Chủ tịch Hội đồng hành chính Nhà nước kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing tuyên bố, nước này sẽ không bao giờ tự cô lập với thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Mỹ không kích Iraq, Syria: Iraq lên án Mỹ xâm phạm chủ quyền
Ngày 28/6, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi đã lên án cuộc không kích của Mỹ vào các căn cứ của lực lượng dân quân được cho là thân Iran dọc biên giới Iraq-Syria.
Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Iraq nêu rõ: "Chúng tôi lên án cuộc không kích của Mỹ đêm qua. Điều này thể hiện sự vi phạm trắng trợn và không thể chấp nhận được đối với chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của Iraq".
Cùng ngày, người phát ngôn quân đội Iraq Yehia Rasool viết trên trang Twitter cá nhân lên án động thái của Mỹ là một sự "xâm phạm chủ quyền".
Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo, các cuộc không kích được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đáp trả những cuộc tấn công của các lực lượng này vào các cơ sở của Washington tại Iraq.
Theo TASS, kênh truyền hình Al-Arabiya đưa tin, 7 thành viên nhóm al-Hashd al-Shaabi, Lực lượng Huy động nhân dân (PMF) do người Hồi giáo dòng Shiite dẫn đầu tại Iraq, đã thiệt mạng trong cuộc không kích.
Ngoài ra, một số thành viên khác của nhóm này cũng đã bị thương, trong khi một nhà kho và căn cứ hoạt động của PMF bị phá hủy trong cuộc không kích. Nhóm này đe dọa "sẵn sàng trả thù".
Trước đó, Hãng thông tấn SANA của Syria cho biết, 1 trẻ em đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong cuộc không kích vừa qua của Mỹ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Biden hạ lệnh, Mỹ không kích dồn dập Iraq và Syria |
Tình hình Myanmar: Sẽ không tự cô lập với thế giới
Ngày 28/6, Chủ tịch Hội đồng Hành chính nhà nước kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đã có cuộc trả lời phỏng vấn hãng Sputnik của Nga.
Tướng Hlaing tuyên bố, Myanmar sẽ không "đóng cửa" đất nước và sẽ không bao giờ tự cô lập với thế giới, song nước này cần một sự hợp tác quốc tế mà không can thiệp vào các vấn đề nội bộ.
Theo nhà lãnh đạo quân đội, Myanmar hoan nghênh sự hỗ trợ của nước ngoài trong việc ổn định tình hình trong nước nếu các quốc gia này nhận thức đầy đủ về tình hình thực tế của mọi vấn đề.
Ông Hlaing cũng chỉ trích các nước phương Tây "muốn những người lên nắm quyền ở Myanmar phải chịu sự chỉ đạo của họ, đồng thời cố tình can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar.
Về vấn đề bầu cử, Tướng Min Aung Hlaing cho hay, các lực lượng quân sự từng tiến hành chính biến hồi tháng 2 không có ý định hoãn cuộc bầu cử mới, song cần phải hoàn tất "điều tra những sai phạm trong cuộc bầu cử trước".
Bên cạnh đó, theo nhà lãnh đạo quân đội, việc còn nhiều người dân không có hộ chiếu đã dẫn đến khoảng 4 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử trước bị làm giả, chính vì vậy, chính quyền quân sự Myanmar "cần một năm rưỡi để cấp hộ chiếu cho toàn bộ người dân".
Ông Min Aung Hlaing cũng cam kết cuộc bầu cử mới tại Myanmar sẽ diễn ra công bằng và tất cả các đảng phái chính trị đều đủ tư cách tham gia.
Ngoài ra, lãnh đạo chính quyền quân sự khẳng định sẽ hoàn tất điều tra sai phạm trong cuộc bầu cử trước vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 và sẽ tổ chức họp báo và ra tuyên bố cuối cùng về các sai phạm. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Myanmar: Hơn 100 ngày đói, tiền hết và chưa biết tương lai |
Biển Đen: Tàu khu trục Mỹ cập cảng Ukraine, chuẩn bị tập trận đa quốc gia
Ngày 28/6, Mỹ cùng 31 quốc gia đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận quân sự quốc tế thường niên mang tên Sea Breeze 2020, bất chấp phản đối gay gắt từ Nga.
Năm nay, hơn 5.000 quân, 32 tàu, 40 máy bay cùng 18 đội lặn và hoạt động đặc biệt tham gia vào cuộc tập trận kéo dài khoảng 2 tuần này.
Tàu khu trục tên lửa USS Ross của Hải quân Mỹ cũng đã tiến vào cảng Odessa để tham gia cuộc tập trận.
Các động thái mới diễn ra sau vụ việc xảy ra tại Biển Đen hôm 23/6, khi một tàu tuần tra và 1 máy bay chiến đấu Su-24 Nga bắn và ném bom cảnh cáo dọc theo hải trình của tàu khu trục HMS Defender thuộc Hải quân Anh khi nó đi vào lãnh hải Nga sâu tới 3km ở gần cực nam Sevastopol. (DW)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ Nga bắn cảnh cáo tàu Anh trên Biển Đen: Táo bạo nhưng đầy rủi ro? |
Nga-Trung Quốc: Lãnh đạo hai bên hội đàm, chính thức gia hạn Hiệp ước 'tình thân'
Ngày 28/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành hội đàm trực tuyến nhân kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và Hợp tác thân thiện Nga-Trung Quốc.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, hai nhà lãnh đạo đã chính thức tuyên bố gia hạn Hiệp ước trên thêm 5 năm.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, Tổng thống Putin đánh giá, quan hệ thương mại Nga-Trung Quốc đang "chứng kiến những động lực tích cực vững chắc", với mức tăng trưởng 22% trong 4 tháng đầu năm 2021 và kỳ vọng sẽ ghi nhận những kỷ lục mới vào cuối năm nay.
Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý, Moscow và Bắc Kinh nỗ lực đưa quan hệ song phương lên mức cao chưa từng có.
Theo thông báo của Điện Kremlin trước hội đàm, các lãnh đạo sẽ chúc mừng và đánh giá tình hình hiện tại cũng như triển vọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc.
Các bên cũng có kế hoạch thảo luận các vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Trung Quốc: Bạn thân… ai nấy lo? |
Nga-EU: EU cần thảo luận trực tiếp với Nga về mọi vấn đề
Ngày 28/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay, sự thiếu vắng các cuộc đối thoại của Liên minh châu Âu (EU) với Nga không giải quyết được vấn đề, trong bối cảnh quan hệ giữa Brussels và Moscow hiện nay "không thể coi là tốt đẹp".
Theo nhà lãnh đạo Đức, không chỉ trong nội bộ, EU cần thảo luận trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin về mọi quan ngại cũng như các lĩnh vực có thể hợp tác, bao gồm tấn công mạng, giải trừ quân bị, hòa bình và an ninh, cũng như tình hình tại Ukraine, Belarus hay tương lai của Syria, Libya. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Khi nước Đức 'rạn nứt' bởi vaccine Sputnik V của Nga |
Biên giới Ấn-Trung: Ấn Độ triển khai thêm 50.000 binh sĩ tới biên giới
Ngày 28/6, nhật báo Deccan Herald dẫn 4 nguồn thạo tin cho biết, Ấn Độ mới đây đã triển khai các phi đội máy bay chiến đấu và tăng cường lực lượng tại biên giới với Trung Quốc lên tới 200.000 binh sĩ, tăng thêm 50.000 quân trong vài tháng qua.
Tuy nhiên, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: "Hiện tại, tình hình tại biên giới Trung Quốc-Ấn Độ phần lớn là ổn định. Hai bên giải quyết các vấn đề biên giới tồn đọng thông qua đàm phán".
Theo ông Uông, trong bối cảnh hiện nay, "các tuyên bố cũng như sự hiện diện quân sự trước tiên cần tạo điều kiện thuận lợi để xoa dịu căng thẳng cũng như tăng cường lòng tin giữa các bên, không phải ngược lại". (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ, sự ngờ vực và ánh sáng cuối đường hầm trong vòng xoáy Mỹ-Trung |
Iran:
Iran công bố thời điểm Tổng thống đắc cử E. Raisi tuyên thệ nhậm chức
Ngày 28/6, Hãng thông tấn Mehr dẫn lời nghị sĩ Iran Alireza Salimi cho biết, lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi sẽ diễn ra vào ngày 3/8 tới.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Ebrahim Raisi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran diễn ra hôm 18/6 với gần 62% phiếu ủng hộ. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử ở mức 48,8%, thấp kỷ lục.
Tất cả các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Iran đều công nhận chiến thắng của ông Raisi.
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Tehran kêu gọi sớm đưa ra quyết định về đàm phán JCPOA
Ngày 27/6, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi cho hay, các bên đã thương thảo đầy đủ một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo ông Araqchi, "đã đến lúc các quốc gia đưa ra quyết định”.
Thứ trưởng Araqchi cũng cho hay, Iran đã đưa ra một “quyết định quan trọng và khó khăn” khi đồng ý duy trì JCPOA sau khi nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Nhà ngoại giao Iran nhấn mạnh hiện giờ là lúc các đối tác của Tehran đưa ra những “quyết định khó khăn” sau 6 vòng đàm phán của Ủy ban hỗn hợp về JCPOA.