📞

Sự suy yếu của BRICS

07:00 | 06/08/2016
Nhóm BRICS - gồm năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới đã và đang lâm vào tình trạng khó khăn trong khoảng năm năm trở lại đây.

Năm 2001, chuyên gia kinh tế Jom ONeill của Goldman Sachs (Mỹ) đã dự đoán các nền kinh tế mới nổi sẽ dần chiếm lĩnh vị thế đầu tàu kinh tế của Mỹ và phương Tây. Thuật ngữ BRICS ra đời để gọi tên năm quốc gia có nền kinh tế vô cùng triển vọng là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhận định này đã tạo ra cơn sốt chuyển dịch đầu tư trên toàn cầu cũng như sự kỳ vọng to lớn vào các nền kinh tế mới nổi như BRICS hay những “người kế nhiệm” của họ như MIST (Mexico, Indonesia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ) và SANE (Nam Phi, Algeria, Nigeria và Ai Cập).

Lãnh đạo các nước thuộc Nhóm BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm được tổ chức tại Brazil năm 2014.

Mười lăm năm sau, người ta chẳng dám tưởng tượng tới MIST hay SANE nữa bởi BRICS - từng được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu khi khối này vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế năm 2008, đã bị nhấn chìm trong bong bóng tài chính, thị trường hàng hóa bất ổn cũng như những bất hòa chính trị trong nội bộ từng quốc gia. Tháng 1/2016, Ngân hàng Thế giới dự báo Brazil và Nga sẽ tăng trưởng âm trong năm nay; Nam Phi chỉ tăng trưởng hơn 1%, Ấn Độ tăng trưởng ổn định với 7,8% còn tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới - Trung Quốc, tiếp tục đà giảm ở mức 6,7%. Cuối năm 2015, Goldman Sachs cho đóng cửa quỹ đầu tư BRICS vốn đã để mất 88% giá trị so với 2010. Phải chăng, thế giới đã mất đi niềm tin vào những nền kinh tế mới nổi này?

“Ngũ cường” bất ổn

Nền kinh tế mới nổi lớn nhất là Trung Quốc đang suy giảm mạnh. Giá nhân công rẻ, một điểm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, đang trở thành gánh nặng khi người lao động đòi tăng lương, đòi đảm bảo y tế và lương hưu. Các địa phương Trung Quốc ngập trong nợ nần. Mức lương tại các nhà máy Trung Quốc cũng tăng nhanh - tin tốt cho các công nhân nhưng xấu cho tính cạnh tranh của Trung Quốc.

 Tăng trưởng trong năm 2014 của quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ đạt 7,4%, mức thấp nhất trong gần 25 năm qua. Tăng trưởng chậm cũng phản ánh sự sụt giảm nhu cầu tại châu Âu. Bên cạnh đó, một Trung Quốc tăng trưởng chậm cũng có những hiệu ứng ảnh hưởng đến các nước BRICS  khác vì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. 

Hai quốc gia khác là Brazil và Nga đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu. Là những nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn thứ hai và thứ ba thế giới (sau Trung Quốc), đồng nội tệ của cả hai nước đều đang giảm giá mạnh. Đồng real liên tiếp lập đáy mới trong khi đồng ruble còn lao dốc mạnh hơn. Cả hai nền kinh tế này đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát đi kèm với tăng trưởng ì ạch. Kinh tế Brazil từng được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong thập kỷ tới, nhưng thực tế lại đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng do những bê bối chính trường của Tổng thống Dilma Rousseff. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố báo cáo cho biết dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Brazil trong năm 2016 là - 3,3%, khoảng 0,7% trong năm 2017 và 2% trong năm kế tiếp. Cho dù dự kiến đến cuối tháng Tám này thì quá trình luận tội và phế truất Tổng thống ở Brazil mới kết thúc, nền kinh tế và xã hội của quốc gia Nam Mỹ này sẽ mất nhiều năm để lấy lại đà phát triển như trước.

Trong khi đó, các vấn đề của kinh tế Nga còn trầm trọng hơn. Khủng hoảng ở Ukraine khiến Moscow phải nhận đòn trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các biện pháp trừng phạt ngày càng được tăng cường. Các doanh nghiệp Nga không thể tiếp cận với thị trường Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ cũng không được làm ăn với các Tập đoàn năng lượng Nga. Lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa phương Tây của Tổng thống Vladimir Putin khiến giá cả ở Nga tăng vọt. Bên cạnh đó, giá dầu liên tục chạm đáy trong nhiều năm, trong khi đó, Nga là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.

Ở Ấn Độ, dường như niềm tin về chính sách cải cách và tăng trưởng kinh tế cao của Thủ tướng Narendra Modi đang bị lung lay khi nền kinh tế của quốc gia Nam Á chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng, thâm hụt ngân sách và bất cập về cơ cấu. Hơn nữa, các chương trình cải cách của Chính phủ Ấn Độ hiện vấp phải những trở ngại chính trị khi các đảng phái đối lập nước này đang ngăn cản việc thông qua các chính sách cải cách của chính phủ tại Quốc hội. Đặc biệt, mâu thuẫn chính trị đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và làm giảm lòng tin của các nhà kinh tế và giới kinh doanh trong và ngoài nước.

Cuối cùng là Nam Phi - quốc gia từng bị nhiều nghi ngờ về việc được đứng chung hàng ngũ với “tứ cường mới nổi” còn lại, cũng chưa thể bứt phá do những khó khăn nội bộ. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của nước này đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công bất ngờ và không chính thức của công nhân. Bên cạnh đó, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và những bất mãn trong xã hội đang gây áp lực cho chính quyền Tổng thống Jacob Zuma - vốn đang vướng phải cáo buộc tham nhũng, quản lý yếu kém. Trong tương lai gần, rất có thể nền kinh tế mới nổi châu Phi này sẽ đánh mất vị trí thứ năm vào tay “người kế nhiệm” khác ở cùng lục địa như Algeria, Nigeria hay Ai Cập.

Lỗi tại ai?

Đối với các nước BRICS, khó khăn hiện nay cũng không phải là bất ngờ khi đã từng xuất hiện những dự báo trước đó. Bản chất BRICS cũng không phải liên minh kinh tế mang tính khu vực hay toàn cầu. Mối liên kết giữa các quốc gia từ các châu lục khác nhau, hầu như không có sự gần gũi về địa lý và mô hình phát triển là khá lỏng lẻo. Sự ứng phó với khủng hoảng hay khó khăn chủ yếu do từng quốc gia đảm nhiệm. Thế nên, ngoài những khó khăn trong nội bộ từng quốc gia, sự liên kết, hỗ trợ hay phụ thuộc vào nhau giữa các thành viên BRICS chưa thể cao như các khối kinh tế khu vực. 

Bên cạnh đó, trong chu kỳ thịnh vượng vừa qua, các nền kinh tế này đã không nắm bắt được thời cơ tiến hành các biện pháp cải tổ cần thiết để nâng cấp guồng máy công nghiệp. Hơn nữa, họ đã không đa dạng hóa khu vực sản xuất. Cuối cùng là không tăng cường khả năng tiêu thụ nội địa, để phần nào tiếp sức cho khu vực xuất khẩu, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu.

Một điểm nổi bật khác, Mỹ và phương Tây vẫn còn là những nền kinh tế quan trọng, giữ vai trò trọng yếu trên thế giới. Có thể sự kiện Brexit đã giáng một đòn nặng vào hệ thống tài chính phương Tây và thế giới, dòng người tị nạn và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang đe dọa an ninh toàn châu Âu, hay Washington vẫn đang “lún sâu” vào các cuộc chiến ở Libya và Syria… Nhưng liên minh kinh tế xuyên Đại Tây Dương này vẫn sẽ giữ vững vai trò trung tâm trong hệ thống quốc tế một thời gian nữa. Thành công này một phần nhờ vào sự điều chỉnh sách lược đúng đắn của các lãnh đạo liên minh.

Ở Ấn Độ, dường như niềm tin về chính sách cải cách và tăng trưởng kinh tế cao của Thủ tướng Narendra Modi đang bị lung lay khi nền kinh tế của quốc gia Nam Á chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng, thâm hụt ngân sách và bất cập về cơ cấu.

Trước những thách thức an ninh - kinh tế chưa từng có, châu Âu nhanh chóng đoàn kết để đưa ra nhiều phản ứng kịp thời, có hiệu quả nhất định. Ở bờ bên kia Đại Tây Dương, Nhà Trắng cũng có nhiều quyết sách đúng đắn trong việc tăng cường liên kết xuyên lục địa như đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran hay củng cố vị thế đầu tàu kinh tế thế giới bằng hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - xuyên Thái Bình Dương (TPP) và xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Sự suy giảm của BRICS là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đây vẫn là khối các nước có tổng GDP bằng 27% GDP toàn cầu, tương đương với Mỹ trong năm 2014 (17.000 tỷ USD). Với tổng diện tích năm quốc gia chiếm 26% diện tích toàn cầu và số dân chiếm 42% cư dân trên trái đất - mỗi năm tiêu thụ khoảng 500 tỷ USD giá trị hàng hóa toàn cầu. Điều đó có nghĩa là đây vẫn là một trong những nhóm quốc gia quan trọng bậc nhất và tương lai tăng trưởng toàn cầu chắc chắn sẽ gắn với triển vọng phát triển của năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới này.

Hội nghị thượng đỉnh của BRICS sẽ diễn ra tại Ấn Độ vào tháng Mười tới. Toàn thế giới đang trông chờ xem nhóm sẽ giải quyết câu hỏi lớn về tương lai của các nền kinh tế mới nổi như thế nào?

(tổng hợp)