Theo đó, tàu Mistral sẽ chở hai trực thăng chở quân của Anh. Trên đường tới tham gia cuộc tập trận chung, Mistral sẽ đi qua Biển Đông.
Trước đây, Pháp từng tích cực hiện diện trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho đến khi gặp thất bại tại Điện Biên Phủ 63 năm trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Pháp đã đưa ra những tuyên bố về ý định tăng cường sự hiện diện trong khu vực, bao gồm cả tham gia bảo vệ quyền tự do hàng hải ở vùng Biển Đông.
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nhận định, động thái này cho thấy Liên minh châu Âu (EU) muốn thể hiện vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế thông qua những hoạt động quân sự rầm rộ, mà không dựa trên khả năng thực tế.
Mistral là tàu tốt nhất mà châu Âu có thể gửi đến vùng biển này, trong khi Anh hiện không có tàu sân bay. Tàu sân bay duy nhất của Pháp Charles de Gaulle đang được sửa chữa sau chiến dịch quân sự ở Trung Đông.
Tàu sân bay Mistral của Pháp (Nguồn: Sputnik) |
Tuy vậy, chuyên gia quân sự Vasily Kashin đánh giá, nếu bùng nổ một cuộc xung đột nghiêm trọng trên biển thì Mistral sẽ không phát huy tác dụng, trong khi tàu khu trục chở trực thăng Izumo của Nhật Bản được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất.
Chuyên gia Vasily Kashin phân tích lý do khiến EU thường xuyên tỏ ý can thiệp vào các tranh chấp và xung đột ở Thái Bình Dương. Trước hết, EU muốn phô trương tầm quan trọng của mình trong bối cảnh chính sách đối ngoại của châu Âu đã thất bại. Thứ hai, EU hy vọng sự tham gia trong chiến lược của Mỹ nhằm “kiềm chế Trung Quốc” sẽ tác động tích cực đến sự hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực an ninh.
"Sau Chiến tranh Lạnh, châu Âu phụ thuộc vào Mỹ về mặt quốc phòng. Quân đội châu Âu đang suy thoái, không đủ sức đảm bảo an ninh của mình. Châu Âu cũng chi rất nhiều tiền cho sự hiện diện quân sự ở một khu vực xa xôi vì họ hy vọng rằng nhờ đó họ sẽ nhận được tình cảm đáp trả từ phía Mỹ”, chuyên gia quân sự Vasily Kashin bình luận.