Những nỗ lực của nước Nga nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực Á – Âu gần đây tiếp tục dấy lên nhiều quan ngại cho quốc gia trong khu vực, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cường quốc Mỹ ở bờ kia đại dương. Bên cạnh đó, sự kiện đông đảo cộng đồng người Nga tại Crimea muốn "trở về" với nước Nga đang khiến Ukraine quan ngại về một kịch bản tương tự có thể xảy ra trong tương lai đối với miền Đông nước này.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ đăng tải bài nghiên cứu của chuyên gia Igor Zevelev với tiêu đề "Thế giới Nga trong chiến lược của Moscow" (The Russian World in Moscow's Strategy); trong đó lý giải vì sao Moscow lại coi việc liên kết cộng đồng người Nga ở nước ngoài - chủ yếu là vùng Đông Âu và Không gian Hậu Soviet, là một trong những công cụ hữu hiệu để nước Nga lan tỏa tầm ảnh hưởng trong khu vực đồng thời tái thiết lập vị trí cường quốc của mình.
Đối với người Nga, "Thế giới Nga" được hiểu như thế nào? (Nguồn: State of Digital) |
Hai khái niệm căn bản
Hai khái niệm “đồng bào ở nước ngoài” (Compatriots Abroad) và “thế giới Nga”(Russian World) bắt nguồn từ hai câu chuyện lịch sử riêng, tuy nhiên chúng vẫn có những điểm tương đồng nhất định. Đơn giản thì chúng phản ánh mâu thuẫn giữa biên giới thực địa của Liên bang Nga và tấm bản đồ tinh thần “bản sắc Nga” đã tồn tại trong tâm trí của người Nga suốt bấy lâu nay.
Vào năm 1992, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Ngoại trưởng Nga đầu tiên, Andrei Kozyrev đã giới thiệu khái niệm “đồng bào ở nước ngoài” trong kho từ vựng chính trị thế giới. Khái niệm này dùng để chỉ những cá nhân sống ngoài vùng lãnh thổ (Liên bang Nga) song bản thân cảm thấy có những mối liên kết về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ với quốc gia cội nguồn và họ muốn gìn giữ sợi dây liên kết này bất kể đang là công dân nước nào. Từ năm 1994, khái niệm này đã phát triển thành một chính sách cụ thể của Nga và xuất hiện trong các văn bản pháp luật, các chương trình quốc gia cũng như những quyết định chính sách đối ngoại.
Tuy đã được Thủ tướng Vladimir Putin đề cập từ trước, nhưng phải đến năm 2007 thì khái niệm “thế giới Nga” mới chính thức xuất hiện trong các cuộc thảo luận chính trị. Khái niệm này có ý nghĩa triết học khái quát và rộng mở hơn khái niệm “đồng bào”. Trong khi “đồng bào” chỉ dựa trên những định nghĩa và quy phạm pháp lý, thì “thế giới Nga” là một ý tưởng được định nghĩa hoàn toàn trên cơ sở tự nhận dạng. Vào năm 2014, hai khái niệm này đã được chính thức nhập vào kho từ vựng chính trị Nga, cho thấy tầm quan trọng của sự nghiệp hồi sinh thế giới Nga hùng mạnh trong không gian hậu Xô Viết.
Thế giới Nga vượt ra ngoài biên giới thực tế của Nga (Nguồn: eMaps World) |
Thế giới Nga và an ninh Á - Âu
Ít nhất trong vòng 300 năm trở lại đây, sự mơ hồ trong ranh giới xác định thế nào là người Nga đã trở thành yếu tố quan trọng trong lịch sử phát triển khu vực Á – Âu. Vào thời điểm này, chưa hề có một tiêu chí rõ ràng hay nhất quán về mặt lịch sử để phân biệt ai là “người Nga” và ai “không phải người Nga” trong ý thức dân tộc tập thể của quốc gia này. Sức mạnh chính trị, lịch sử, văn hóa và sắc tộc cùng với tư tưởng có phần chủ quan đã dẫn dắt đường lối suy nghĩ của đa số người Nga hiện nay; và những khái niệm về ranh giới này thay đổi liên tục theo thời gian và mở ra những cuộc tranh cãi dai dẳng. Điều này tác động trực tiếp tới sự ổn định, an ninh và hòa bình khu vực Á – Âu và những nơi có “người Nga” đi qua.
Điểm mấu chốt của những cuộc tranh cãi về vấn đề ranh giới hiện nay tại khu vực Á – Âu là sự bất ổn kéo dài trong quan hệ giữa Liên bang Nga và các nước giáp biên giới có người Nga và người Slav sinh sống. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hàng triệu người dân Liên Xô trước đây bị chia cắt với tổ quốc bởi những biên giới chính trị mới, và đa số đã phải trở thành công dân (hoặc không có quốc tịch) của những quốc gia độc lập mới mà giờ đây là quốc gia láng giềng của Nga. Đây là một thực tế “khách quan” và giới lãnh đạo Nga sẽ phải lựa chọn việc có hay không đưa vấn đề vùng lãnh thổ và dân số này vào chính sách đối nội hay đối ngoại.
Điểm đặc biệt đáng chú ý trong giai đoạn từ tháng 12/1991 đến khi thông qua Hiến pháp mới vào tháng 12/1993, Phó Tổng thống Alexander Rutskoy và Cố vấn Tổng thống Sergey Stankevich đã từng "van nài" Điện Kremlin công nhận Crimea và Transnistria như một thực thể có chủ quyền thuộc Nga dựa trên cơ sở đa số cư dân cư trú tại đây là người Nga hoặc chí ít là người nói tiếng Nga. Nhưng người đưa ra quyết định cuối cùng - Tổng thống Boris Yeltsin lại nghĩ khác. Trong những năm 1990, Nga đã không ủng hộ ý kiến đòi lại lãnh thổ của Crimea, Bắc Kazakhstan hay những vùng khác có cộng đồng người Nga sinh sống.
Cuối cùng, Tổng thống Vladimir Putin cũng có thể nhen nhóm lên hy vọng về một "Thế giới Nga" trong tâm mỗi người dân Nga. (Nguồn; Sputnik) |
Tuy nhiên, đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, thì câu hỏi họ đặt ra luôn luôn không phải là nếu, mà là khi nào, bằng cách nào và những khu vực nào (bao gồm đồng bào Nga) có thể được sáp nhập về với Nga. Trong năm 2013, chính phủ Liên bang Nga đã không hề theo đuổi mục tiêu này. Thay vào đó, Moscow đã tìm cách gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị lên những chính phủ của những quốc gia trong khu vực Á – Âu. Sự liên kết của đồng bào Nga trong hoàn cảnh này bị hạn chế, một phần do khả năng vận động chính trị của họ còn kém (trong đó Crimea là một ngoại lệ). Phải đến năm 2014, thắng lợi của Tổng thống Putin và sự "trở về" của Crimea chính là bước đệm quan trọng để Điện Kremlin đẩy mạnh chiến lược "Thế giới Nga" vốn được người dân ủng hộ này.
Sau đó, tiếp nối những thay đổi đáng kể trong diễn biến tại Ukraine, Moscow đã và đang có bước xoay trục vô cùng hiệu quả khi theo đuổi các mục tiêu triển khai dự án “Novorossiya” (nước Nga mới) với việc tuyên truyền nhiều hơn về một "Thế giới Nga" rộng lớn và đoàn kết. Điều này cho thấy bản chất trong chính sách của Nga, mối quan hệ với người Nga sống ở khu vực “cận nước ngoài” (vùng lãnh thổ nước ngoài giáp ranh) là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo hòa bình trong không gian hậu Xô Viết trong suốt phần tư thế kỷ này.
Đón đọc Người Nga, kiều bào và an ninh Á - Âu (Kỳ cuối)