📞

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Kiến tạo hòa bình từ Geneva, Paris… đến Hà Nội

16:20 | 21/02/2019
Sau sự kiện cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, rất có thể Việt Nam sẽ tiếp tục được tìm đến như một địa điểm lý tưởng cho việc đàm phán, ký những hiệp định mang giá trị quốc tế lớn.

GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu ra góc nhìn của mình về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo GS Vũ Minh Giang, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến tại Hà Nội là một sự kiện đặc biệt. Quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên thu hút sự chú ý của cả thế giới, nhất là sau khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên từ năm 2011, cả thế giới luôn luôn “nín thở” vì mối quan hệ lúc căng, lúc trùng giữa hai bên. Khi xuất hiện khả năng hai bên ngồi lại với nhau, thì việc họ sẽ chọn nơi nào cũng trở thành một chủ đề nóng với cả thế giới. Lý do là nơi họ chọn gặp nhau phải đáp ứng được yêu cầu của cả hai bên.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.(Nguồn: Straits Times)

Thứ nhất, đó phải là nơi được cả hai bên tin cậy. Thứ hai, nơi đó phải mang tính biểu tượng nhất định. Việt Nam có lịch sử quan hệ tương đối sâu với Triều Tiên; đồng thời với Mỹ, Việt Nam có quan hệ đã trải qua những thăng trầm, đã từng đối đầu rồi trở thành bạn bè, đối tác toàn diện. Những điều đó đã được phân tích từ khi xuất hiện khả năng có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai bên.

“Dư luận lúc đầu không nghĩ nhiều đến tính hiện thực của khả năng Việt Nam sẽ được chọn là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Và đến nay, khả năng cuộc gặp diễn ra tại Việt Nam đã được ấn định trên phương diện ngoại giao”, GS. Vũ Minh Giang nhận xét.

Những “mối duyên” từ lịch sử

Liên hệ đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Việt Nam, nhìn lại lịch sử, có khá nhiều mối lương duyên giữa ba nước: Việt Nam, Mỹ và Triều Tiên. Theo GS. Vũ Minh Giang, quan hệ thân thiết của Triều Tiên với Việt Nam có truyền thống lịch sử từ xa xưa. Hơn nữa, Triều Tiên và Việt Nam đều là bán đảo nên văn hóa có sự gần gũi, tương đồng.

Còn Mỹ là đất nước cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất nhưng có nhiều duyên nợ từ rất sớm. Thomas Jefferson là Tổng thống thứ ba của Hợp chúng quốc Mỹ, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, năm 1803 đã gửi một phái bộ ngoại giao sang Việt Nam với mong muốn giao hiếu với Việt Nam và ký một hiệp định thương mại. “Nhưng tiếc là chúng ta chưa hiểu nhau nên đã không thành công” - Đây chính là nhận định của Tổng thống Donal Trump khi ông dẫn lại sự kiện này ngay mở đầu bài phát biểu của mình tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bên lề Hội nghị APEC 2017.

Việt Nam muốn có quan hệ hòa hiếu, thân thiện với Mỹ từ rất sớm. Nhưng tiếc rằng “vật đổi, sao rời” và rất nhiều biến cố, thăng trầm đã khiến Mỹở phía đối đầu với một Việt Nam đang muốn giành lại nền độc lập của mình. Sau này đã có cuộc gặp lịch sử giữa Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1995. Sau cuộc gặp, ông McNamara đã viết lại trong hồi ký của mình: “Nếu như Mỹ hiểu Việt Nam như ở thời điểm năm 1995 thì không xảy ra chiến tranh”.

GS. Vũ Minh Giang nhắc lại quan hệ với Mỹ và Triều Tiên để nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên được tổ chức ở Việt Nam như một cuộc hội ngộ của những quốc gia đã có “duyên nợ” lịch sử.

GS. Vũ Minh Giang.

Mảnh đất hứa cho sự gặp gỡ

Nhìn xa một chút, Việt Nam có lịch sử văn hoá khá đặc biệt. Đây là vùng đất có thể nhìn trong suốt chiều sâu của lịch sử cũng như truyền thống văn hoá, đó là vùng đất giao thoa, mảnh đất hứa cho sự gặp gỡ. Các luồng văn hoá Bắc xuống, Nam lên, Đông qua, Tây lại đều giao thoa, gặp gỡ tại đây. Gần như các siêu cường trên thế giới qua các thời kỳ đều từng hiện diện ở đây.

“Việt Nam cũng là đất nước có lịch sử thăng trầm, rất nhiều biến động. Chính vì vậy, người Việt Nam phải lựa chọn cho mình một thế ứng xử. Bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thì “cực chẳng đã” phải đứng lên cầm vũ khí, nhưng khi xuất hiện khả năng hoà bình thì người Việt Nam luôn luôn chớp lấy cơ hội để giành lấy hoà bình. Đây là xứ sở hết sức yêu chuộng hoà bình, vì vậy từ cựu thù biến thành bạn bè cũng là truyền thống của người Việt Nam. Rất nhiều dân tộc trên thế giới nhìn ra đặc tính đó trong văn hoá Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam xuất hiện một nhân vật với tư tưởng hòa giải là Vua Trần Nhân Tông. Chính Mỹ đã lập ra một Giải thưởng Trần Nhân Tông để tặng cho những nhân vật có công lao trong việc hoà giải.

Với đặc điểm như thế về mặt địa lý, với tính cách như thế về mặt con người và đặc trưng như thế về mặt văn hoá, việc Việt Nam được lựa chọn như một nơi để gặp gỡ, để hoà giải cũng là điều dễ hiểu”, GS. Vũ Minh Giang nhận xét.

Mỹ và CHDCND Triều Tiên sau khi tìm hiểu rất nhiều địa điểm có thể coi là thuận lợi cho cuộc gặp gỡ này, đã dừng lại ở Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng đó là sự lựa chọn có tính toán, có cân nhắc và theo tôi rất phù hợp. Mỹ và CHDCND Triều Tiên là hai quốc gia được coi là đối đầu trong suốt mấy thập kỷ vừa qua, nhất là trong vòng 5-7 năm trở lại đây, căng thẳng tới mức chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Mỹ và CHDCND Triều Tiên chọn Việt Nam là nơi gặp gỡ, tất nhiên nơi gặp đó phải đảm bảo đến mức tuyệt đối về an ninh và an toàn. Tiêu chuẩn về an ninh, an toàn chắc chắn được đưa ra”, GS. Vũ Minh Giang phân tích.

Khi cuộc gặp thượng đỉnh này diễn ra tại Việt Nam, không cần phải chứng minh, cả thế giới đều thấy rằng Việt Nam là nơi rất an toàn, an ninh. Điều đó sẽ giúp cho uy tín của Việt Nam được tăng cao.

Thực tế chứng minh trong suốt thời gian qua chúng ta đã tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn có sự tham dự của nguyên thủ các siêu cường như Hội nghị nguyên thủ các nước châu Á-Thái Bình Dương APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu ASEM… Các nguyên thủ quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ của các siêu cường, đến đây đều bày tỏ sự hài lòng không chỉ về môi trường an ninh mà công tác tổ chức các sự kiện lớn Việt Nam đều làm rất tốt, tạo thành uy tín quốc tế. Sự kiện sắp tới được coi là sự kiện quốc tế lớn và đầy tính nhạy cảm, Việt Nam được chọn rõ ràng bởi đã được đánh giá cao về năng lực tổ chức. Điều đó sẽ khiến một lần nữa uy tín của Việt Nam được nâng cao.

“Theo tôi, Mỹ và CHDCND Triều Tiên còn kỳ vọng về mô hình phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trên thế giới nhiều nơi sự phát triển gặp khó khăn, đôi chỗ còn rối loạn thì Việt Nam trong những năm vừa qua phát triển tương đối tốt. GDP tăng trên 7%, vượt qua được kỳ vọng của chính người Việt Nam, vượt lên trên dự báo của những tổ chức, định chế kinh tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới… Sự phát triển thành công của Việt Nam rõ ràng là một gợi ý tốt trong tương lai gần cũng như xa đối với CHDCND Triều Tiên”, GS. Vũ Minh Giang nhận định.

GS. Vũ Minh Giang cho rằng bất luận cuộc gặp thế nào thì Việt Nam cũng thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Ngay cả một đất nước đã tạo dựng được hình ảnh lớn trên thế giới như Singapore nhưng sau khi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất cũng đã hưởng lợi rất nhiều. Việt Nam chắc chắn cũng được như vậy. Chúng ta đã từng tốn rất nhiều tiền để chỉ có một vài phút quảng bá cho hình ảnh của Việt Nam trên CNN thì đến nay các đài truyền hình, các hãng thông tấn lớn nhất và hàng nghìn nhà báo sẽ “đổ quân” vào Việt Nam để đưa tin tức. Họ sẽ không chỉ đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh mà sẽ đề cập rất nhiều đến Hà Nội, đến Việt Nam. Chúng ta sẽ có ảnh hưởng rất lớn trên trường quốc tế mà không tốn kém chi phí quảng bá. Tiếp theo là sự phát triển du lịch, các mối quan hệ hợp tác, tin cậy, triển khai những dự án đầu tư. Những doanh nghiệp nước ngoài nếu còn đang chần chừ trong việc đầu tư thì đây là cú hích.

Tóm lại, cuộc gặp này không phải câu chuyện của hai nước mà là sự kiện hết sức quan trọng trong đời sống chính trị và ngoại giao quốc tế. Vì vậy nơi đăng cai sự kiện này, khi làm tốt vai trò chủ nhà, nhất định sẽ hưởng những tác động tích cực.

“Đến thời điểm này, rất cần sự hợp tác của nhân dân Việt Nam, bạn bè của Việt Nam để giúp Việt Nam làm tốt công việc quan trọng đã được uỷ thác. Rất mong nhân dân sẽ hợp tác, ủng hộ việc tổ chức của Chính phủ cho sự kiện lớn này, bởi vì uy tín của Việt Nam sẽ lên cao hơn rất nhiều qua việc tổ chức tốt sự kiện được thế giới quan tâm nhiều như thế trong những ngày sắp tới đây”, GS. Giang bày tỏ.

Địa chỉ trong tương lai của các hiệp định hòa bình quốc tế

Việt Nam rất khát khao hòa bình và trong quá khứ những địa danh như Geneva, Paris… từng được nhắc đến là nơi ký kết những Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

“Nhưng sau sự kiện cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, rất có thể Việt Nam sẽ là nơi được tìm đến như một địa điểm lý tưởng cho việc đàm phán, ký những hiệp định quốc tế trọng đại. Cái tên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành địa danh có giá trị quốc tế gắn với những hiệp định trọng đại trong tương lai”, GS Vũ Minh Giang bày tỏ sự lạc quan.

(theo VGP News)