Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Ukraine: Kiev thông qua "văn kiện lịch sử, giải phóng" Crimea
Ngày 11/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã thông báo trên Twitter rằng, Hội đồng Quốc phòng và An ninh nước này đã thông qua chiến lược "chấm dứt sự chiếm đóng" của Nga ở Bán đảo Crimea và sáp nhập lại Bán đảo này.
Ông Kuleba khẳng định đây là "một văn kiện lịch sử lẽ ra nên có từ năm 2014", đồng thời nhấn mạnh, đây "không chỉ là lời kêu gọi thế giới giúp chúng tôi giành lại Crimea, mà còn là lời khẳng định của Ukraine về nỗ lực đầy quyết tâm và có hệ thống dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Volodymyr Zelensky".
Nhà ngoại giao Ukraine cũng liệt kê ba ưu tiên trong chính sách lấy lại Crimea gồm chiến lược, đoàn kết và sức mạnh tổng hợp nhằm "khôi phục luật pháp quốc tế với mục tiêu là khôi phục toàn bộ chủ quyền của Ukraine đối với Crimea & thành phố Sevastopol". (Unian)
TIN LIÊN QUAN | |
Anh, Estonia tìm cách 'kéo' Crimea khỏi Nga, Moscow cảnh cáo, chuẩn bị triệu tập HĐBA họp không chính thức |
Nga chuẩn bị triệu tập HĐBA họp không chính thức về Crimea
Ngày 11/3, Phó Đại diện thường trực Phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyanskiy cho biết, Nga sẽ triệu tập một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an LHQ về Crimea vào ngày 17/3 tới. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Ukraine tính 'đòn' mới, tìm cách 'giải phóng bán đảo Crimea' bằng cách... chặn nguồn cung nước ngọt |
Thụy Điển: Nếu chiến tranh lớn ở Bắc Âu, Nga sẽ chiếm ưu thế
Ngày 12/3, hãng phát thanh truyền hình SVT dẫn báo cáo của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển (FOI) cho rằng, Nga sẽ có lợi thế hơn các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn ở Bắc Âu.
Nguyên nhân là do thực trạng ít tiến hành các cuộc tập trận, khả năng chiến đấu khác nhau của các nước thuộc liên minh và sự phân tán các đơn vị quân NATO. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Italy sản xuất Vaccine Sputnik V: Một vốn, ba bốn lời |
Nga cảnh báo trả đũa nếu Mỹ triển khai tên lửa tại Nhật Bản
Ngày 12/3, hãng tin Interfax của Nga đưa tin, Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo, Moscow sẽ trả đũa nếu Mỹ triển khai các tên lửa mặt đất tại Nhật Bản.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn của Mỹ ở các khu vực khác nhau trên thế giới, bao gồm cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ gây mất an ninh quốc tế và khu vực.
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ trừng phạt Nga: Ván cờ rủi ro của ông Joe Biden |
Bán đảo Triều Tiên: Mỹ chưa triển khai vũ khí chống tên lửa mới ở Hàn Quốc
Tướng Robert Abrams, chỉ huy các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) cho biết, Mỹ sẽ triển khai 2 hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc trong năm nay bên cạnh một hệ thống đã triển khai.
Ngày 12/3, người phát ngôn USFK, Đại tá Lee Peters cho biết, các vũ khí mới mà Tướng Abrams đề cập không liên quan đến việc triển khai các thiết bị hoặc đơn vị mới ở Hàn Quốc.
Đại tá Peters từ chối giải thích chi tiết về vũ khí vì lý do "an ninh", song cho biết sẽ đảm bảo USFK có thể "duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao và tạo thế trận phòng thủ chung vững chắc để bảo vệ" Hàn Quốc trước "bất kỳ mối đe dọa hoặc kẻ thù nào".
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết hai bên cũng không thảo luận về việc triển khai thêm các vũ khí chống tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Đối thoại Mỹ-Triều có thể hồi sinh dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden? |
Anh-EU: Nghị viện châu Âu hoãn lịch trình thông qua thỏa thuận thương mại
Ngày 11/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã hoãn việc ấn định ngày tiến hành bỏ phiếu thông qua thỏa thuận thương mại giữa EU-Anh - thủ tục cần diễn ra trước cuối tháng 4 nếu không thỏa thuận đã đàm phán sẽ bị hủy - trong bối cảnh tranh cãi liên quan vaccine ngừa Covid-19 và việc thực thi thỏa thuận Brexit.
Hãng tin AFP dẫn lời nghị sĩ của Bỉ Philippe Lamberts, đồng chủ tịch nhóm nghị sĩ thuộc đảng Xanh tại EP, nhấn mạnh: "Rõ ràng là nếu Vương quốc Anh không tôn trọng thỏa thuận trước đây, thì việc thông qua một thỏa thuận được đặt trên bàn không có ý nghĩa gì".
Đây là lần thứ hai EP hoãn bỏ phiếu thông qua thỏa thuận thương mại Anh-EU, mà theo kế hoạch sẽ được thông qua vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4 tới. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Anh-EU nảy mâu thuẫn mới về Bắc Ireland, EU dọa 'khai chiến' pháp lý, London để ngỏ mọi khả năng |
Mỹ cảnh báo Anh về các hành động đối với Bắc Ireland
Ngày 10/3, tại một cuộc họp kín của Quốc hội Mỹ, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Brendan Boyle đã cáo buộc chính phủ Anh có "những hành động khiêu khích không ngừng đối với Nghị định thư Bắc Ireland" và cảnh báo, hành động này sẽ "khiến việc khởi động một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh vô cùng khó khăn”..
Hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo dõi chặt chẽ số phận của Bắc Ireland, vấn đề gây tranh cãi nhất của thỏa thuận Brexit. (RTE)
TIN LIÊN QUAN | |
Scandal Đại sứ Anh tại Mỹ: Ngoại giao Anh lộ “điểm yếu chết người” |
Nhóm "Bộ tứ Munich" thúc đẩy chấm dứt xung đột Israel-Palestine
Ngày 11/3, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết, nhóm Bộ tứ Munich (gồm các nước Ai Cập, Pháp, Đức và Jordan) đã kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, trong nỗ lực khởi động lại tiến trình đàm phán hòa bình và chấm dứt xung đột Israel-Palestine.
Ngoại trưởng Shoukry cho rằng, người dân Palestine xứng đáng nhận được các quyền hợp pháp, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc khôi phục sớm các cuộc đàm phán.
Đây là cuộc họp lần thứ 4 của nhóm Bộ tứ Munich. Trước đó, nhóm Bộ tứ Munich đã tiến hành cuộc họp như một phần trong những nỗ lực tiếp diễn nhằm giúp hồi sinh tiến trình hòa bình Israel-Palestine vốn đã bị đóng băng. (Ahram Online)
TIN LIÊN QUAN | |
Tòa Hình sự Quốc tế quyết điều tra về tình hình ở Palestine; Israel phẫn nộ, thề hành động; Mỹ bảo vệ đồng minh |
Trung Quốc lần đầu phóng thành công tên lửa Trường Chinh 7A
Ngày 12/3, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa thế hệ mới của nước này, Trường Chinh (Long March) 7A trong lần phóng thứ hai, gửi vệ tinh tinh Shiyan-9 (Thí Nghiệm) lên quỹ đạo tại bãi phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, để thử nghiệm các công nghệ mới như giám sát môi trường vũ trụ. (CNN)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc lần đầu phóng thành công tên lửa Trường Chinh 7A |
Vấn đề Hong Kong: Quốc tế dậy sóng vì động thái mới của Trung Quốc
Ngày 11/3, Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định thay đổi hệ thống Hong Kong, trong đó có việc thiết lập cơ chế sàng lọc các ứng viên có quan điểm trung thành với Bắc Kinh.
Ngày 12/3, Ngoại trưởng Australia Marise Payne bày tỏ “vô cùng lo ngại” về những thay đổi này của Trung Quốc.
Trước đó, Mỹ, Anh cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Trung Quốc, trong khi EU cảnh báo áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung, còn Nhật Bản khẳng định "không thể bỏ qua" động thái này. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Vấn đề Hong Kong: Trung Quốc có động thái mới, Nhật Bản nói không thể bỏ qua, Anh dọa trừng phạt, Mỹ lên tiếng |
Trung Quốc tập trận 3 ngày trên Biển Đông
Ngày 12/3, trang Chinamil của quân đội Trung Quốc đưa tin, theo thông cáo từ Cục Hải Sự tỉnh Hải Nam đưa ra trước đó một ngày, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận quân sự tại Biển Đông.
Theo Chinamil, cuộc tập trận này diễn ra trong bán kính 5,5 hải lý (hơn 10 km) tính từ tọa độ 19-37,12N/110-57,32E, thời gian từ 1h00 sáng 12/3 đến 3h00 sáng 14/3 (giờ Bắc Kinh).
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc thông báo sắp tổ chức thêm một cuộc tập trận ở Biển Đông |
Tình hình Myanmar: Nga quan ngại, Hàn Quốc cấp phép cư trú đặc biệt cho công dân Myanmar
Ngày 12/3, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết, sẽ cấp phép cư trú đặc biệt tạm thời cho những người sắp hết hạn thị thực nhưng không thể gia hạn trong khoảng 25.000 công dân Myanmar đang sống tại quốc gia Đông Bắc Á vì lý do nhân đạo, bắt đầu từ ngày 15/3.
Những người đã hết hạn thị thực sẽ được phép tạm thời ở lại Hàn Quốc cho tới khi họ có thể an toàn trở về Myanmar một cách tự nguyện.
Trước đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này sẽ đình chỉ trao đổi quốc phòng và an ninh với Myanmar.
Cũng trong ngày 12/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang theo dõi các diễn biến tại Myanmar và quan ngại về việc số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng cao tại nước này.
Ông Peskov cũng cho hay, Moscow đang phân tích tình hình về khả năng Nga dừng hợp tác quân sự với Myanmar. (Yonhap, Reuters, Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Myanmar: Quân đội phóng thích gần 1.200 người, Hàn Quốc ngừng trao đổi quốc phòng-an ninh, Anh ra khuyến cáo |
Bộ tứ Quad nhóm họp: Thủ tướng Australia tiết lộ chương trình nghị sự
Ngày 12/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, hội nghị đầu tiên của lãnh đạo các nước nhóm Bộ tứ sẽ thảo luận các thách thức an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, thay đổi khí hậu và các nỗ lực kiềm chế sự lây lan của Covid-19 tại khu vực.
Thủ tướng Scott Morrison đánh giá cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ vào sáng sớm ngày 13/3 theo giờ Australia sẽ là "một thời khắc lịch sử" và là sự kiện vô cùng quan trọng đối với nước này.
Cuộc họp trực tuyến kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ và được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo 4 nước trong năm nay. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh Bộ tứ đầu tiên sẽ bàn về những vấn đề lớn nào? |
Thủ tướng Nhật Bản ấn định gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 4
Ngày 12/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, Thủ tướng nước này Yoshihide Suga sẽ đến Mỹ để gặp Tổng thống Joe Biden vào nửa đầu tháng 4 nhằm thảo luận về các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Suga sẽ sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp mặt trực tiếp Tổng thống Biden.
Theo ông Kato, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo trên nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của họ hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và công bằng. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Nhật: Trung Quốc có được nhắc tên tại Đối thoại 2+2? |
Nhiều nước định thành lập liên minh bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc
Ngày 11/2, hãng tin Reuters (Anh) dẫn một tài liệu nội bộ cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, đang thúc đẩy thành lập một liên minh để bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc, ngăn chặn việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và các lệnh trừng phạt đơn phương.
Cụ thể, đây là ý tưởng của nhóm gồm 16 quốc gia và Nhà nước Palestine. Các quốc gia còn lại trong nhóm gồm Algeria, Angola, Belarus, Bolivia, Campuchia, Eritrea, Lào, Nicaragua, Saint Vicent và Grenadines, Syria và Venezuela.
Tài liệu có nội dung phác thảo về ý tưởng thành lập "Nhóm hữu nghị bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc" với nội dụng nhấn mạnh chưa bao giờ chủ nghĩa đa phương rơi vào thách thức như hiện nay, một thực trạng có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh toàn cầu.