📞

Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Kiến tạo Hòa bình - Tạo đà Thịnh vượng

10:08 | 28/02/2019
Nhận định của Thủ tướng Chính phủ, các nhà Ngoại giao, chuyên gia chính trị quốc tế và doanh nghiệp  về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27-28/2 - Sự kiện đang thu hút sự chú ý toàn cầu...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Việc Thủ đô Hà Nội của Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai như một minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Sự kiện này góp phần hiện thực hóa phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đã được Đảng ta triển khai từ Đại hội Đảng XI (2011). Có trách nhiệm tức là Việt Nam tích cực tham gia tìm giải pháp cho các vấn đề nóng của khu vực và thế giới, đem lại hòa bình, ổn định và phát triển. Phù hợp với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao 8/2018 là “vượt khỏi khuôn khổ hiện nay”.

Thực vậy, từ khi gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và hiện là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á-Thái Bình Dương cho nhiệm kỳ 2020-2021. Tại khu vực, Việt Nam là một thành viên quan trọng của ASEAN, một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong ASEAN và cũng là một đối tác ngoại giao quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới.

Với những kinh nghiệm tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn như APEC 2017, WEF ASEAN 2018, Việt Nam sẽ phấn đấu cao nhất để tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh

Cá nhân tôi trông đợi sẽ có những bước tiến ý nghĩa trong Hội nghị lần này. Chúng ta cần biết, vấn đề Triều Tiên gồm nhiều khía cạnh khác nhau, cùng với nỗ lực phi hạt nhân hóa cần có giải pháp tổng thể cho Bán đảo Triều Tiên, từ bình thường hóa quan hệ, nới lỏng cấm vận cho tới cùng hợp tác để phát triển. Mỗi một bước đi nhỏ trong từng khía cạnh này sẽ tạo đà hướng tới giải pháp lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên.

Điều tôi trông đợi tiếp theo là sẽ có một Tuyên bố Hà Nội, theo đó phản ánh 2 điểm chính. Thứ nhất, phản ánh một số kết quả ý nghĩa trên từng khía cạnh khác nhau về Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa, bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều, hợp tác cùng phát triển, hướng tới nới lỏng cấm vận. Thứ hai, tiếp tục xây dựng lòng tin. Điều này không chỉ quan trọng trong việc tạo đà cho nỗ lực của hai bên trong giải quyết mối quan hệ song phương mà còn trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công An. (Nguồn: VOV)

Thiếu tướng, PGS. TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công An)

Mỹ và Triều Tiên khó có khả năng ký kết hiệp ước hòa bình, kết thúc Chiến tranh Triều Tiên ngay tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội vì đây là vấn đề đặc biệt quan trọng với Washington. Một khi điều này thành hiện thực, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ yêu cầu Nhà Trắng rút 28.000 quân cùng các khí tài quân sự khỏi Hàn Quốc, điều Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ nhận ngày 24/2. Do đó, khả năng ký kết hiệp ước hòa bình tại Hà Nội là không nhiều.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ chủ động đàm phán với Triều Tiên nhằm đạt được một số thành tựu cụ thể, để ông Donald Trump có thể lấy đó làm vốn liếng cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Những động thái này có thể bao gồm yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa, phá hủy cơ sở sản xuất hạt nhân, cho phép các thanh sát viên của Tổ chức Năng lượng và Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kiểm tra…

Triều Tiên cũng ý thức rõ ràng được thực tế này và có thể chấp nhận một số yêu cầu từ phía Mỹ. Đổi lại, Washington sẽ xem xét dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Các vấn đề cụ thể về ký kết hiệp ước hòa bình, chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận sẽ được thảo luận kỹ lưỡng hơn giữa cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và chuyên viên cấp cao của hai nước.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong Siow Ping.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong Siow Ping

Khi Singapore được Mỹ và Triều Tiên đề nghị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 vào tháng 6/2018, chúng tôi cảm thấy vinh hạnh đã góp một phần nhỏ của Singapore trong việc tiến trình hoà bình và ổn định, phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Hòa bình và ổn định trong khu vực không chỉ là lợi ích riêng của Singapore, mà còn của toàn thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh là một bước tiến đúng hướng trong việc xây dựng niềm tin chiến lược, đảm bảo hòa bình và cơ hội phát triển trong khu vực. Ngoài ra, việc Singapore đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tái khẳng định cam kết của chúng tôi là một đối tác đáng tin cậy trong các vấn đề quốc tế.

Singapore hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt sự nhất trí chung trong việc thực hiện các thỏa thuận và những nỗ lực xây dựng hòa bình sẽ luôn được đẩy mạnh và tiếp tục.

Singapore tự tin rằng Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Thay mặt cho Singapore, tôi xin gửi tới những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho Việt Nam!

TS. Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao). (Ảnh: LĐT)

TS. Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao)

Là quốc gia có kinh nghiệm hòa giải và hòa bình, Việt Nam sẽ phát huy tốt vai trò hòa giải qua việc đóng vai nước chủ nhà, hỗ trợ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2. Ngoài ra, Việt Nam cũng giàu kinh nghiệm trong việc sử dụng bên thứ ba trong hòa đàm kết thúc chiến tranh, đồng thời được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về quan điểm khách quan, nhất quán trong nhiều vấn đề quốc tế.

Bản thân Việt Nam là đối tác tin cậy của các bên, đồng thời là một trong số ít các quốc gia có quan hệ tích cực với cả Mỹ và Triều Tiên.

Giáo sư Carl Thayer.

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự Đại học New South Wales (Australia)

Tôi cho rằng, lợi ích lớn nhất của Việt Nam chính là việc giúp tái khẳng định sự đúng đắn về đường lối đối ngoại của Chính phủ Việt Nam “đa dạng hóa, đa phương hóa” và sẵn sàng “làm bạn với tất cả”. Qua đó, cũng đem lại rất nhiều lợi ích to lớn cho nhân dân Việt Nam.

TS. Lê Hồng Hiệp

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak, Singapore

Việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức Hội nghị lần này cho thấy hai bên tin tưởng Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một quốc gia có uy tín và vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế. Một mặt, đây là dịp quan trọng để Việt Nam quảng bá hình ảnh về một đất nước thanh bình, tươi đẹp, năng động và hiếu khách, qua đó thu hút thêm khách du lịch và đầu tư.

Mặt khác, sự kiện này cũng là một ví dụ tiêu biểu cho chính sách ngoại giao năng động, tích cực của Việt Nam, thể hiện rõ nét một trong những vai trò “cường quốc hạng trung” mà Việt Nam đang hướng tới, đó là đóng góp vào kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho thế giới.

Sự kiện lần này là một dịp ý nghĩa để Việt Nam xác tín với cộng đồng quốc tế về nguyện vọng của mình nhằm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng thế giới, vừa thể hiện vai trò đó một cách thực tế mà không cần quá nhiều sự tuyên truyền phô trương. Điều quan trọng là Việt Nam cần làm gì tiếp theo để tiếp tục duy trì được uy tín và vai trò đó trong tương lai.

Tổng Giám đốc Dcorp R-Keeper Vietnam James Duong.

Ông James Duong, Tổng Giám đốc Dcorp R-Keeper Vietnam

Nếu như trước đây, có tới khoảng 20% dân số thế giới vẫn không hề biết về sự tồn tại của Việt Nam, hoặc nếu biết thì họ vẫn nghĩ rằng Việt Nam còn chìm trong chiến tranh và nghèo đói.

Thông qua sự kiện này, truyền thông trên toàn thế giới đều nói về Việt Nam. Đó là sự bảo chứng cho một Việt Nam: Quan trọng - Hòa bình - Phát triển. Đồng thời, việc phải chuẩn bị gấp rút trong một thời gian ngắn cho cuộc họp quan trọng mang tính toàn cầu này, cũng khẳng định năng lực của chúng ta có khả năng tổ chức tốt và nhanh cho bất kì sự kiện ở quy mô nào.

Với sự bảo chứng đó, trong ngắn hạn, chắc chắn lượng khách du lịch tới Việt Nam sẽ tăng vọt. Tiếp theo sẽ là các cơ hội tìm hiểu và hợp tác kinh tế của các cá nhân và công ty nước ngoài đến Việt Nam, từ đó thúc đẩy nền kinh tế chúng ta mạnh hơn và mở rộng hơn.