Hai nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ trong thư viện của biệt thự Villa La Grange bên hồ Geneva, chuẩn bị bước vào cuộc họp được cả thế giới chờ đợi. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Thượng đỉnh Nga-Mỹ:
Villa La Grange bên hồ Geneva.
Vào lúc 18h30, Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo đã chính thức bắt đầu và dự kiến kéo dài khoảng 5 giờ.
Nga nỗ lực để Hội nghị đạt kết quả tích cực
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho hay, nước này đã nỗ lực tối đa để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, nhằm đảm bảo rằng, hội nghị này "đạt được những kết quả thắng lợi, cho phép ngăn chặn quan hệ song phương tiếp tục xấu đi và bắt đầu xu hướng đi lên".
Theo nhà ngoại giao Nga: "Hôm nay là một ngày rất quan trọng. Thế giới đang theo dõi sự kiện này với sự chú ý cao nhất".
Theo ông Ryabkov, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ có cơ hội tìm ra những giải pháp cho những vấn đề chủ chốt. (Sputnik)
Biển Đông:
Ngày 16/6, nhiều quốc gia đã lên tiếng về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông tại các sự kiện quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU vừa kết thúc đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời phản đối mạnh mẽ mọi âm mưu đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở những khu vực này.
Mỹ và EU tái khẳng định tầm quan trọng then chốt của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi khẳng định mong muốn giải quyết vấn đề xung quanh tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan.
Cũng trong Hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nhấn mạnh, những diễn biến xảy ra trên Biển Đông không chỉ thu hút sự chú ý của các quốc gia trong khu vực mà còn trên thế giới.
Theo ông Singh, Ấn Độ cương quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Singh lưu ý, quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần tính toán đến lợi ích của các quốc gia khác. (Kyodo, Sputnik, AFP)
Thượng đỉnh Mỹ-EU: Tuyên bố chung 'động chạm' Nga, Trung Quốc
Thượng đỉnh Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) giữa Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 15/6 đã kết thúc.
Trong một tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố, hai bên đã cam kết hợp tác trong nhiều vấn đề toàn cầu, bao gồm việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Nga, Trung Quốc và Iran, cũng như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu ...
Về Trung Quốc, các lãnh đạo EU và Mỹ thể hiện mối quan tâm chung về những vấn đề ở Tân Cương, Hong Kong, Tây Tạng. Hai bên cho biết,
Mỹ-EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển.
Đối với Nga, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng các lệnh trừng phạt, sẵn sàng đáp trả "dứt khoát" trước các hành vi "tiêu cực" và lặp lại của Nga, đồng thời lên án các hành động tiếp diễn của Moscow "làm xói mòn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Gruzia". (Reuters)
Trung Quốc phản đối tuyên bố chung EU-Mỹ
Ngày 16/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố bác bỏ và lấy làm tiếc về tuyên bố chung Mỹ-EU, trong đó chỉ trích cường quốc châu Á này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Triệu cho hay, Bắc Kinh cương quyết phản đối bất cứ quốc gia nào áp đặt những yêu cầu của riêng họ với các nước khác.
Trước đó, Phái bộ Trung Quốc tại EU cũng đã bày tỏ bất bình và phản đối kịch liệt với tuyên bố chung trên, cho rằng, điều này "rời xa" các quy tắc phát triển quan hệ song phương.
Người phát ngôn Phái bộ này nhấn mạnh: "Trung Quốc không còn giống như trước đây. Người dân Trung Quốc đã đứng lên. Việc đe dọa sẽ sẽ không có tác dụng với chúng tôi". (THX)
Vấn đề Đài Loan: Trung Quốc tuyên bố phản ứng mạnh với các hành vi 'câu kết'
Ngày 16/6, Trung Quốc khẳng định không chấp nhận các thế lực nước ngoài can thiệp vào các vấn đề Đài Loan và sẽ phản ứng mạnh mẽ với những hành vi “câu kết” như vậy, sau khi Đài Loan thông báo "hàng chục máy bay chiến đấu Trung Quốc đi vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này".
Khi được hỏi liệu động thái của Bắc Kinh có liên quan đến tuyên bố chung của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hay không, người phát ngôn Văn phòng Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan Mã Hiểu Quang cho rằng, chính quyền của hòn đảo này phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng hiện nay.
Theo Bắc Kinh, chính quyền ở Đài Bắc đang câu kết với nước ngoài để tìm kiếm độc lập chính thức. (Reuters)
Ukraine: Bị lãnh đạo NATO 'dội gáo nước lạnh', tuyên bố tin tưởng Mỹ
Ngày 14/6, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay: "Các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã xác nhận, Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh này, đây là một phần không thể thiếu trong quá trình gia nhập NATO".
Tuy nhiên, ngày 15/6, hãng thông tấn quốc tế UPI cho hay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phủ nhận tuyên bố của ông Zelensky.
Ông Stoltenberg cho biết thêm, cuộc bỏ phiếu về lộ trình để đạt tư cách thành viên của Ukraine đã không đạt được sự đồng thuận trong NATO và sự kiện này "không phải là trọng tâm" của Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 11-13/6 vừa qua.
Trong diễn biến khác liên quan tình hình Ukraine, ngày 15/6, Ngoại trưởng nước này Dmytro Kuleba tuyên bố, Kiev không nhìn thấy nguy cơ Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được một thỏa thuận về Ukraine sau lưng Kiev.
Ông Kuleba cho biết, Ukraine đã nói với các đồng minh rằng, Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong các cuộc thảo luận mà Ukraine không có mặt. (UPI, Reuters)
Dải Gaza: Bạo lực bùng phát ở Jerusalem, Israel không kích Gaza
Chiều 15/6 giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam) hàng nghìn người Israel theo chủ nghĩa dân tộc đã tuần hành ở Đông Jerusalem, hô vang các khẩu hiệu phân biệt chủng tộc khiến người Palestine tại đây nổi giận.
Cảnh sát Israel ước tính khoảng 5.000 người tham gia tuần hành và khoảng 2.000 sĩ quan đã được triển khai khắp thành phố để bảo vệ sự kiện này.
Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc tuần hành bắt đầu, đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát Israel và người dân Palestine, khiến ít nhất 33 người thương vong.
Một số người biểu tình Palestine cũng đã hô vang khẩu hiêu: "Bằng máu và lửa, chúng tôi sẽ giải phóng Palestine".
Trong khi đó, quân đội Israel đã tấn công các tổ hợp vũ trang của phong trào Hamas ở Dải Gaza nhằm đáp trả vụ thả các bóng bay gây hỏa hoạn trên các cánh đồng ở miền Nam Israel. (Reuters)
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Việc hồi sinh JCPOA phải đợi chính phủ mới của Iran
Ngày 16/6, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho hay, việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sẽ phải đợi sau khi Iran thành lập chính phủ mới.
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran dự kiến sẽ diễn ra ngày 18/6. Theo kế hoạch, đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 3/8 và Iran sẽ có chính phủ mới vào giữa tháng 8/2021.
Theo thông tin mới nhất, 2 ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống ở Iran, 2 trong số 7 ứng cử viên tranh cử đã rút khỏi cuộc đua, gồm Nghị sĩ bảo thủ Alireza Zakani và ứng cử viên theo đường lối cải cách Mohsen Mehralizadeh.
Vòng đàm phán thứ 6 về việc hồi sinh JCPOA giữa các cường quốc thế giới và Tehran đã được nối lại tại Vienna (Áo) hôm 12/6. IAEA không tham gia trực tiếp quá trình đàm phán này.
Tổng Giám đốc IAEA cho biết, các cuộc thảo luận đã diễn ra trong nhiều tuần "đã giải quyết được các câu hỏi kỹ thuật rất phức tạp và tinh vi, nhưng điều cần thiết là quyết tâm chính trị của các bên". (Reuters)
Anh-EU: Tranh cãi chưa dứt về Nghị định thư Bắc Ireland
Ngày 16/6, Bộ trưởng Brexit của Anh David Frost cho rằng, thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian tại Bắc Ireland đang bị đe dọa vì cách thức thực thi một phần của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU tại vùng lãnh thổ này.
Sau khi London rời EU vào ngày 1/1 năm nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đơn phương trì hoãn thực hiện một số điều khoản trong Nghị định thư Bắc Ireland, trong khi Bộ trưởng Frost cho rằng, nghị định thư này là thỏa thuận không bền vững.
Ông Frost nhấn mạnh, điều tối quan trọng là phải giữ đúng bản chất của Nghị định thư Bắc Ireland để hỗ trợ và không làm suy yếu thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành.
Bộ trưởng Anh cho biết, nước này vẫn đang cân nhắc tất cả lựa chọn để đưa ra phản ứng với EU liên quan tới tranh cãi về thỏa thuận, bao gồm vấn đề Bắc Ireland, đồng thời tiết lộ các cuộc hội đàm không đạt được nhiều tiến triển.
Phản ứng về phát biểu của Bộ trưởng Brexit của Anh, cùng ngày, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney khẳng định, các hiệp định thương mại hậu Brexit dành cho Bắc Ireland không phải là mối đe dọa với sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh mà đơn giản là biện pháp giải quyết tình trạng chia rẽ sau sự kiện London rời khỏi EU. (Reuters)