Ông Nguyễn Đình Phương (giữa) phiên dịch cho cuộc gặp giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh Henry Kissinger. |
Căn phòng làm việc giản dị “ngợp” sách, những cuốn sách dày cộp vương bụi của thời gian, chiếc máy chữ chuyên gõ tiếng Anh kiểu cổ chỉ bằng kích thước chiếc điện thoại để bàn… vẫn ở đó nhưng thiếu bóng dáng ông! Nhâm nhi ly trà ấm, tôi may mắn được cùng chú Hải (con trai cả của ông Phương, cũng theo nghiệp cha) và vợ chú miên man những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của người phiên dịch ấy!
Bền bỉ, bình dị tỏa sáng
Dường như sách sử ít khi dành “đất” cho những người phiên dịch. Nhưng trong nhiều bức ảnh lịch sử, người phiên dịch đó lại đứng giữa với đôi mắt sáng long lanh sau cặp kính, vầng trán rộng và nụ cười hiền hậu! Ông Phương không chỉ là phiên dịch mà còn là người trực tiếp chứng kiến nhiều sự kiện hiếm hoi trong những trang sử ngoại giao kiệt xuất của Việt Nam: Phiên dịch chính cho những cuộc đàm phán bí mật, những cuộc gặp riêng giữa Bộ trưởng Xuân Thuỷ - Đại sứ William Harriman và sau đó là các cuộc gặp riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ - Cố vấn an ninh Henry Kissinger suốt từ năm 1968 cho đến mùa Xuân năm 1973!
Cuộc đời ông khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh một “mặt trời”, bền bỉ, bình dị tỏa sáng với nguyên tắc của riêng mình. Bền bỉ với sứ mệnh người phiên dịch và tỏa sáng cũng trong chính sứ mệnh ấy một cách khiêm nhường và thầm lặng! Một chặng đường dài của cuộc đời ông gắn bó với công tác phiên dịch, bao gồm những năm tháng công tác tại Hội nghị Paris, dù có đóng góp quan trọng vào những sự kiện lịch sử của đất nước, nhưng ông luôn coi đó là lẽ đương nhiên, là công việc phải làm và nhiệm vụ phải hoàn thành với đất nước.
Những năm tháng sau này khi đã nghỉ hưu và thậm chí trong những chặng cuối của cuộc đời, ông vẫn say sưa với công việc biên, phiên dịch và niềm đam mê đọc sách, sưu tầm sách. Đều đặn mỗi ngày từ 8h sáng đến 5h chiều, trừ những ngày ốm mệt, ông lọc cọc với cái máy chữ, viết lách và biên dịch theo những “com măng” (đề nghị) nào đó của Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, NXB Thế giới, NXB Văn hóa, NXB Kim Đồng… Những người dân quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng không thấy xa lạ với hình ảnh một ông già thong thả chống ba toong đi dạo, trò chuyện vui vẻ với mọi người, bất kể nắng mưa đi bộ lên phố sách để làm dày thêm bộ sưu tầm sách tây - ta đồ sộ. Có bao nhiêu tiền, ông mua sách hết, lương hưu hay nhuận dịch ông cũng dùng để mua sách, chủ yếu là sách văn học Anh, lịch sử Việt Nam, lịch sử và văn hóa thế giới.
Tôi nghĩ ông là một người hạnh phúc và may mắn, bởi suốt cuộc đời ông đã được sống trọn vẹn với đam mê của mình! Niềm hạnh phúc ấy chẳng thể đong đếm được, nhưng nó xuất hiện ở mỗi hành trình ông đi qua, trên nụ cười mãn nguyện trong mỗi bức ảnh ông chụp. Trong một bài viết kể về những cuộc đàm phán bí mật về Hiệp định Paris, ông cũng đã nói về sự thanh thản đến viên mãn ấy: “Giờ đây, tôi thật mãn nguyện khi hồi tưởng lại cái thời bản thân mình đã được là cầu nối ngôn ngữ giữa một bên là đại diện cho Hoa Kỳ, một cường quốc phương Tây với ưu thế vượt trội về sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học, công nghệ và một bên là đại diện cho Việt Nam, một nước phương Đông nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu nhưng có truyền thống văn hóa, lịch sử rất đáng tự hào”.
Ông Nguyễn Đình Phương phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris. |
Có lẽ không phải là “lý thuyết” cho những người làm nghề phiên dịch nhưng ông cũng đã đúc kết những điều mà hẳn là người phiên dịch nào cũng hiểu và có thể học hỏi: “Người phiên dịch phải giữ vai trò trung gian trong quá trình chuyển tải ngôn ngữ, cố không để lộ tình cảm của mình ra nét mặt hay trong giọng nói. Tuy nhiên, trong khi dịch cho anh Sáu (Lê Đức Thọ) đàm phán với Kissinger, tôi không chắc mình có làm được như vậy hay không, vì dù sao tôi cũng là người của một bên trong cuộc. Chỉ nhớ trong suốt quá trình thương lượng, tôi luôn tự hào được làm người phiên dịch cho những đại diện của Việt Nam đầy bản lĩnh và tài trí, đã khiến đối phương phải vị nể, thán phục sau các cuộc đấu lý, đấu trí tay đôi, căng thẳng, kéo dài tại cuộc đàm phán bí mật ở Paris”.
Những gì ông Phương để lại cho những người con, cháu của mình cũng phi vật chất nhưng vô giá như chính cuộc đời và lối sống của ông vậy! Một nếp sống giản dị, trách nhiệm và tận tâm như là một “luật bất thành văn” với con, cháu của ông. Trong họ vẫn luôn tự hào về người cha, người ông của mình với những đóng góp thầm lặng cho một sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Một người cháu nội của ông khi du học ở Mỹ đã ngỡ ngàng đến bật khóc khi bước chân vào phòng làm việc của một vị giáo sư lịch sử thấy ngay bức ảnh vị giáo sư chụp cùng ông nội mình đặt trang trọng trên bàn. Một cách nào đó, những đóng góp của ông cho Hội nghị Paris không phải là thầm lặng!
Ông Nguyễn Đình Phương phiên dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. |
Những cuộc đàm phán bí mật
Chúng tôi cùng ôn lại những câu chuyện ông Phương đã kể về các cuộc thương lượng bí mật tại Hội nghị Paris của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng - Trưởng đoàn Xuân Thủy (anh Sáu, anh Xuân) - những người đứng mũi chịu sào trong chiến dịch ngoại giao lịch sử ấy. Ông Phương từng kể về những cuộc đàm phán ấy bằng tất cả lòng tôn kính và nể phục những “bậc thầy” ngoại giao của Việt Nam, những người luôn giữ được thế chủ động và sáng tạo trong đàm phán.
Ông Phương từng viết rằng: Nếu như Kissinger, một giáo sư Đại học Havard, được thế giới biết đến như một môn đệ của Metternich (nhà ngoại giao người Áo, từng chủ trì Hội nghị Vienna để chia lại châu Âu) hay của Machiavel (nhà triết học, chính trị gia nổi tiếng người Italy) thì tiểu sử của Lê Đức Thọ giản dị hơn nhiều, giản dị như một câu chuyện dân gian phương Đông. Ông Sáu không được đào tạo qua bất kỳ trường học danh tiếng nào. Trường học của ông là trường học thực tiễn, là kinh nghiệm sống chắt lọc qua những năm tháng theo cách mạng từ khi tuổi vị thành niên trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, một nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính cái thần toát ra từ con người ông đã khiến đồng đội tin tưởng và đối phương kính nể.
Có một câu chuyện trong đàm phán bí mật mà ông Phương rất nhớ: Một lần, Kissinger lặng lẽ ngậm bút chì ngồi nghe ông Sáu thuyết trình còn ông Phương chăm chú lắng nghe và chuyển tải hết ý trong khi dịch. Đột nhiên, Kissinger hỏi: “Ngài Cố vấn qua Bắc Kinh và Moscow chắc có nghe các bạn của Ngài thông báo về ý kiến chúng tôi trong cuộc đàm phán này?” (ám chỉ việc Nixon sang thăm Trung Quốc và Liên Xô). Trước sự khiêu khích đó, không cần suy nghĩ, ông Sáu trả lời ngay: “Chúng tôi chiến đấu chống lại quân đội của các ông trên chiến trường và cũng chính chúng tôi đã đàm phán với các ông trên bàn hội nghị. Các bạn của chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi nhưng không làm thay chúng tôi được!” Một lần khác, khi ông Sáu phê phán đề nghị rút quân mà Kissinger đưa ra là một bước lùi so với những thỏa thuận mà hai bên đã đạt được từ trước, Kissinger nói: “Lenin nói: Một bước lùi, hai bước tiến. Tôi học tập Lenin đấy”. Ông Sáu đập lại ngay: “Chủ nghĩa Lenin phải được vận dụng linh hoạt. Còn ông thì máy móc”. Chỉ một vài câu đối đáp ngắn thôi cũng đủ thấy khả năng ứng đối trôi chảy, linh hoạt và sắc sảo của ông Sáu.
Sau khi Mỹ thất bại trong hành động dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12/1972, đàm phán được nối lại và ông Sáu cũng quay lại Paris.
Ngày 08/01/1973, trên đường đến chỗ họp tại Gif sur Yvette, ông Sáu dặn: “Hôm nay Đoàn ta không ra cửa đón Đoàn Mỹ như thông lệ. Mình sẽ phê phán Mỹ mạnh đấy, sẽ nói Mỹ ném bom đợt Noel là ngu xuẩn, cậu dịch câu ấy cho đúng tinh thần…”. Vào buổi họp, ông Sáu làm thật. Dù đã được dặn trước và đã trực tiếp chứng kiến hàng chục lần Cố vấn “cương”, nhưng chưa lần nào ông Phương thấy ông Sáu trút cơn thịnh nộ lên đối phương như buổi sáng hôm ấy! Lừa dối, ngu xuẩn, tráo trở, lật lọng… đủ cả! Kissinger chỉ biết cúi đầu nghe, không có phản ứng gì. Mãi sau ông ta mới lắp bắp nói: “Tôi có nghe thấy những tính từ… Tôi xin không dùng những tính từ đó ở đây!”. Ông Sáu vẫn trong tư thế của người chiến thắng, đáp ngay: “Đó là tôi chỉ nói một phần, chứ các nhà báo còn dùng nhiều từ nặng hơn nữa kia!”. Mặc dù quy định nghề nghiệp buộc ông Phương phải dịch đúng, trung thực, khách quan, tránh bộc lộ tình cảm của mình. “Nhưng không chắc lúc đó, tôi có thể kiềm chế nổi sự sung sướng pha chút tự hào trước thái độ quyết liệt của anh Sáu và sự chống đỡ yếu ớt của Kissinger”, ông Phương ghi lại.
Chiếc máy đánh chữ - kỷ vật gắn bó với ông Phương nhiều thập kỷ trong công tác phiên dịch. |
Sau nhiều năm giằng co trên bàn hội nghị, cuối cùng chúng ta đã đạt được những vấn đề thuộc về nguyên tắc, mà khó khăn, dai dẳng và phức tạp nhất là vấn đề quân miền Bắc vẫn ở lại miền Nam. Chính bản lĩnh, tài năng và ý chí của Lê Đức Thọ đã khiến Kissinger phải nhượng bộ từng bước, đến phút chót đành bỏ vấn đề rút quân miền Bắc, chịu đi vào thảo luận các nghị định thư và định ra thể thức ký Hiệp định để nhanh chóng kết thúc vòng đàm phán cuối cùng vào ngày 13/01/1973.
“Ngày 27/01/1973, chứng kiến đại diện của các bên ký bản Hiệp định Paris, tôi không thể nào kiềm chế nổi sự xúc động trào dâng trong lòng. Mong ước cháy bỏng của tôi và các anh em khác trong Đoàn cuối cùng cũng đã thành hiện thực. Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng đè lên vai mình trong suốt thời gian dài tham gia phục vụ đàm phán”, ông Phương từng chia sẻ.
Đã hơn 10 năm kể từ ngày ông Phương ra đi, căn phòng làm việc, chiếc máy chữ phủ một lớp bụi mỏng của thời gian, thiếu vắng người chủ tận tụy! Những câu chuyện về cuộc đời ông với những năm tháng vô tư cống hiến cho đất nước vẫn sẽ sống cùng thời gian bởi đó đã là một phần của lịch sử!