Vậy bối cảnh đặc biệt đó là gì?
Thứ nhất, chuyến thăm diễn ra trong năm Nga-Trung kỷ niệm 20 năm Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương “đạt đến một mức độ chưa từng thấy” như theo lời của Ngoại trưởng Lavrov.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Quế Lâm ngày 23/3. (Nguồn: Getty Images) |
Thứ hai, quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và phương Tây đang rất căng thẳng.
Chuyến thăm của ông Lavrov diễn ra chỉ ít lâu sau đối thoại Alaska giữa quan chức ngoại giao Mỹ-Trung. Cuộc đấu khẩu giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là minh chứng cho thấy căng thẳng kéo dài trong quan hệ song phương thời gian tới.
Cùng lúc đó, Mỹ và đồng minh châu Âu liên tục “ăn miếng trả miếng” với Trung Quốc bằng các phát ngôn cứng rắn và lệnh trừng phạt mới, trong khi Washington tăng cường củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác cùng chí hướng trong tại châu Á-Thái Bình Dương trong kiểm soát Trung Quốc.
Tương tự là quan hệ Nga-Mỹ. Moscow đã triệu Đại sứ tại Washington về nước tham vấn sau pha “lỡ lời” của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga tiếp tục là đối tượng trừng phạt mới nhất từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với lý do liên quan tới chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny và dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Trong bối cảnh đó, theo ông Lavrov, cuộc gặp tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc là cơ hội để Nga-Trung ngồi lại, thúc đẩy chương trình nghị sự thống nhất trên trường quốc tế trước “áp đặt đòi hỏi” của Mỹ, chấm dứt việc “cưỡng chế đơn phương”, tăng cường hợp tác đổi mới khoa học, công nghệ độc lập, nâng cao sức mạnh dân tộc.
Cộng đồng mạng Trung Quốc còn cho rằng Quế Lâm được chọn bởi cái tên này có sự tương đồng về âm tiết với từ “láng giềng đáng kính”.
Kết quả cuộc gặp giữa hai bên đã ít nhiều đáp ứng kỳ vọng, với vài điểm nhấn đặc biệt.
Thứ nhất, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Vương Nghị đều nhấn mạnh rằng Mỹ cần dừng hành vi chủ nghĩa bá quyền, can thiệp công việc nội bộ của nước khác, lôi kéo “các nhóm nhỏ” tham gia đối đầu lớn.
Đây là điều Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố, mới đây nhất là tại đối thoại Alaska. Đặc biệt, “các nhóm nhỏ” có ý ám chỉ nhóm “Ngũ nhãn”, khi trong họp báo ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã ví Mỹ và các nước “Ngũ nhãn” như liên quân 8 nước từng “xâu xé” nước này 120 năm về trước.
Cộng đồng mạng Trung Quốc còn cho rằng Quế Lâm được chọn bởi cái tên này có sự tương đồng về âm tiết với từ “láng giềng đáng kính”. |
Thứ hai, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã có phát biểu đáng chú ý khi kêu gọi Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD để làm suy yếu trừng phạt của Mỹ.
Theo ông, hai bên cần giảm tác động trừng phạt bằng cách tăng cường sự độc lập về công nghệ, giao dịch bằng tiền tệ quốc gia và quốc tế ngoài đồng USD, dịch chuyển khỏi hệ thống thanh toán quốc tế do phương Tây kiểm soát.
Xét trong bối cảnh hiện nay, điều này có thể khả thi, ít nhất là trong quan hệ Nga-Trung. Tháng 1-2/2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đạt 18,78 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng chuyến tàu hỏa theo lộ trình Trung Quốc-châu Âu qua Nga tăng gần 40%; hợp tác khoa học, kỹ thuật và đổi mới trong trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G và điện toán đám mây được tăng cường.
Khi ấy, các giao dịch thương mại song phương có thể được chuyển sang đồng tiền nội tệ thay vì USD.
Có thể thấy, việc Nga và Trung Quốc đều căng thẳng với Mỹ và phương Tây đã đẩy hai bên xích lại gần nhau, thúc đẩy hợp tác toàn diện và sâu sắc hơn. Lấy điểm đồng làm điểm cộng là vậy.