Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 14/6: Nối tiếp G7, NATO tỏ thái độ với Nga-Trung; thời khắc chờ 50 năm của ông Biden và kỳ vọng của Nga; chính trường Israel sang trang

Thượng đỉnh G7 kết thúc với những tuyên bố liên quan Nga, Trung Quốc; Thượng đỉnh NATO khai màn; Thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp nối tiếp, chính trường Israel "sang trang" là một số tin quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 14/6: Hết G7 đến NATO 'thái độ' với Nga, Trung Quốc; Thời khắc chờ đợi 50 năm của ông Biden - Thượng đỉnh Nga-Mỹ 'chẳng phải cuộc thi'
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ ngày 14/6. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Thượng đỉnh G7:

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kết thúc vào tối 13/6 (giờ Anh) tại Cornwall với tuyên bố chung dài 25 trang.

Các lãnh đạo G7 cam kết đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, phối hợp các biện pháp ngăn ngừa sớm dịch bệnh trong tương lai, đặt ra các mục tiêu tham vọng trong chống biến đổi khí hậu, xây dựng thế giới trở lại tốt đẹp hơn dựa trên phục hồi kinh tế xanh và bền vững...

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề nóng trong quan hệ quốc tế như Nga, Trung Quốc, vấn đề Đài Loan, Biển Đông cũng được đề cập trong tuyên bố chung.

Các lãnh đạo G7 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông trong tuyên bố chung, cũng như nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.

===> Xem thêm: Thượng đỉnh G7: Cơ hội cuối cùng cho phương Tây?

G7-Nga:

Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh mong muốn xây dựng một mối quan hệ “ổn định và dễ đoán” hơn với Nga, triển khai hợp tác trong các lĩnh vực có cùng quan tâm.

Tuy nhiên, tiếp tục nhận định Nga có "các hành vi phá hoại, gây bất ổn" với nhiều quốc gia, đồng thời coi Moscow là một bên trong xung đột Ukraine, G7 kêu gọi Nga ngừng các hành vi này.

Bên cạnh đó, G7 hối thúc Moscow khẩn trương điều tra, giải thích về việc sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ, cũng như ngăn chặn và xử lý các cuộc tấn công mạng hay lợi dụng tiền ảo để tống tiền.

Đáp trả tất cả những lờ lẽ được đưa ra trong tuyên bố chung này, Nga chỉ cho rằng, đặc điểm có thể dự báo của Nga đã được khẳng định qua nhiều năm và nhiều hành động, và giờ đây, đã đến lượt G7 phải thể hiện điều đó.

===> Xem thêm: Thượng đỉnh G7: Đoàn kết hơn sau bài học bó đũa?

G7-Trung Quốc:

Trong tuyên bố chung của G7, các lãnh đạo Nhóm này đã đề cập loạt vấn đề nóng liên quan Trung Quốc, như chỉ trích Bắc Kinh về các động thái Tân Cương, Hong Kong, eo biển Đài Loan và kêu gọi mở cuộc điều tra mới nguồn gốc Covid-19.

Tuy Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng, nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã lên tiếng tố cáo G7 "thao túng chính trị" và đưa ra những cáo buộc "vô căn cứ".

Trong diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-moon cho biết, vấn đề Trung Quốc không được đưa ra trong các cuộc thảo luận mở rộng của Nhóm G7 với Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Nam Phi.

Ông Choi đã đưa ra phát biểu trên nhằm bác bỏ suy đoán rằng, việc tham dự các cuộc họp ở Anh khiến Seoul rơi vào tình thế khó xử vì có vẻ như Hàn Quốc đã bắt tay với các nước G7 trên mặt trận thống nhất chống lại một Trung Quốc hung hăng.

===> Xem thêm: Thượng đỉnh G7: Tuyên bố chung có ‘vừa đấm vừa xoa’ Trung Quốc, nặng lời với Nga?

Nhà Trắng nhấn mạnh tính cấp bách của việc đối phó với Trung Quốc

Ngày 13/6, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 đã có sự nhận thức rộng rãi rằng, "Trung Quốc đại diện cho một thách thức rất lớn đối với các nền dân chủ trên thế giới”.

Cũng theo ông Sullivan, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí cần có một chương trình nghị sự chung để giải quyết vấn đề Trung Quốc, trong đó có các nội dung “đứng lên, đối phó và cạnh tranh”.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng nói: “Những từ như đối phó và cạnh tranh là những từ được phát ra từ miệng của tất cả các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, không chỉ riêng Tổng thống Joe Biden. (Reuters)

Thượng đỉnh NATO:

Các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đang có mặt tại Brussels, Bỉ, để tham gia cuộc họp Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong liên minh quân sự này.

Trước thềm Hội nghị chuẩn bị diễn ra, nhiều nhà lãnh đạo các nước cũng như lãnh đạo NATO đã lên tiếng về những nội dung chính sẽ được đề cập trong cuộc họp, trong đó, "chiếm sóng" là về Nga và Trung Quốc.

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, NATO sẽ viết lại khái niệm chiến lược mà trước đó, Nga được xác định là “đối tác xây dựng”, vì điều này không còn phù hợp với tình hình mới.

Theo đó, các đồng minh sẽ sửa đổi như sự đáp trả trước “các chính sách và hành động gây hấn” của Nga.

Bên cạnh đó, khái niệm chiến lược mới sẽ đề cập những thách thức do Trung Quốc đặt ra đối với an ninh, sự phồn thịnh và các giá trị chung của NATO, vốn hầu như chưa được đề cập trong khái niệm trước đó vào năm 2010. (TASS)

===> Xem thêm: Khái niệm Chiến lược mới: NATO tuyên bố không coi Trung Quốc là đối thủ, còn thái độ với Nga?

NATO-Nga: NATO tiếp cận kép - phòng thủ và đối thoại

Ngày 14/6, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, liên minh quân sự này sẽ tiếp tục tìm cách đối thoại với Nga kết hợp với "phòng thủ mạnh mẽ".

Ông Stoltenberg cho rằng, đối thoại không phải là dấu hiệu của sự yếu kém mà thực sự là dấu hiệu của sức mạnh, "miễn là chúng ta đoàn kết và mạnh mẽ".

Tuy vậy, Tổng Thư ký NATO cũng lưu ý, mối quan hệ của liên minh này với Nga đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc bởi "các hành động gây hấn của Nga".

Ông Stoltenberg nói thêm, các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia trong liên minh sẽ tổ chức các cuộc tham vấn trước cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva.

Liên quan vấn đề Nga trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, NATO cần thảo luận việc đáp trả những chiến dịch tung tin giả của Moscow cũng như các biện pháp có thể phối hợp với Georgia và Ukraine, hai nước đang tìm kiếm quan hệ mật thiết hơn với NATO như một bức tường thành chống lại mối đe dọa từ Nga.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay, ông sẽ bày tỏ những quan ngại về hoạt động gây bất ổn của Nga ở biên giới với Ukraine tại Hội nghị. (AFP, TASS).

===> Xem thêm: NATO tập trận 'khủng' trên biển Baltic, Nga yêu cầu chấm dứt 'hành động khoe khoang vũ khí'

NATO-Trung Quốc: Không có chiến tranh Lạnh?

Ngày 14/6, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, không có chiến tranh Lạnh mới nào với Trung Quốc, song các đồng minh phương Tây sẽ phải thích ứng với thách thức từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh, khi 'con rồng châu Á' đang hiện diện ở khắp mọi nơi, thậm chí ngay trong các quốc gia NATO.

Ông Stoltenberg cũng khẳng định Trung Quốc không phải là đối thủ, không phải kẻ thù của NATO. (AFP)

Thượng đỉnh Nga-Mỹ:

Thời khắc chờ đợi 50 năm

Ngày 16/6, ông Joe Biden Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ tại Geneva, Thụy Sỹ.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki, Tổng thống Biden biết rất rõ những gì ông mong đợi ở người đồng cấp Nga, bởi nhà lãnh đạo Mỹ đã "chuẩn bị cho thời khắc này suốt 50 năm".

Theo bà Psaki: "Ông Biden biết rất rõ những gì mình mong đợi. Theo quan điểm của ông ấy, cuộc gặp này không phải về vấn đề lòng tin hay tình hữu nghị, mà là để thảo luận xem có thể tìm thấy những điểm chung ở đâu. Chúng tôi sẽ thẳng thắn và thành thật trong những vấn đề mà chúng tôi quan tâm”.

Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã lý giải quyết định không họp báo chung với ông Putin sau cuộc họp thượng đỉnh sắp tới, cho rằng, một cuộc họp báo như vậy sẽ chỉ làm xao lãng mục tiêu của Mỹ là tiến tới một mối quan hệ ổn định, dễ đoán với Nga.

Tổng thống Mỹ cho hay: "Đây không phải một cuộc thi đấu xem ai thể hiện tốt hơn trước báo giới hay tìm cách để bôi nhọ lẫn nhau mà là dịp để tôi làm rõ điều kiện nào để mối quan hệ với Nga trở nên tốt đẹp hơn". (Sputnik, Reuters)

===> Xem thêm: Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Điểm danh 3 vấn đề nổi cộm 'không thể ngó lơ'

Nga kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ

Ngày 13/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ giúp thiết lập đối thoại giữa 2 nước và khôi phục các mối liên hệ cá nhân.

Nhà lãnh đạo Nga kỳ vọng cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Mỹ ít nhất sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về các vấn đề an ninh, bao gồm việc triển khai các hệ thống quân sự.

Bên cạnh dó, ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng giao các tội phạm an ninh mạng cho Mỹ nếu 2 bên đạt được một thỏa thuận hợp tác song phương và phía Mỹ cũng có hành động tương tự.

Trong khi đó, hãng tin TASS dẫn lời ông Putin cho rằng, Mỹ đã giảm bớt những lời lẽ khoa trương tiêu cực nhằm vào Nga và điều này đã tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo 2 nước. (Reuters)

===> Xem thêm: Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Ông Biden thực sự nghĩ gì về ông Putin?

Mỹ sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Nga

Ngày 14/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng, Mỹ tin rằng họ có thể làm việc với Nga về ổn định chiến lược, tiếp cận nhân đạo ở Syria, các vấn đề liên quan đến Bắc Cực và một số lĩnh vực khác nếu điều này vì lợi ích của cả hai bên.

Đồng thời, quan chức này cho rằng, Washington có quyền "gửi một thông điệp rõ ràng" tới Moscow về "những hành động có hại" của phía Nga.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thảo luận kín với các nhà đồng minh ở NATO về Hội nghị thượng đỉnh sắp tới với người đồng cấp Nga.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gửi một số "thông điệp khá cứng rắn" tới Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này. (TASS, Reuters)

===> Xem thêm: Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cuộc gặp vội vã?

Chính trường Israel: Israel có chính phủ mới

Rạng sáng nay theo giờ Hà Nội, Quốc hội Israel (Knesset) đã bỏ phiếu thông qua chính phủ mới do ông Naftali Bennett, lãnh đạo đảng Yamina đứng đầu, với tỷ lệ ủng hộ là 60 phiếu ủng hộ, 59 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Theo thỏa thuận giữa liên minh các đảng, ông Bennett (49 tuổi) sẽ làm Thủ tướng Israel luân phiên đến tháng 8/2023, sau đó chuyển giao vị trí đứng đầu chính phủ cho Chủ tịch đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid.

Tổng thống Mỹ Biden đã lên tiếng chúc mừng ông Bennett, trong khi Palestine cho rằng, sẽ không có nhiều sự thay đổi với "chính phủ thay đổi" mới của Israel.

===> Xem thêm: Hai khó khăn đón chờ tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett

Nga muốn hợp tác "mang tính xây dựng" với tân lãnh đạo Israel

Trong điện mừng do Điện Kremlin công bố, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Tôi kỳ vọng rằng sự điều hành chính phủ của ông Bennett sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác song phương mang tính xây dựng trên mọi lĩnh vực. Hiển nhiên điều này nằm trong lợi ích cốt lõi của người dân hai nước chúng ta".

Theo ông Putin, sự hợp tác Nga-Israel sẽ giúp tăng cường "hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông".

Về phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Saeed Khatibzadeh tuyên bố, Tehran không hy vọng chính sách đối ngoại và an ninh của Israel sẽ thay đổi dưới chính quyền mới.

Hãng thông tấn ISNA dẫn lời người phát ngôn Saeed Khatibzadeh nói: "Những kẻ thù của Iran đã ra đi và một nước Iran hùng mạnh vẫn còn đó. Tôi không nghĩ rằng với chính phủ mới, các chính sách của Israel sẽ thay đổi".

TIN LIÊN QUAN
Giải mã gen-Mặt trận mới của cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc
Thượng đỉnh G7 và thông điệp về sự trở lại của nước Mỹ
Cập nhật Covid-19 ngày 14/6: Nga, Indonesia chung cảnh số ca mắc mới cao nhất 4 tháng qua, Ấn Độ giảm sâu; tin vui về thuốc điều trị
Ảnh ấn tượng tuần 7-13/6: Thượng đỉnh G7 'chốt' việc đối phó Nga, Trung Quốc, điều tra nguồn gốc Covid-19 và con ve trên áo ông Biden
Tin thế giới 11/6: Mỹ-Nga lại 'đấu khẩu'; Nội bộ EU 'lục đục'; Không thể chắn Dòng chảy phương Bắc 2?