Thủ tướng Đức cho rằng, không phải chỉ ông Biden mà EU cũng có thể đối thoại với Nga về nhiều vấn đề như cuộc tấn công mạng, chiến tranh hỗn hợp... (Nguồn: Getty Images) |
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 24-25/6, bà Merkel đã đề xuất rằng, liên minh này nên có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin và được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ.
Tuy nhiên, Hội nghị giữa các nhà lãnh đạo EU đã bác bỏ đề xuất trên.
Nhà lãnh đạo Đức cho rằng, EU đang hiểu lầm đề xuất của bà: "Khi tôi nói muốn EU đối thoại với Tổng thống Putin giống như Tổng thống Mỹ Joe Biden từng làm hôm 16/6 tại Geneva, đây không phải là cuộc đàm phán thân thiện hay dấu hiệu cho thấy chúng tôi có quan hệ tốt lên".
Theo bà, việc EU đối thoại với Nga là sự thừa nhận rằng, châu Âu sẽ mạnh mẽ hơn nếu độc lập nói với Nga về các cuộc tấn công mạng, về chiến tranh hỗn hợp cũng như việc Nga ủng hộ "chủ nghĩa dân tộc cực đoan".
Khẳng định không chỉ Tổng thống Mỹ mới làm được điều này, Thủ tướng Merkel nói: "EU cũng rất mạnh, EU nên nói với Moscow rằng, hợp tác tốt đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề này".
Cho rằng điểm yếu của EU là "thiếu sự tin tưởng lẫn nhau", bà Merkel kêu gọi khối này "vượt qua ngờ vực để có thể bảo vệ hiệu quả các giá trị và lợi ích của mình", nếu không, "Tổng thống Putin sẽ không nhìn nhận EU một cách nghiêm túc".
Dù bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Merkel, EU vẫn chỉ thị Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell xem xét khả năng thu xếp đối thoại với Nga về các chủ đề mà khối này quan tâm.