Ngày 31/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần 1.400 người khỏi lực lượng vũ trang và bổ nhiệm các Bộ trưởng nắm giữ quyền điều hành Hội đồng Quân sự Tối cao (YAS). Đây là động thái mới nhất trong cuộc trấn áp và cải tổ hậu đảo chính của Ankara với quy mô hơn 60.000 người thuộc quân đội, tòa án, cơ quan dân sự và trường học bị tạm giam, bắt giữ hoặc bị điều tra.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters) |
"Thay máu" quân đội
Đợt sa thải hàng loạt quân nhân và kế hoạch cải tổ YAS được công bố chỉ vài giờ sau khi ông Erdogan cho biết ông sẽ đóng cửa các học viện quân sự hiện hành và đặt lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Theo đó, 1.389 quân nhân đã bị sa thải vì tình nghi có mối quan hệ với Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính bất thành vừa qua. Ông Gulen, hiện sống lưu vong ở Mỹ, đã phủ nhận những cáo buộc trên và lên án cuộc đảo chính.
Thông tin trên được đưa ra sau tuyên bố hồi tuần trước của Chính quyền Ankara rằng hơn 1.700 quân nhân đã buộc phải giải ngũ vì có liên quan đến cuộc đảo chính ngày 15/7 - sự kiện trong đó một nhóm binh sỹ đã trưng dụng nhiều xe tăng, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu nhằm lật đổ chính quyền.
Hội đồng Quân sự Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ - YAS. (Nguồn: Daily Sabah) |
Khoảng 40% tướng lĩnh và đô đốc của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải sau cuộc đảo chính, mà theo ông Erdogan đã khiến 237 người thiệt mạng và hơn 2.100 người bị thương. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Nội vụ sẽ được bổ nhiệm đảm trách các vị trí chỉ huy quan trọng trong YAS. Trước đây, Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng chỉ là đại diện Chính phủ tại hội đồng an ninh này.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thay thế một số chỉ huy quân sự không được tái bổ nhiệm vào YAS, trong đó có các tư lệnh của Quân đoàn Số 1, 2 và 3, Quân đoàn Aegean và người đứng đầu lực lượng Hiến binh - lực lượng chuyên chiến đấu chống lại phiến quân người Kurd ở phía Đông Nam đất nước. Những thay đổi này được cho là nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với hội đồng quân sự.
Những động thái trên của Ankara phù hợp với tuyên bố ngày 21/7 của Tổng thống Erdogan trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters (Anh), rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng lớn thứ hai trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cần phải được “thay máu”.
Thuyết âm mưu
Sau cuộc thanh trừng trên diện rộng nhằm vào các đối tượng bị cho là ủng hộ Giáo sỹ Gulen tại tất cả các cơ quan nhà nước, các hãng truyền thông và một số công ty tư nhân, ngày 30/7, Tổng thống Erdogan phát biểu trên Đài phát thanh A Haber rằng Giáo sỹ Gulen chỉ là “một con rối” bị điều khiển bởi một thế lực lớn hơn.
Ông nói: “Có một kẻ chủ mưu đứng đằng sau ông ta. Kẻ chủ mưu này là kẻ đã đưa ông Gulen đến Mỹ và giúp ông ta né tránh mọi quy trình pháp lý”.
Hình minh họa. (Nguồn: AFP) |
Các thuyết âm mưu đã xuất hiện tràn lan ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính bất thành. Một tờ báo thân chính quyền cho rằng, cuộc đảo chính được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tài trợ và được chỉ đạo bởi một tướng đã về hưu của Mỹ thông qua điện thoại di động ở Afghanistan. Tuy nhiên, phía Mỹ phủ nhận mọi liên quan tới cuộc đảo chính quân sự này.
Tổng thống Erdogan cho rằng, ông Gulen đã lợi dụng mạng lưới rộng lớn các trường học, tổ chức từ thiện và doanh nghiệp, mà ông ta góp phần xây dựng ở trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều thập kỷ qua, để tạo ra một “nhà nước song song” nhằm giành lại quyền lãnh đạo đất nước.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra mạng lưới trường học và các cơ quan ở nước ngoài khác của ông Gulen. Kể từ sau cuộc đảo chính, Somalia đã đóng cửa hai trường học và một bệnh viện được cho là có mối quan hệ với ông Gulen và các nước khác cũng đã nhận được đề nghị tương tự từ phía Ankara. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều muốn thực hiện yêu cầu này.
Ông Erdogan cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu đã hủy các chuyến công du đến Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính. Ông cho rằng, việc một số người ở châu Âu dường như lo lắng về số phận của những kẻ chủ mưu hơn là ủng hộ một quốc gia thành viên NATO là điều “đáng xấu hổ”.
Cuộc thanh lọc quân đội gay gắt diễn ra vào thời điểm mà lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến với phe nổi dậy người Kurd ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và các mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở biên giới với Syria. Cùng với đó là sức ép đến từ EU, NATO và Mỹ về những cuộc bắt bớ điều tra có phần hà khắc của Tổng thống Erdogan.
Mới đây, trong một động thái nhằm xoa dịu các đồng minh phương Tây, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẽ rút lại tất cả các vụ kiện đối với những người bị buộc tội xúc phạm ông. Theo ước tính, các công tố viên đã thụ lý hơn 1.800 vụ kiện nhằm vào những người xúc phạm ông Erdogan kể từ khi ông trở thành tổng thống hồi năm 2014 sau 11 năm giữ chức vụ Thủ tướng. Những người bị kiện bao gồm nhà báo, họa sỹ vẽ tranh biếm họa và thậm chí là cả trẻ em.
Ông nói rằng, quyết định này được thôi thúc bởi cảm giác cần phải có sự “đoàn kết” trước nỗ lực đảo chính và sẽ không có lần thứ hai. Đây chính là điều mà Ankara đang hướng đến lúc này: Cần nhanh chóng củng cố lại quyền lực của chính phủ và răn đe những thế lực đang có âm mưu chống đối bằng những quyết sách táo bạo trong khi không để mất lòng liên minh quân sự phương Tây hay để mất cơ hội trở thành thành viên của Liên minh châu Âu - điều mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đánh đổi rất nhiều để có được.