quyết bất đồng với Nga sẽ giúp Nhật Bản cải thiện quan hệ với một trong những đối tác cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho nước này, cũng như giúp tạo đối trọng với Trung Quốc - một quốc gia cùng khu vực đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Trong khi đó, về phía Nga, nước này sẽ kiếm thêm được một "đồng minh" khi Moscow đang phải gồng mình chống lại áp lực trừng phạt của phương Tây. Nga cũng muốn nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản trong các dự án năng lượng ở Bắc Cực cũng như một kế hoạch hợp tác song phương 8 điểm từ y tế cho tới sản xuất.
Những năm gần đây, Nga và Nhật Bản không ngừng đẩy mạnh hợp tác toàn diện, nỗ lực xây dựng lòng tin với quyết tâm loại bỏ “hòn đá tảng” đang kìm hãm quan hệ song phương phát triển trong suốt hơn 70 năm qua.
Thường xuyên duy trì đối thoại ở cấp cao nhất, thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược "2 + 2" cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng, Nga và Nhật Bản còn tích cực triển khai các dự án hợp tác kinh tế theo kế hoạch 8 điểm mà Thủ tướng Abe đưa ra hồi tháng 5/2016... Nhờ đó, hợp tác giữa Moscow và Tokyo, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng phát triển với tốc độ chưa từng thấy.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực trong hợp tác song phương vẫn chưa đủ lớn để khỏa lấp bất đồng liên quan đến tranh chấp chủ quyền, cũng là trở ngại chính khiến Nga và Nhật chưa thể ký được Hiệp ước hòa bình.
Một lần nữa, kết quả không như ý của cuộc gặp thứ 25 cho thấy Tổng thống Putin chưa có ý định nhượng lại bất cứ phần nào trong vùng lãnh thổ tranh chấp này. Trong khi ông Abe vội vã tìm cách đạt được kết quả trước khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2021, ông Putin lại có lý do để cân nhắc khi thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp tồn đọng xuất phát từ lợi ích lâu dài của nước Nga.
Nhật Bản phản đối hành động của Nga tại quần đảo tranh chấp Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 17/1 đã phản đối vụ lực lượng biên phòng Nga áp đặt hình phạt đối với 2 tàu cá ... |
Nga - Nhật: Mọi nẻo đường đều dẫn đến Kuril Lập trường không khoan nhượng của cả Nga và Nhật Bản về vấn đề quần đảo Kuril/vùng lãnh thổ phương Bắc vẫn là bài toán ... |
Nhật Bản duy trì lập trường trong tranh chấp lãnh thổ với Nga Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Tokyo vẫn duy trì lập trường "giải quyết tranh chấp lãnh thổ và sau đó ký một hiệp ... |